Đồng USD dự kiến sẽ còn tăng tiếp
Đồng USD đã tăng giá mạnh do chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng trung ương Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, các nhà phân tích nhìn chung cho rằng ‘sức mạnh’ của đồng tiền này vẫn chưa đạt đỉnh điểm, và vấn đề còn lại chỉ là khi nào xu hướng giá USD tăng sẽ kết thúc.
- 19-08-2022Vì sao hệ thống tài chính lấy đồng USD làm trung tâm vẫn vững mạnh?
- 15-08-2022Đồng USD có thể giảm giá trong 6 - 12 tháng tới
- 04-08-2022BVSC: VND đã giảm 2,2% so với USD nhưng vẫn là đồng tiền giữ giá tốt nhất khu vực
Đồng bạc xanh đã giảm khỏi mức cao kỷ lục chưa từng có trong nhiều thập kỷ vào giữa tháng 7/2022, nhưng không lâu sau khi giảm, đồng USD đã hồi phục nhanh chóng bởi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều khẳng định Ngân hàng trung ương Mỹ "hoàn toàn thống nhất" trong việc tăng lãi suất lên mức có thể làm giảm lạm phát. Được biết, lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ những năm 1980.
Với việc Fed dự kiến sẽ đi trước các đồng nghiệp của mình trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ bằng một số biện pháp và nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể, con đường để đồng đô la suy yếu đáng kể, hoặc để thúc đẩy hầu hết các đồng tiền khác hồi phục vẫn thực sự khó khăn.
Kết quả khảo sát của Reuters mới đây cho thấy, có tới 70% các chiến lược gia (40/56 người được phỏng vấn) cho rằng ‘sức mạnh’ của đồng USD vẫn chưa đạt ‘đỉnh’. Tuy nhiên, họ chia rẽ ý kiến về thời điểm USD kết thúc chu kỳ tăng giá.
Khi được hỏi khi nào đồng bạc xanh sẽ đạt ‘đỉnh’, 14 người cho rằng trong vòng 3 tháng tới, 19 người nói rằng trong vòng 6 tháng tới, và 6 người khác nói trong vòng một năm và 1 người nói trong vòng hai năm. Chỉ có 16 người nói rằng USD đã đạt ‘đỉnh’.
Michalis Rousakis, chiến lược gia về tiền tệ nhóm G10 của Bank of America Securities, cho biết: "Để đồng USD suy yếu, Fed phải quan tâm đến tăng trưởng hơn là lạm phát". Tuy nhiên, với mức lạm phát cao gấp 4 lần so với mục tiêu, hiện mối quan tâm hàng đầu của Fed vẫn là chế ngự lạm phát.
Dự báo của các nhà phân tích về thời điểm USD đạt ‘đỉnh’
Đồng USD đã tăng khoảng 16% từ đầu năm 2022 đến nay. Trong 12 tháng tới, dự đoán USD sẽ giảm giá chút ít so với hiện tại, và một số đồng tiền chủ chốt khác trong thời gian đó dự kiến sẽ thu hẹp bớt mức giảm giá từ đầu năm đến nay, theo quan điểm của nhà kinh tế cấp cao của UBS Global Wealth Management, ông Brian Rose.
Dự đoán của các chuyên gia về các tiền tệ chủ chốt
Đồng euro EUR trong tháng 7/2022 đã giảm về mức ngang giá so với USD - mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ và giảm hơn 10% trong năm 2022. Dự báo euro sẽ tăng giá hơn 6% so với mức hiện tại vào tháng 8/2023 và dự kiến sẽ giao dịch xung quanh các mức trung bình 1,02 USD, 1,05 USD và 1,08 USD tương ứng trong 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng tới.
Những tỷ giá đó đều là các mức thấp nhất trong số các cuộc thăm dò của Reuters về tỷ giá tiền tệ kể từ năm 2017, cho thấy triển vọng xấu đi đối với đồng tiền chung châu Âu.
Trong cuộc khảo sát vào tháng 7/2022, có một số nhà phân tích dự đoán đồng euro sẽ giao dịch ngang bằng hoặc thấp hơn so với đồng USD trong các mốc thời gian dự báo, nhưng trong cuộc thăm dò mới nhất này, khoảng 1/3 trong số hơn 60 chiến lược gia hiện cho biết sẽ xem xét lại các mức dự báo đó trong ba tháng tới.
"Trong ngắn hạn, chúng tôi đều cho rằng đồng đô la sẽ duy trì sức mạnh của mình, đặc biệt là so với đồng euro. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng có khả năng đồng euro sẽ giảm xuống dưới mức ngang giá", ông Rose nói.
Đối với yen Nhật, Bất chấp đợt phục hồi gần đây khi lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm, đồng tiền Nhật Bản - nơi trú ẩn an toàn đã giảm khoảng 14% giá trị trong năm nay, trở thành đồng tiền mất giá nhiều nhất trong số các đồng tiền lớn.
Kết quả thăm dò cho thấy giá trị tiền yen sẽ hồi phục một chút trong thời gian tới, đến đầu tháng 8/2022 sẽ cao hơn khoảng 5% so với mức hiện tại, giao dịch trong khoảng 127 JPY/USD.
"Tôi nghĩ câu hỏi có liên quan nhất đối với đồng đô la là nếu bạn định bán đồng đô la, bạn sẽ mua cái gì khác ... bạn sẽ không mua nhiều yen hơn so với đô la Mỹ khi bạn vẫn đang nhận được lợi nhuận từ USD cao hơn nhiều so với JPY", Jane Foley, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối của Rabobank, cho biết.
Lợi thế về lợi suất mà đồng USD mang lại cho người sở hữu cũng có khả năng làm tổn hại đến các tiền tệ của thị trường mới nổi, khiến những đồng tiền này khó có cơ hội hồi phục trong thời gian tới, sau khi đã giảm giá đáng kể trong thời gian qua.
Trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng won của Hàn Quốc được dự đoán sẽ bị giới hạn trong phạm vi hiện tại trong vòng 3 đến 6 tháng tới, đồng rupee của Ấn Độ, đồng rand Nam Phi, rúp Nga và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ giảm.
Phoenix Kalen, giám đốc nghiên cứu các thị trường mới nổi của Societe Generale, đã đưa ra một "danh sách các dự kiến đáng lo ngại" đối với các loại tiền tệ đó.
"Đối với tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi, chúng tôi ít cảm thấy lo lắng về việc thị trường định giá việc FOMC (Ủy ban Thị trường mở của Fed) tăng lãi suất, mà tập trung nhiều hơn vào bối cảnh cơ bản là tăng trưởng toàn cầu xấu đi, điều kiện tài chính thắt chặt, diễn biến địa chính trị xấu đi, dòng vốn tiếp tục chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, và nguy cơ kinh tế Trung Quốc suy giảm đột ngột", nhà phân tích Kalen cho biết.
Tham khảo: Refintitiv
Nhịp sống Kinh tế