Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: 15 giờ đàm phán căng thẳng
Cuộc họp bắt đầu từ 8 giờ, kéo dài đến hơn 23 giờ. Trong suốt hơn 15 giờ làm việc, 2 đoàn công tác chỉ ăn vội bánh mì vào buổi trưa và cơm hộp vào buổi tối
Ngày 31-7, tại văn phòng Ban Quản lý dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã diễn ra cuộc họp giữa đại diện UBND tỉnh Tiền Giang với lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Cuộc họp được cho là khá căng thẳng, bắt đầu từ 8 giờ, kéo dài đến hơn 23 giờ. Trong suốt hơn 15 giờ làm việc, 2 đoàn công tác chỉ ăn vội bánh mì vào buổi trưa và cơm hộp vào buổi tối.
Giá vật liệu không gồm... phí vận chuyển?
Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết suốt hơn 15 giờ, hai bên thảo luận xung quanh vấn đề đơn giá vật liệu xây dựng cho dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đơn giá vật liệu xây dựng là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành tổng mức đầu tư (TMĐT) và phương án tài chính của dự án, cũng là yếu tố quyết định để tỉnh Tiền Giang ký phụ lục hợp đồng với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện vẫn còn ngổn ngang Ảnh: GIA MINH
Mở đầu cuộc họp, hai bên đã không đồng điệu về cách tính giá vật liệu xây dựng, yếu tố then chốt khiến hai bên chưa thống nhất được TMĐT. Được ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án - mời trình bày, vị đại diện Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang nói cách tính giá vật liệu (chẳng hạn như cát san lấp nền đường, cát xây dựng…) là chốt giá bán buôn tại khu vực trung tâm, huyện lỵ. Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cắt ngang: "Tại sao không tính giá vật liệu đến khi tập kết tại công trường, như thế chi phí vận chuyển hạch toán vào đâu?".
Theo ông Hồng, cách tính trên của Sở Xây dựng là không hợp tình hợp lý. Ông Hồng chất vấn: "Lấy cái gì để xác định nơi nào là trung tâm? Trung tâm đó nếu cách xa nơi tập kết vật liệu công trường thì giá cả chênh lệch như thế nào? Chưa kể là đặc thù địa hình Đồng bằng sông Cửu Long, vật liệu phải vừa chuyển đường thủy vừa chuyển đường bộ, bốc lên bốc xuống nhiều chặng. Những chi phí đó phải tính làm sao đây?".
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang giải thích thêm: Tỉnh xây dựng nhiều phương án giá và chốt giá tại trung tâm, nhà đầu tư khi áp giá có thể tự tính thêm phần chi phí vận chuyển thực tế. Ông Hồng không đồng ý và cho rằng việc tính toán giá là của tỉnh vì liên quan đến quyết toán sau này. Ông Phạm Anh Tuấn kết luận: "Tính gì thì tính, trước hết phải tính đúng, tính đủ, tính hợp lý"!.
Phải tranh luận với nhau rất lâu, hai bên mới thống nhất cùng tính toán lại phương án giá. Việc tính toán lại giá gây mất rất nhiều thời gian trong cuộc làm việc này, đến sau 21 giờ 40 phút mới tạm thống nhất những điều cơ bản và tiếp tục thảo luận ngày hôm sau.
Cũng trong cuộc họp, hai bên đã có lúc... cướp lời nhau khi tranh luận những vấn đề liên quan. Ví dụ, trước năm 2017, giá vật liệu đã được Sở Xây dựng tính là giá đưa đến tận công trình. Tuy nhiên, ông Mai Mạnh Hồng bày tỏ ngạc nhiên: "Không hiểu sao các anh giờ lại áp giá tại vựa bán buôn ở nơi trung tâm?". Ông Hồng nhấn mạnh: "Chúng ta đã làm khó chính chúng ta bằng những sự vô lý không cần thiết".
Đi đến thống nhất
Đến gần 22 giờ, việc tính toán của nhóm chuyên viên UBND tỉnh mới cơ bản hoàn tất và hai bên tiến hành kiểm tra, đối chiếu và tiếp tục… thảo luận. Thống nhất này là cơ sở quan trọng cho cuộc họp sáng nay (1-8) của đoàn công tác đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đại diện Vụ PPP và đại diện Bộ Xây dựng vào làm việc với UBND tỉnh, nhà đầu tư cùng tư vấn giám sát.
Cuộc làm việc của đoàn công tác trong hôm nay sẽ xác định việc điều chỉnh dự án, điều chỉnh TMĐT, là cơ sở quan trọng nhất để "mở khóa" cho việc tăng tốc thi công dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền địa phương ký phụ lục hợp đồng - là vấn đề then chốt để các ngân hàng tài trợ vốn có thể "mở hầu bao" cho vay (bị thắt chặt từ hơn 1 năm nay).
Trước đó, ngày 30-7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải giải quyết những vướng mắc, khó khăn của dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công, thông xe toàn tuyến năm 2020, khánh thành vào năm 2021.
Tại cuộc họp này, sau khi lắng nghe các ý kiến về tình hình triển khai dự án, các vướng mắc cũng như giải pháp tháo gỡ, Thủ tướng khẳng định nhà nước sẽ bổ sung 2.186 tỉ đồng cho dự án. Đối với nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo ngân hàng đầu mối xử lý vấn đề vốn vay bảo đảm kế hoạch đầu tư dự án. "Ngân hàng có trách nhiệm cung ứng đủ vốn kịp thời, không đòi hỏi điều kiện tín dụng phức tạp; nếu đòi hỏi phức tạp, tôi sẽ xử lý" - Thủ tướng chỉ đạo.
Giảm TMĐT phi lý!
Tại cuộc làm việc ngày 31-7, đại diện BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề nghị tỉnh Tiền Giang làm rõ việc xây dựng TMĐT của dự án theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Theo vị đại diện này, trước đây, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh tăng quy mô nhưng TMĐT dự án giảm từ 14.678 tỉ đồng còn 9.669 tỉ đồng, điều đó dẫn đến sự sai lệch khiến dự án không thể triển khai được.
Người Lao động