Đóng cửa 35 ngày, kinh tế Mỹ ‘bốc hơi’ 11 tỷ USD
Đợt đóng cửa dài kỷ lục 35 ngày của chính phủ liên bang khiến nền kinh tế Mỹ mất 11 tỷ USD do thiếu hụt công chức, chi tiêu công bị trì hoãn và lực cầu giảm, theo phân tích mới nhất của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO).
- 25-12-2018Chứng khoán Mỹ rớt thảm hại, ông Trump đổ lỗi FED là "vấn đề duy nhất của nền kinh tế Mỹ"
- 23-12-2018Kinh tế Mỹ phập phù
Theo tính toán của CBO, việc đóng cửa chính phủ khiến kinh tế Mỹ mất 3 tỷ USD trong quý IV/2018, tương đương 0,1% GDP, và mất 8 tỷ USD trong quý I năm nay, tương đương 0,2%.
Phần lớn thiệt hại đối với nền kinh tế sẽ được bù đắp khi chính phủ mở cửa trở lại và công chức quay lại làm việc, nhưng theo ước tính của CBO, kinh tế Mỹ vẫn sẽ vĩnh viễn mất 3 tỷ USD.
Nguồn: Getty Images.
“Những người phải chịu ảnh hưởng trực tiếp và bị thiệt hại nặng nề nhất là các công chức vì bị bồi thường chậm trễ và các tổ chức tư nhân vì công việc kinh doanh bị gián đoạn. Một số tổ chức tư nhân sẽ không bao giờ lấy lại được phần thu nhập đã mất trong giai đoạn chính phủ đóng cửa vừa qua”, báo cáo cho biết.
Phân tích của CBO không tính toán đến ảnh hưởng gián tiếp, như việc trì hoãn cấp giấy phép và giảm khả năng tiếp cận vốn.
CBO cho biết các doanh nghiệp bắt đầu hoãn các kế hoạch đầu tư và tuyển dụng trong thời gian chính phủ đóng cửa, đồng thời cảnh báo rằng rủi ro ngày càng lớn nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.
Báo cáo của CBO cũng xem xét tác động của chính sách thương mại lên nền kinh tế Mỹ. Ước tính, lệnh thuế mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với hoạt động xuất nhập khẩu sẽ khiến GDP Mỹ trung bình mất 0,1% cho tới năm 2029. Đối với năm 2019, mức độ ảnh hưởng của thuế quan lên GDP nước này sẽ tăng lên 0,3%, từ mức 0,2% của năm ngoái.
Nhìn chung, CBO dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ chậm lại ở 2,3%, từ mức 3,1% của năm 2018, vì lợi ích của chính sách thuế mới mờ nhạt dần. Đến năm 2023, tăng trưởng GDP dự kiến đạt trung bình 1,7%.
Người đồng hành/CNBC