Dòng vốn đầu tư 140.000 tỷ đổ về 37 dự án ở Quảng Bình
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021, tỉnh Quảng Bình đã trao quyết định chủ trương và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư trên 70.000 tỷ đồng; trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn đầu tư gần 70.000 tỷ đồng.
- 18-01-2021Khởi động dự án đường sắt 10 tỷ USD nối TPHCM - Cần Thơ
- 18-01-2021Sẽ chuyển sang điều tra, khởi tố nếu trốn nộp thuế
- 18-01-2021Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đạt 6,5 tỷ Kwh điện
Ngày 17/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021 với chủ đề "Quảng Bình - Tiềm năng, An toàn và Khác biệt".
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, năm 2020, tuy phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ lịch sử nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng 2,63%. Một số dự án công nghiệp lớn trọng điểm như Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch, cụm trang trại điện gió B&T được khởi công đầu tư cho thấy quyết tâm cao của tỉnh và các nhà đầu tư. Quảng Bình đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch để phát triển kinh tế du lịch. Đây là một trong những thành công lớn của tỉnh trong chiến lược phát triển du lịch.
Về thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển, tuy còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, nhưng tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Đến nay, đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 448 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 52 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 25 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là gần 1,1 tỷ USD. Riêng năm 2020, đã phê duyệt chủ trương đầu tư 74 dự án với tổng mức đầu tư gần 16,6 nghìn tỷ đồng.
Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả. Quảng Bình là tỉnh có Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh liên tục nhiều năm liền đứng tốp đầu cả nước, đây là chỉ số rất quan trọng, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, Quảng Bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế và đang đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể là, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chưa thật sự rõ nét; năng suất lao động còn thấp. Thu ngân sách còn nhiều khó khăn, cơ cấu nguồn thu chưa hợp lý. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang ở thứ hạng thấp...
Đặc biệt, tỉnh chưa đề ra được một chương trình phát triển kinh tế biển bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp du lịch biển với các loại hình – sản phẩm du lịch khác (như hang động, khám phá, lịch sử, tâm linh…) để khai thác tối đa một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Quảng Bình.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, là một địa phương thuộc vùng duyên hải Trung Bộ, Quảng Bình có lợi thế về nhiều mặt để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của đất nước.
Đặc biệt, Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên đầu tiên của Đông Nam Á đạt 3 tiêu chí về di sản. Quảng Bình được Tổ chức Kỷ lục Thế giới công nhận là tỉnh có dải cát ven biển dài nhất Việt Nam.
Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh Quảng Bình phát triển du lịch và Quảng Bình thực sự đã là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, Quảng Bình có đầy đủ các tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, sẽ thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tại hội nghị, với sự chứng kiến của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã trao quyết định chủ trương và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư trên 70.000 tỷ đồng; trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn đầu tư gần 70.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh kêu gọi đầu tư 62 dự án trên các lĩnh vực.