Đồng tiền kỹ thuật số quốc gia: Mỹ chần chừ, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển còn Việt Nam thì sao?
Ngày 20/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo đang thực hiện "bước thảo luận đầu tiên" về việc phát hành tiền kỹ thuật số. Còn Trung Quốc thông báo, tính đến cuối năm 2021, tiền kỹ thuật số quốc gia e-CNY đã có 261 triệu người dùng với giá trị 13,78 tỷ USD.
- 15-02-2022Một địa phương có sự hiện diện của Samsung chuẩn bị lên thành phố sớm 2 năm so với kế hoạch?
- 15-02-2022Có bao nhiêu tiền thì lọt top 10% và top 1% giàu nhất Việt Nam?
Mỹ đang thảo luận về kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 20/1 thông báo đang thực hiện "bước thảo luận đầu tiên" về việc phát hành tiền kỹ thuật số của riêng mình, sau khi cơ quan này công bố một báo cáo cho thấy những lợi ích tiềm năng, trong đó có việc giúp duy trì vai trò thống trị của đồng USD.
Báo cáo đầu tiên của Fed không đưa ra kết luận về việc tung ra một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) mà thay vào đó tập trung vào những ưu điểm và nhược điểm của việc phát hành một loại tiền này.
Trong báo cáo này, Fed cho biết CBDC có thể giúp "duy trì vai trò thống trị của đồng USD", với quan điểm việc sử dụng đồng USD trên toàn cầu có thể giảm nếu nhiều quốc gia và liên minh tiền tệ khác ra mắt tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Ngoài ra, CBDC mang đến sự thuận tiện và an toàn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp khi lựa chọn phương thức thanh toán kỹ thuật số, đồng thời có thể cho phép thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn và phí thấp hơn.
Tuy nhiên, đồng tiền này cũng có mặt trái như việc đảm bảo sự ổn định tài chính, giữa lúc có những lo ngại rằng sự phổ biến và dễ dàng tiếp cận CBDC có thể khiến tiền gửi tại các ngân hàng thương mại và tính hiệu quả của chính sách tiền tệ giảm sút.
Fed cho biết bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn hành vi tài chính bất hợp pháp cũng là những vấn đề cần được giải quyết. Cơ quan này không có ý định tiếp tục phát hành tiền kỹ thuật số mà không có "sự hỗ trợ từ cơ quan hành pháp và từ Quốc hội". Fed đang lấy ý kiến của công chúng đối với báo cáo này cho đến ngày 20/5.
Ý tưởng về đồng CBDC của riêng Mỹ nhận được sự ủng hộ lẫn phản đối từ giới lãnh đạo nước này. Trong khi bà Lael Brainard, ủy viên Hội đồng Thống đốc của FED, lập luận "tương lai sẽ khó bền vững nếu thiếu một loại CBDC" thì Hạ nghị sĩ Tom Emmer cảnh báo CBDC "có nguy cơ bị sử dụng làm công cụ do thám".
Trung Quốc đẩy mạnh phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số e-CNY
Trong lúc Mỹ còn chần chừ thì Trung Quốc đang đẩy mạnh việc sử dụng CBDC của riêng mình, còn gọi là nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY).
Tính đến cuối năm 2021, ông Zou Lan, người đứng đầu bộ phận các thị trường tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cho biết e-CNY đã có 261 triệu người dùng và giá trị giao dịch đạt 87,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13,78 tỷ USD).
Tính đến cuối năm 2021, e-CNY đã có 261 triệu người dùng
Ra mắt từ năm 2014, e-CNY được thử nghiệm ở nhiều thành phố trong vòng 2 năm qua. Đầu năm 2022, ví điện tử e-CNY có mặt trên các cửa hàng ứng dụng của iOS và Android và trở thành một trong những ứng dụng phát triển người dùng nhanh nhất.
Hiện tại, người dân ở 10 thành phố, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, cùng các địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông sẽ được hỗ trợ đăng ký và sử dụng e-CNY. Theo thống kê, khoảng 8 triệu cửa hàng chấp nhận thanh toán loại tiền này.
Việt Nam
Ngày 28/10/2021, Chính phủ ban hành quyết định số 1813/QĐ-TTg về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đề án, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được Thủ tướng giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia trong giai đoạn này. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước là Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan.
Bên cạnh đó, NHNN cũng được giao hoàn thành xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Việt Nam hiện chưa có khái niệm chính thức về "tiền kỹ thuật số quốc gia". Tháng 3/2021, tại hội thảo trực tuyến về "Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành" do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức với sự tham dự của Ngân hàng trung ương các nước, Việt Nam đã đưa ra thông điệp, mỗi nước có một con đường đi khác nhau đối với việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, vì ngay cả định nghĩa về đồng tiền này giữa các nước cũng khác nhau.
Vì vậy, không nhất thiết mọi quốc gia đều phải phát hành đồng tiền kỹ thuật số của mình, và cả khi phát hành thì một quốc gia có thể chọn hình thức phát hành bán buôn hoặc bán lẻ tùy vào những cân nhắc riêng.