MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án cầu Thủ Thiêm 4: Khi nào mới bắt đầu xây dựng?

30-10-2018 - 08:38 AM | Bất động sản

Hiện nay trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, hình thức đầu tư PPP được TP.HCM xem là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư hạ tầng. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết đơn vị vừa công khai kêu gọi triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Theo đó, Dự án sẽ thực hiện theo hình thức PPP, dự kiến theo hợp đồng BT. Mục tiêu của Dự án là từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ TP.HCM, kết nối Quận 4, Quận 7 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Tổng chiều dài cầu khoảng 2160m. Cầu chính từ bờ Quận 7 qua đến hết cầu phía Quận 2 với 6 làn xe. TP.HCM ước tính tổng mức đầu tư dự kiến thực hiện Dự án là 5.254 tỷ đồng. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng cho biết tham gia đăng kí đầu tư dự án này các nhà đầu tư sẽ có 30 ngày để đăng ký tự bỏ chi phí lập đề xuất dự án. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư đăng ký, Thành phố sẽ lựa chọn báo cáo nghiên cứu khả thi tốt nhất để thẩm định, phê duyệt làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo, theo quy định.

Cũng theo đơn vị này, trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, hình thức đầu tư PPP được TP.HCM xem là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư hạ tầng. Hình thức này cũng được xem là một trong những động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế của thành phố từ chiều rộng sang chiều sâu.

Với dự án cầu Thủ Thiêm 4, tính đến thời điểm hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực lập đề xuất dự án, nộp hồ sơ đăng kí được tham gia thực hiện dự án này.  Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, trường hợp có hai hay nhiều đơn vị đăng ký nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trở lên sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện theo quy định. Thời gian thực hiện tối đa 6 tháng. 

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng đã có văn bản nêu ý kiến về việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 tại TP.HCM. Tại văn bản này, Bộ KH&ĐT nêu rõ, Bộ không đủ cơ sở để có ý kiến đối với đề xuất của UBND TP.HCM lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

Theo Bộ KH&ĐT, Điều 26 Luật Đấu thầu quy định, nếu dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại các Điều 20, Điều 22 Luật Đấu thầu thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Liên quan đến Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, tại Văn bản số 8651/BKHĐT-QLĐT ngày 17/10/2016, Bộ KH&ĐT đã đề nghị UBND TP.HCM giải trình bổ sung tính đặc thù của dự án về giải pháp kỹ thuật, tài chính, hiệu quả kinh tế và lý do lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, về lý do lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, UBND TP.HCM chưa nêu rõ tính đặc thù riêng biệt của dự án mà không thể áp dụng được đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu theo quy định tại Điều 20, Điều 22 Luật Đấu thầu (chỉ nêu lý do hết sức chung chung là để giải quyết ùn tắc giao thông).

UBND TP.HCM cũng chưa nêu rõ lợi ích kinh tế, hiệu quả, tiết kiệm thời gian khi áp dụng lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 Luật Đấu thầu hoặc những tác động tiêu cực khi Dự án phải thực hiện đấu thầu rộng rãi.

Đáng lưu ý, về phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, UBND TP.HCM không đề cập đến phương án, bao gồm: cách thức lựa chọn, trình tự thủ tục của quá trình lựa chọn nhà đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.

Riêng về chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, tại Văn bản giải trình số 1901/UBND-DA, UBND TP.HCM mới đề cập đến kinh nghiệm nhà đầu tư và năng lực tài chính một cách chung chung, chưa đề cập đến khả năng huy động, thu xếp vốn đầu tư vào dự án (bao gồm cả việc di dời các cầu cảng) nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án.

Được biết, tháng 12/2016, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối từ khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) sang đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 23 dự án đầu tư theo hình thức PPP đã ký kết và triển khai thực hiện với tổng số vốn khoảng 71.172 tỷ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường. 

Bên cạnh đó, thành phố có tổng cộng 130 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 380.947 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực giao thông, môi trường, xây dựng, cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang đô thị, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... Thành phố cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư nhiều dự án theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 136.741 tỷ đồng trong giai đoạn đến 2020.

UBND TP.HCM cũng cho biết trong thời gian qua dù số lượng dự án thực hiện theo hình thức PPP chỉ chiếm khoảng 5% số dự án đầu tư công của thành phố, nhưng phương thức này đã mang lại lợi ích rất lớn trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dù ít nhưng nguồn vốn huy động từ các dự án này lớn gấp nhiều lần nguồn lực đầu tư công của thành phố trong các giai đoạn trước.


Nam Phong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên