Dự án bất động sản 'đứng hình' vì cán bộ chùn tay?
Việc hàng loạt cán bộ, lãnh đạo của TPHCM bị bắt và đưa ra xét xử thời gian qua đã tác động không nhỏ đến tâm lý của cán bộ hiện tại khiến công việc ở nhiều sở, ngành bị ùn ứ.
- 17-04-2020Hàng loạt ông lớn bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19
- 16-04-2020Những lợi thế thúc đẩy bất động sản Buôn Ma Thuột
- 15-04-2020Bắt đáy thị trường bất động sản
Ách tắc
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, nói rằng, dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) có quy mô 91ha đã mất 3 năm nhưng chưa thể làm xong thủ tục.
“Kế hoạch sử dụng đất công ty đăng ký đến nay cũng đã hết hạn, khi xin gia hạn thì không được chấp thuận. Điều này khiến công ty thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vay lãi ngân hàng cũng như lãi phải trả cho các đối tác liên doanh”, bà nói.
Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương gửi văn bản lên Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Thủ Thiêm (Empire City) tại khu chức năng số 2 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 mà công ty làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư nêu 5 vướng mắc, trong đó có việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư liên quan tăng vốn góp thực hiện dự án, hồ sơ gửi đi từ ngày 16/7/2018 nhưng đến nay, các sở, ngành vẫn chuyển lòng vòng.
Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh, cho rằng, công tác giải quyết công việc của các cơ quan, ban, ngành ở TPHCM còn nhiều bất cập, dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Ông Đực nêu ví dụ, công ty của ông có một dự án nhỏ khoảng 3.700m2 nhưng đóng tiền sử dụng đất mãi không xong.
Sợ trách nhiệm
Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở TPHCM đặt câu hỏi, cùng mặt bằng pháp lý như nhau, vì sao các dự án nhà ở TPHCM bị vướng, còn các địa phương khác thì không? Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như pháp luật chưa thật sự đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu luật “khung”, luật “ống” dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của bộ, ngành đề xuất luật.
“Việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế do một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết”, ông Châu nói.
Trong văn bản số 1255/UBND-ĐT của UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn có nội dung thừa nhận nhiều dự án bất động sản gặp khó là do cán bộ sợ trách nhiệm.
“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, rà soát lại thủ tục pháp lý dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước”, văn bản nêu.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, năm 2019, TPHCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư (giảm 24% số dự án so với năm 2018), 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư (giảm 67 dự án) và 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Người đứng đầu chính quyền TPHCM nói rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp.
“Nếu không giải quyết được những vấn đề này sẽ càng gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của TPHCM và nguồn lực kinh doanh của các nhà đầu tư, uy tín của các sở, ngành. Tuy nhiên, có những vướng mắc về cơ chế, quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Trung ương mà TPHCM không thể giải quyết. UBND TPHCM sẽ đăng ký với Văn phòng Chính phủ để báo cáo những khó khăn trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TPHCM”, ông Phong nói.
TPHCM nên phát triển phong trào “3G”, gồm giảm luật lệ, gom thủ tục và gấp, ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh, đề xuất.
Tiền phong