MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng tiền đi liền... điện thoại "cục gạch"

Chỉ có 10 triệu người có smartphone nhưng có tới 18 triệu người thanh toán qua điện thoại, quốc gia châu Phi này đang bỏ xa nhiều nước phát triển khác trong cuộc đua không tiền mặt.

Theo đúng nghĩa đen của câu "đồng tiền đi liền khúc ruột", vì nhiều người dân châu Phi không có tài khoản ngân hàng nên trước đây họ luôn phải mang tiền theo người. Nhưng với sự phát triển đáng kinh ngạc của dịch vụ Mobile Money, đồng tiền ở châu Phi giờ đi liền với điện thoại, nhưng tất nhiên không phải smartphone như ở nhiều quốc gia khác.

Thật vậy, trong khi chính quyền New York buộc các cửa hàng phải chấp nhận thanh toán tiền mặt, vì cho rằng thanh toán không tiền mặt sẽ hằn sâu thêm bất bình đẳng giàu nghèo. Thì ở Nairobi, thủ đô của Kenya, thanh toán không tiền mặt dễ dàng hơn nhiều, nhờ có hệ thống mobile money dẫn đầu thế giới về lượng người dùng: M-Pesa.

M-Pesa (M là viết tắt của Mobile, pesa trong tiếng Swahili nghĩa là tiền) là dịch vụ chuyển tiền, thanh toán và tài chính vi mô dựa trên điện thoại di động, được ra mắt vào năm 2007 bởi Vodafone Group plc và Safaricom, nhà khai thác mạng di động lớn nhất ở Kenya.

Đồng tiền đi liền... điện thoại cục gạch - Ảnh 1.

Sau một thời gian thử nghiệm, M-Pesa đã được mở rộng để trở thành mô hình chuyển tiền phổ biến. Khi đăng ký, bạn sẽ phải chuyển tiền vào hệ thống bằng cách giao tiền mặt cho một trong 40.000 đại lý của Safaricom. Sau đó, tiền của bạn sẽ được quy vào tài khoản M-Pesa. Bạn có thể rút tiền bằng cách đến bất kỳ một đại lý nào. Tại đây, tài khoản của bạn sẽ được kiểm tra trước khi ghi nợ tài khoản và giao tiền mặt cho bạn. Bạn cũng có thể chuyển tiền cho người khác bằng điện thoại.

Quy trình và công nghệ của M-Pesa giúp tiền của người dân Kenya có thể được gửi an toàn, nhanh chóng và tiện lợi hơn so với việc buộc vào người, hay nhờ người khác chuyển giúp (hãy nhớ rằng họ hầu như không có tài khoản ngân hàng). Điều này đặc biệt hữu ích ở một quốc gia có nhiều lao động thành thị gửi tiền về cho gia đình ở nông thôn. Chuyển tiền điện tử giúp tiết kiệm thời gian để họ làm việc hiệu quả hơn.

Đồng tiền đi liền... điện thoại cục gạch - Ảnh 2.

M-Pesa không phải hệ thống mobile money duy nhất trên thế giới, tại sao nó vẫn được coi là ví dụ thành công nhất? 

Có rất nhiều yếu tố "thiên thời, địa lợi" cho hệ thống này. Thứ nhất, chi phí cho việc chuyển tiền bằng các phương tiện khác là rất cao. Thứ hai là vị trí thống lĩnh thị trường của Safaricom. Thứ ba là hệ thống này hiệu quả để chuyển tiền một cách kín đáo, nhất là giữa các cuộc bạo động. Ở thời điểm khó khăn đó, M-Pesa đã được sử dụng để chuyển tiền cho người bị mắc kẹt trong các khu ổ chuột ở Nairobi, và người dân Kenya bắt đầu xem M-Pesa như một nơi an toàn để lưu trữ tiền của họ hơn so với các ngân hàng . 

Nhờ chiếm được niềm tin của những người dùng đầu tiên, M-Pesa tiếp tục hưởng lợi từ hiệu ứng lan truyền: ai cũng dùng M-Pesa vì những người khác cũng dùng M-Pesa (giống như Facebook).

Đến nay, M-Pesa đã mở rộng sang Tanzania, Mozambique, DRC, Lesoto, Ghana, Ai Cập, Afghanistan , Nam Phi, Ấn Độ, Romania và Albania. Dịch vụ này cho phép người dùng ký gửi, rút ​​tiền, chuyển tiền, thanh toán hàng hóa và dịch vụ (Lipa na M-Pesa), truy cập tín dụng và gửi tiết kiệm, tất cả đều thực hiện trên điện thoại di động.

M-Pesa giờ đây cũng cung cấp các khoản vay và các sản phẩm tiết kiệm, cũng có thể được sử dụng để trả lương, thanh toán hóa đơn, giúp người dùng tiết kiệm thêm thời gian và tiền bạc (vì họ không cần phải ếp hàng tại ngân hàng).

Một nghiên cứu được thực hiện tại Kenya chỉ ra rằng các hộ gia đình nông thôn ở đất nước này sử dụng M-Pesa đã tăng thu nhập từ 5-30%. Bên cạnh đó, với sự sẵn có của nền tảng thanh toán di động đáng tin cậy, Kenya đã sản sinh ra một loạt doanh nghiệp mới có mô hình kinh doanh xây dựng trên cơ sở M-Pesa. 

H.A

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên