MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án gang thép Thái Nguyên: Chủ đầu tư tính kiện tổng thầu Trung Quốc

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cho hay, đã chỉ đạo đại diện vốn tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chủ động đàm phán và giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC và tính tới cả phương án khởi kiện tổng thầu Trung Quốc.

Theo báo cáo gửi đi, có 3 phương án được xây dựng. Theo đó, phương án một được TISCO tính tới là tiếp tục hợp đồng với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). Phương án hai là thanh lý hợp đồng với MCC và lựa chọn cuối cùng trong tình huống xấu nhất là khởi kiện tổng thầu MCC trên cơ sở tham vấn các ý kiến của Bộ Tư pháp và tư vấn luật để đảm bảo điều kiện pháp lý.

Trong báo cáo, Vnsteel cho biết, trong thời gian qua, TISCO thường xuyên cập nhật thông tin trao đổi với đại diện MCC (thông qua đại diện là BERIS), duy trì liên lạc giải quyết công việc với Ban hạng mục MCC PID. Đến ngày 1/2/2018, Ban hạng mục MCC PID đã làm việc với các nhà thầu phụ Việt Nam và ban quản lý dự án giai đoạn 2 của TISCO thống nhất phương án phối hợp tăng cường bảo vệ bảo quản vật tư thiết bị dự án. Theo kế hoạch thì nhiệm vụ này phải hoàn thành trong quý I/2018. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện phương án đàm phán có hiệu quả, giải quyết triệt để các tồn tại vướng mắc đối với MCC, Vnsteel phải thực hiện thoái vốn xong theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một phó tổng giám đốc Vnsteel cũng cho hay, trong suốt thời gian qua, đại diện tổng công ty, đại diện TISCO đã nhiều lần có các cuộc họp với tổng thầu MCC và 14 nhà thầu phụ Việt Nam liên quan việc giải quyết các tồn tại ở dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn hai. Trong nhiều cuộc làm việc giữa các bên, đại diện MCC đều bày tỏ mong muốn tiếp tục được thực hiện hoàn thành toàn bộ các công việc còn lại của dự án theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói.

Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương và thuộc diện dự án đội vốn nóng với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của chủ đầu tư là 10%, còn lại là đi vay 90%. Trong bản báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 được TISCO thông báo, 9 tháng đầu năm, Gang thép Thái Nguyên cũng ghi nhận số tiền hơn 4.810 tỷ đồng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang. Trong đó, riêng phần vốn chôn tại dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (hiện đang đắp chiếu) hơn 4.791 tỷ đồng. Để định giá và đánh giá hiệu quả dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, đã thuê Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) đánh giá với tổng chi phí hơn 2,64 tỷ đồng.

Trong một bản báo cáo của Thanh tra Bộ Công Thương sau này về dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Thanh tra Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số điểm bất thường liên quan tạm ứng và thanh toán cho nhà thầu MCC. Cụ thể, tỷ lệ thanh toán theo quy định của Hợp đồng EPC được ký là 95%, trong khi hồ sơ dự thầu của MCC chỉ yêu cầu 90%. Đặc biệt, việc tăng giá hợp đồng là không được phép nhưng rốt cuộc dự án vẫn được điều chỉnh vốn.

Theo quy định trong hợp đồng tín dụng Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã ký với VDB và Vietinbank khi làm dự án, từ ngày 1/1/2017 chủ đầu tư TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay ân hạn, bình quân mỗi tháng 45,5 tỷ đồng cho cả 2 ngân hàng tính trên số dư nợ đến 30/11/2016. Tuy nhiên, do dự án đắp chiếu và bản thân TISCO gặp nhiều khó khăn nên mới đây công ty đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngân hàng cho tiếp tục được gia hạn thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi vay, thời gian rút vốn phù hợp tiến độ của dự án.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên