Đốt sổ sách, trốn biệt tăm khi "siêu lừa" Huyền Như sa lưới
Làm ăn thua lỗ, “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như phải vay lãi nặng ngoài xã hội, có khi lên đến 144%/năm.
- 07-02-2018"Siêu lừa" Huyền Như từng bị xã hội đen đe dọa
- 19-01-2018‘Siêu lừa’ Huyền Như được lên lịch xử đến... 27 Tết
- 17-01-2018Thông tin mới nhất về vụ án 'siêu lừa' Huyền Như
Ngày 8-2, TAND TP HCM đưa vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) ra xét xử sơ thẩm.
Hai bị cáo ra tòa là Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ - Vietinbank Chi nhánh TP HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank), bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Toàn cảnh phiên tòa xét xử Huyền Như. Clip: Phạm Dũng
Ở phần thủ tục, luật sư Phan Trung Hoài bảo vệ cho bị cáo Võ Anh Tuấn yêu cầu triệu tập đại diện Cơ quan CSĐT Bộ Công an và kiểm sát viên Vụ 3 VKSND Tối cao để làm rõ một số vấn đề trong quá trình tranh tụng.
Theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, trong 18 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không có ai là nhân chứng của vụ án nên đề nghị triệu tập thêm nhiều người.
Luật sư của Vietinbank yêu cầu triệu tập chủ tịch HĐQT Công ty An Lộc, đại diện một ngân hàng khác liên quan đến vụ án.
Là một trong 4 luật sư bảo vệ cho Vietinbank, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng các cơ quan tố tụng đã xem xét tất cả các mặt liên quan đến ngân hàng này nên việc triệu tập những người không liên quan nhưng đã làm rõ trong quá trình điều tra thì không cần thiết.
Võ Anh Tuấn và Huyền Như tại tòa
Luật sư bảo vệ cho Công ty Chứng khoán Phương Đông yêu cầu triệu tập nguyên Tổng Giám đốc Vietinbank, ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc VietinBank Chi nhánh TPHCM) và bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh TPHCM).
Sau khi hội ý, HĐXX xét thấy sự vắng mặt của những người liên quan không ảnh hưởng đến quá trình xét hỏi, tranh tụng tại tòa. Bên cạnh đó, trong vụ án này không có người khiếu nại kết quả điều tra, cáo trạng nên việc triệu tập điều tra viên và kiểm sát viên đến tòa là không cần thiết.
Có 14 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi trong vụ án. Ngoài 5 công ty được tòa xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án gồm: Công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty CP đầu tư Hưng Yên, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty CP đầu tư và thương mại An Lộc, TAND TP HCM còn triệu tập 17 cá nhân liên quan đến tham gia phiên tòa.
Theo cáo trạng, để có tiền làm ăn, trong năm 2011, Huyền Như đã lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho VietinBank để gặp, thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của 5 công ty nêu trên.
Huyền Như cam kết ngoài trả lãi suất theo quy định (14%/năm) sẽ trả thêm cho người môi giới tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Tổng số tiền mà Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt được của 5 công ty là hơn 1.085 tỉ đồng.
Bộ Công an xác định do làm ăn thua lỗ, trong một thời gian dài, Huyền Như đã vay nặng lãi của 7 đại gia bên ngoài xã hội, có người cho như vay với lãi suất lên đến 144%/năm.
CQĐT không thu thập được tài liệu, chứng cứ nào khác ngoài lời khai của Huyền Như và nhóm giúp việc; đồng thời, các đối tượng trên cũng không thừa nhận cho Huyền Như vay lãi suất cao nên không thể khởi tố.
Trong số các đối tượng cho vay lãi nặng, Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung đang bị Bộ Công an ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Tổng cộng, trong vòng 3 năm, Huyền Như đã trả lãi cho Trung 660 tỉ đồng tiền lãi.
Khi bị Bộ Công an "sờ gáy", Trung đã đốt sổ sách ghi chép việc cho vay lãi nặng, xóa bỏ chứng cứ, xuất cảnh đi nước ngoài.