MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng vốn FDI tăng tốc

Trong bức tranh kinh tế vĩ mô tháng 7 mới được các cơ quan thống kê công bố, nổi bật là điểm sáng FDI.

Tháng 7 là lần đầu tiên trong năm nay mà tổng vốn đầu tư đăng ký đã tăng so với cùng kỳ, cụ thể là tăng 4,5% sau khi giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm. Lĩnh vực được quan tâm đầu tư vẫn là công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 67,3% tổng vốn đầu tư và thậm chí còn được quan tâm hơn so với năm ngoái. Trong khi lĩnh vực bất động sản, dù vẫn xếp thứ 2, nhưng là lĩnh vực duy nhất đã sụt giảm so với cùng kỳ và giảm tới một nửa.

Để có được đà tăng tốc này, chắc chắn không thể không nhắc tới các địa phương, nổi bật nhất trong tháng 7, có lẽ là Hải Phòng. Dù không hẳn dẫn đầu như TP.Hà Nội nhưng địa phương này đã bất ngờ vượt qua cả TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, tạm vươn lên vị trí số 2. Đó là nhờ địa phương này đã ghi nhận dự án LG Innotek điều chỉnh bổ sung thêm 1 tỷ USD trong tháng 7. Vốn bổ sung tức là đã rót vốn rồi lại tiếp tục mạnh tay rót tiếp - điều này càng cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư lớn dành cho Việt Nam.

Dự án này cũng giúp Hàn Quốc khẳng định vị trí số 2 trên đường đua tính tới hết tháng 7, xếp cạnh là Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, Singapore cũng sẽ không dễ để mất vị trí dẫn đầu bởi thực ra Singapore chỉ là điểm trung chuyển vốn, còn nguồn gốc vốn thực sự lại có thể là từ Mỹ, EU, Trung Quốc và có thể cả Hàn Quốc nữa, rất đa dạng.

Hãy nhìn vào tựa đề này của bài phân tích mới nhất từ ngân hàng phát triển Singapore: "Tăng trưởng năm nay của Việt Nam có chậm lại trong bối cảnh những cơn gió ngược toàn cầu, tuy nhiên vị thế là 'điểm đến FDI yêu thích' trong lĩnh vực sản xuất vẫn nguyên vẹn". Rõ ràng, cuộc đua FDI vào Việt Nam của các quốc gia sẽ còn gay cấn hơn nữa khi kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi.

Dòng vốn FDI tăng tốc - Ảnh 1.

Doanh nghiệp FDI kỳ vọng mở rộng sản xuất

Công ty sản xuất thiết bị y tế B Braun vừa tăng gấp đôi vốn đầu tư, rót thêm hơn 100 triệu USD. Dự kiến trong 2 năm tới, từ cơ sở sản xuất hiện tại, sẽ có thêm 1 cơ sở tương tự đặt ngay bên cạnh ở Thanh Oai, Hà Nội. Công suất cũng sẽ tăng gấp đôi, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu toàn cầu.

Ông Torben Minko, Tổng Giám đốc CTCP B Braun, cho biết: "Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Cùng với việc không ngừng cải thiện thủ tục hành chính, Việt Nam đang chứng tỏ được sự cởi mở của mình. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ là 1 trong những quốc gia thắng cuộc trong cuộc đua phục hồi kinh tế. Hãy nhìn ngay vào lạm phát, Việt Nam vẫn ổn định khi thế giới vẫn bất ổn. Và nhìn rộng hơn, sự ổn định chính là lợi thế lớn nhất của Việt Nam. Điều này giúp chúng tôi cảm thấy yên tâm khi đầu tư tại đây. Vài năm qua là minh chứng rõ nhất và tôi chắc chắn những năm tới cũng sẽ vẫn thế".

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham nhận định: "Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, tỷ lệ doanh nghiệp EU tin tưởng vào sự ổn định kinh tế, tình hình cải thiện kinh doanh trong quý 3 vẫn cải thiện. Quy mô nhân sự lại không hề suy giảm, cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang có niềm tin duy trì sản xuất".

Chuyển dịch xanh hiện đang được khối FDI ngày càng quan tâm, đặc biệt là sau khi quy hoạch điện 8 mới được thông qua.

Ông Sung Hoon, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Asong Invest, cho biết: "Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng hành lang chính sách rất tốt về tăng trưởng xanh. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối nhiều quỹ đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh".

Ông Gregory Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), nói: "Năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Mĩ khi đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm ngoái và phát triển kinh tế xanh sẽ là động lực trong những năm tiếp theo".

Hàng loạt chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam trong nửa đầu năm nay càng là động lực thôi thúc dòng vốn FDI những quý tiếp theo. Boeing mới khai trương văn phòng tại Hà Nội. Intel đang đàm phán để tiếp tục rót thêm hàng tỷ USD. P&G tiếp tục mở rộng nhà máy ở Bình Dương. Hay hơn 100 biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Tất cả dường như mới chỉ là những bước lấy đà cho pha bứt tốc khi kinh tế phục hồi.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên