MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng minh Mỹ xin gia nhập BRICS: "Lá bài mạnh rất được lòng" Trung Quốc

22-08-2023 - 07:39 AM | Tài chính quốc tế

Từ ngày 22-24/8, hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS sẽ diễn ra tại Nam Phi. Hội nghị thượng đỉnh năm nay càng trở nên nổi bật hơn trước thông tin mở rộng thêm nhiều thành viên mới.

Đồng minh Mỹ xin gia nhập BRICS: "Lá bài mạnh rất được lòng" Trung Quốc - Ảnh 1.

Thành viên tiềm năng

Hãng tin Reuters hồi tháng trước dẫn lời ông Anil Sooklal, Đại sứ Nam Phi chịu trách nhiệm về quan hệ với liên minh kinh tế BRICS và các nước châu Á, cho biết, 22 nước đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, trong khi "một số lượng tương đương" các quốc gia khác bày tỏ sự quan tâm trở thành thành viên BRICS.

Đáng chú ý, Ả Rập Saudi - đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực Trung Đông - là một trong số 22 nước nộp đơn xin gia nhập BRICS.

Vào ngày 20/10/2022, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng BRICS, sau thông tin Saudi đang thể hiện mong muốn gia nhập nhóm.

"Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, với tư cách là chủ tịch BRICS năm nay, tích cực hỗ trợ nhóm bắt đầu quá trình mở rộng thành viên và mở rộng hợp tác BRICS +" , phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết.

Talmiz Ahmad, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Ả Rập Saudi, cho biết: "Nếu Ả Rập Saudi gia nhập BRICS, điều đó sẽ mang lại tầm quan trọng đặc biệt cho nhóm".

Tờ Atalayar (Tây Ban Nha) cho rằng, nếu nền kinh tế quan trọng ở Trung Đông như Ả Rập Saudi gia nhập BRICS thì quy mô của khối sẽ cực kỳ ấn tượng.

Việc bổ sung Saudi, với tư cách là quan sát viên, sẽ tăng cường mối quan hệ giữa Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) với các nước sản xuất dầu mỏ lớn.

Đồng minh Mỹ xin gia nhập BRICS: "Lá bài mạnh rất được lòng" Trung Quốc - Ảnh 2.

Ả Rập Saudi đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Ảnh:

"Ở Trung Đông, chúng tôi rất coi trọng Ả Rập Saudi và hiện đang đối thoại với họ" , nhà băng này tuyên bố.

Trong khi đó, nhóm các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hiện đại diện cho hơn 42% dân số thế giới, chiếm hơn 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 18% thương mại. Tất cả các thành viên BRICS đều thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn G20.

Hợp tác cùng có lợi

Trang Modern Diplomacy cho biết, Ả Rập Saudi chiếm một vị trí cao trong thế giới Hồi giáo và Ả Rập. Ả Rập Saudi là bên tham gia lớn nhất trên thị trường năng lượng toàn cầu, chiếm 19% trữ lượng dầu của thế giới, 12% sản lượng thế giới, hơn 20% lượng dầu xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Khối lượng dự trữ vàng và ngoại hối, theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Ả Rập Saudi, lên tới 693 tỷ USD vào cuối năm 2022. Do đó, đây là một nhân tố quan trọng trên thị trường tài chính và đầu tư toàn cầu, thậm chí được ví như lá bài mạnh mà các tổ chức đều muốn nắm giữ.

Việc Ả Rập Saudi gia nhập BRICS sẽ mang lại lợi ích cho các nước tham gia và củng cố vị thế của tổ chức này trên trường thế giới.

Ngược lại, quốc gia này cũng sẽ được hưởng lợi từ thị trường, cơ hội và nguồn lực của các nước BRICS.

Với 42% dân số toàn cầu, BRICS là một thị trường xuất khẩu khổng lồ của bất kỳ nền kinh tế nào, chưa kể đến các cơ hội đầu tư lớn. Vào năm 2021, tổng GDP của khối đạt hơn 23,5 nghìn tỷ USD, cao hơn GDP của Mỹ (22,68 nghìn tỷ USD). Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 16,86 nghìn tỷ USD.

Trung Quốc và Ấn Độ, các thành viên của BRICS, là thị trường nhập khẩu dầu mỏ chính từ vùng Vịnh, đồng thời là đối tác thương mại chính của Saudi và các nước vùng Vịnh.

Đồng minh Mỹ xin gia nhập BRICS: "Lá bài mạnh rất được lòng" Trung Quốc - Ảnh 3.

Ả rập Saudi gây chú ý khi gia nhập BRICS vì là đồng minh, đối tác lớn của Mỹ. Ảnh: Reuters

Việc gia nhập BRICS sẽ tăng cường hợp tác kinh tế giữa Saudi và các nước tham gia, đồng thời sẽ góp phần vào sự tăng trưởng của chính nền kinh tế nước này trong tương lai.

Đồng minh lớn của Mỹ

Bất chấp những lợi thế rõ ràng, việc Riyadh gia nhập BRICS có thể ảnh hưởng tới quan hệ với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ.

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ năm của Ả Rập Saudi với khối lượng thương mại đạt 151,4 tỷ rial.

Mỹ coi Saudi là đồng minh chiến lược ở vùng Vịnh Ba Tư. Mỹ cũng là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Riyadh. Đầu tư của Mỹ vào Saudi là 800 tỷ USD, trong khi Trung Quốc chỉ là 100 tỷ USD.

Theo một số phân tích, Ả Rập Saudi đang muốn tăng tỷ trọng xuất khẩu phi dầu mỏ lên 50% nên việc gia nhập BRICS sẽ giúp Riyadh tăng xuất khẩu năng lượng để đổi lấy việc mở cửa thị trường cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ các nước phương Tây.

Tuy vậy có ý kiến cho rằng, với vai trò là đồng minh đối tác lớn của Mỹ, Saudi vẫn phải cân nhắc cẩn thận tất cả những ưu và nhược điểm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo An An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên