MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án 14 triệu USD nguy cơ thành phế liệu: Bất thường xin tăng thêm vốn

Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới của tỉnh Quảng Bình từ vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc triển khai 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Thay vì kiên quyết xử phạt các nhà thầu làm chậm tiến độ, các ngành tham mưu lại trình văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình tăng vốn cho dự án.

Dự án tai tiếng

Năm 2010, tỉnh Quảng Bình bắt đầu tìm nguồn vốn đầu tư cho Dự án điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới. Ban đầu, Chính phủ Tây Ban Nha nhận tài trợ cho dự án này, tuy nhiên sau đó họ rút lui. Tiếp đến, Chính phủ Hàn Quốc nhận tài trợ thông qua hiệp định vốn vay ODA giữa hai chính phủ với số vốn 12 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 1,7 triệu USD.

Đây được xem là Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó. Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện, với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công được hưởng lợi. Xuất phát từ quy mô và tầm quan trọng của dự án, năm 2012, tỉnh Quảng Bình thành lập Ban quản lý Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời (QBSC), trực thuộc UBND tỉnh.

Theo lộ trình, năm 2015 kết thúc dự án, tuy nhiên năm 2014, UBND tỉnh Quảng Bình lại phê duyệt chủ trương kéo điện lưới chồng lên dự án điện mặt trời. Thời điểm đó, Sở Công Thương Quảng Bình có văn bản tham mưu sẽ tháo toàn bộ vật tư thiết bị của dự án điện mặt trời cất vào kho để dùng điện lưới. Chủ trương trái khoáy này bị dư luận phản ứng, báo Tiền Phong lên tiếng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ, sau đó Quảng Bình dừng dự án kéo điện lưới và tiếp tục thực hiện dự án điện mặt trời.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành, chậm tiến độ 5 năm, người dân ở những vùng được xem là sẽ hưởng lợi từ dự án vẫn mòn mỏi chờ “ánh sáng văn minh”.

Xin tăng vốn bất thường

Ngày 10/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Công Thuật ký Quyết định số 4791/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh giá trúng thầu và thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu số 2 và số 7 thuộc dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho các bản thuộc những xã điện lưới quốc gia không đến được. Theo đó, quyết định tăng 212.000 USD cho đơn vị tư vấn giám sát, trong đó 130.000 USD dành cho việc đấu thầu lại và 82.000 USD dành cho việc điều chỉnh thiết kế.

Tuy nhiên, ngày 12/12/2019, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản yêu cầu thu hồi Quyết định 4791 nói trên, với lý do để rà soát lại. Đây là một động thái đúng đắn, khi mà trước đó, ngày 6/9/2014, ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình có công văn số 1200/KHĐT-ĐT đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình: “Không bổ sung giá trị gói thầu dịch vụ tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật thi công tổng dự toán; hỗ trợ công tác đấu thầu; giám sát thi công xây lắp, đào tạo và vận hành hệ thống dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình đã được ký kết giữa QBSC và liên danh nhà thầu Dowha, Kunhwa, Kyunghwa và giao cho ban QBSC dự thảo công văn của UBND tỉnh gửi Ngân hàng KEXIM thông báo về việc không điều chỉnh giá gói thầu nói trên”.

Đồng thời ngày 13/8/2015, QBSC có Công văn số 133/QBSC-KH trả lời nhà thầu tư vấn, trong đó nêu rõ: “Việc bổ sung giá trị gói thầu dịch vụ tư vấn đối với công việc tư vấn để tổ chức đấu thầu lại theo đề xuất của liên danh nhà thầu là chưa đủ căn cứ pháp lý theo quy định tại các điều khoản của hợp đồng đã ký và luật của Chính phủ Việt Nam”.

Trả lời câu hỏi vì sao trước đây cả QBSC và Sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Bình có văn bản từ chối, nhưng nay lại tham mưu văn bản theo hướng tăng vốn cho nhà thầu tư vấn? Ông Lê Trá Khoái, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình, kiêm trưởng ban QBSC cho biết: Ông vừa nhậm chức nên không biết những văn bản trước đây. Còn Quyết định 4791 do ban ông soạn thảo, Sở KH&ĐT, Sở Công Thương thẩm định, sau đó chuyển qua Văn phòng UBND tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh ký.

Một chuyên gia cho biết, Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới tỉnh Quảng Bình, theo quy mô ban đầu phục vụ cho 1.514 hộ. Tuy nhiên, hiện nay quy mô giảm xuống còn hơn 1.200 hộ. Theo điều khoản tham chiếu trong hợp đồng thì khối lượng tư vấn thực hiện thực tế ít hơn hợp đồng nhưng lại phát sinh số tiền 212.000 USD là bất thường.

Đặc biệt, đây là hợp đồng tư vấn, giám sát trọn gói, việc đấu thầu lại là trách nhiệm của nhà thầu, chứ không thể tăng vốn vì điều này. Ngoài ra, quy mô dự án giảm, bắt buộc phải giảm giá trị gói thầu, chứ không thể tăng thêm vốn cho nhà thầu.

Trong các năm 2015 và 2017, báo Tiền Phong có nhiều loạt bài phản ánh về những sai phạm, từ chủ trương đầu tư cũng như tiến độ thực hiện và chất lượng của dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có lưới điện của tỉnh Quảng Bình. Từ thông tin của báo Tiền Phong, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc và yêu cầu Ban cán sự Đảng và cá nhân ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm.



Theo Hoàng Nam

Tiền phong

Trở lên trên