MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án nhà máy điện tỷ đô kéo dài hơn 1 thập niên của Petrovietnam "bị tắc", khi nào sẽ triển khai lại?

Dự án này được Chính phủ giao cho Petrovietnam làm chủ đầu tư, tổng thầu EPC là Liên danh Nhà thầu Power Machines, Nga và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Tái khởi động và hoàn thiện dự án trong năm 2026

Từ năm 2010, Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 29.500 tỷ đồng.

Ngày 30/12/2014, PVN đã ký kết với Liên danh Nhà thầu Power Machines (PM) - công ty của Nga và Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) làm Tổng thầu EPC với tổng giá trị hợp đồng là 1,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, thực hiện dự án mới được khoảng 77 - 78%, thì phát sinh vướng mắc liên quan đến lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Power Machines từ ngày 26/01/2018.

Đến tháng 01/2019, nhà thầu Power Machines đã có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng do bất khả kháng và đến ngày 23/8/2019, sau khi có hàng chục cuộc trao đổi và đàm phán không thành công thì Công ty Power Machines đã thông qua Luật sư đại diện của mình gửi đơn kiện PVN đến Trung tâm Tài chính quốc tế Singapore (SIAC). SIAC đã tổ chức 2 phiên xét xử (đợt 1 từ ngày 16 đến ngày 20/1/2023; đợt 2 từ ngày 30/1/2023 đến ngày 3/2/2023). Dự kiến trong quý 4/2023, SIAC sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.

Dự án nhà máy điện tỷ đô kéo dài hơn 1 thập niên của Petrovietnam "bị tắc", khi nào sẽ triển khai lại? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Sau khi có phán quyết của SIAC thì PVN mới có thể đưa ra phương án chính thức tiếp tục triển khai đối với dự án Long Phú 1; ưu tiên kế thừa tận dụng tối đa các nhà thầu phụ, nhà sản xuất, các vật tư, thiết bị đã và đang tham gia dự án nhằm bảo tính tương thích về công nghệ, giảm thiểu giao diện quản lý, tối ưu hóa thiết kế, tiến độ".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thực tế đến nay nhiều hệ thống thiết bị chính thức của dự án cũng đã được sản xuất chế tạo và lưu tại kho sản xuất hoặc là vận chuyển một phần về công trường của dự án này. Chính phủ, Bộ Công Thương đã và sẽ chỉ đạo PVN - với vai trò là chủ đầu tư dự án Long Phú 1 có phương án thực hiện đối với dự án này với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, đưa dự án vào vận hành một cách sớm nhất, trong trường hợp có vấn đề vượt thẩm quyền, PVN có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Về vấn đề này, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo rất sát sao bảo đảm làm sao tái khởi động và hoàn thiện dự án trong thời gian sớm nhất và phấn đấu trong năm 2026; bảo đảm đúng luật pháp và bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc, nhưng đồng thời cũng phải giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp với Nga, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Đối với Bộ Công Thương thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho dự án này; kịp thời tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét những vấn đề vượt thẩm quyền, để làm sao khẩn trương đưa dự án này đi vào hoạt động.

"Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác về Dự án Long Phú I, đã rốt ráo làm việc với phía bạn, đồng thời chỉ đạo PVN khẩn trương tìm các giải pháp sau khi có phán quyết của SIAC thì sẽ triển khai thực hiện như đã báo cáo ở trên" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Dự án đội vốn "khủng"

Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 được khởi công từ đầu năm 2011 và dự kiến hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2015, tổ máy 2 vào tháng 9/2015. Đây là dự án nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) và đang được áp dụng cơ chế đặc thù, đồng thời cũng là dự án nằm trong chương trình hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật giữa hai Chính phủ Liên bang Nga và Việt Nam.

Dự án nhà máy điện tỷ đô kéo dài hơn 1 thập niên của Petrovietnam "bị tắc", khi nào sẽ triển khai lại? - Ảnh 2.

Nhiều trang thiết bị nhập từ Nga phải nằm chờ tại Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, sau 9 năm triển khai, đến năm 2018, theo tính toán của PVN, dự án đã tăng vốn lên 41.200 tỷ, đội vốn thêm khoảng 11.600 tỷ đồng. Theo PVN, nếu tính cả chi phí phát sinh kết cấu thép của dự án, nhiệt điện Long Phú 1 sẽ đội vốn lên tới 15.400 tỷ, trong đó chi phí xây dựng dự án tăng 4.087 tỷ đồng do bổ sung dự toán chi phí một số hạng mục công trình, điều chỉnh tỉ giá USD, đơn giá vật liệu, nhân công, ca máy thi công.

Các chi phí thiết bị của dự án nhiệt điện Long Phú 1 cũng được điều chỉnh tăng 5.104 ty đồng, chi phí quản lý dự án tăng 522 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng tăng 596,4 tỷ đồng. "Chi phí khác" của dự án tăng tới 3.021,6 tỷ đồng chỉ do cập nhật lại giá trị hợp đồng EPC, giá trị hợp đồng tư vấn, và cập nhật lãi vay trong quá trình thực hiện dự án.

Để tái khởi động lại dự án này, PVN và Ban Quản lý dự án cũng đã phát hành các văn bản mời các đơn vị trong nước và ngoài nước quan tâm thực hiện gói thầu EPC phần còn lại, đồng thời mời các nhà thầu có năng lực tham gia hội thảo tìm hiểu phương án tái triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.

Trong năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của Ban Quản lý dự án Long Phú 1 là triển khai thi công của hạng mục bãi thải xỉ theo chỉ đạo của PVN phù hợp với tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1; thực hiện các gói thầu tư vấn tái triển khai gói thầu EPC nhà máy chính; tiếp tục phối hợp với Tập đoàn/Tư vấn luật theo đuổi tiến trình tố tụng tại SIAC, đồng thời đàm phán ngoài tố tụng với PM để hòa giải, chấm dứt hợp đồng EPC; phối hợp với PVN trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tiếp tục triển khai dự án; tiếp tục thực hiện công tác bảo quản, bảo dưỡng các hạng mục/vật tư/thiết bị đang lưu kho, lưu bãi hoặc thi công chưa đến điểm dừng kỹ thuật.

Theo Pha Lê

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên