Dự báo giá dầu xuống dưới 100 USD: Cơ hội giảm áp lực lên giá cả hàng hoá?
Theo nhiều chuyên gia nhận định giá dầu trong thời gian tới sẽ khó có thể quay trở lại và vượt ngưỡng 100 USD như đã từng xảy ra trong nửa đầu năm năm nay.
- 13-08-2022Biến động giá xăng dầu từ đầu năm 2022 đến nay
- 10-08-2022Yếu tố nào ngăn giá dầu hạ sâu phiên gần nhất?
- 07-08-2022Giá dầu thô lao dốc gần 11% trong tuần, chạm đáy 6 tháng
Tại Hội thảo khoa học "Sốc dầu lửa: Tác động và các chiến lược giảm thiểu rủi ro - Hàm ý chính sách cho Việt Nam" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) vừa tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, nhiều chuyên gia nhận định giá dầu trong thời gian tới sẽ khó có thể quay trở lại và vượt ngưỡng 100 USD như đã từng xảy ra trong nửa đầu năm năm nay. Cụ thể, liệu giá dầu có xuống dưới mức 100 USD và sẽ giảm áp lực lên giá cả hàng hoá như phân tích của các chuyên gia?
Theo chuyên gia Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới), có tới ít nhất 11 yếu tố tác động lên giá dầu, như tăng trưởng kinh tế, nguồn cung dầu mỏ ( và dầu đá phiến), nhu cầu của các quốc gia, yếu tố địa chính trị (mà hiện tại trực tiếp là cuộc chiến giữa Nga - Ucraina)… tuy nhiên, thị trường dầu lửa hiện nay đã thay đổi về chất, không còn độc quyền như trước nữa mà mang yếu tố thị trường, cạnh tranh hơn.
Với những tác động cụ thể của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh hiện nay, như: nhu cầu giảm do tăng trường kinh tế giảm, việc khai thác dầu đá phiến tăng và việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống tăng, cùng với đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng mạnh lãi suất, trong khi giá dầu lại tính bằng đồng USD nên khi đồng "bạc xanh" này mạnh lên thì giá dầu sẽ biến động ngược chiều, giảm xuống…
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, cho rằng: "Dự báo của tôi là giá dầu từ nay trở đi về cơ bản sẽ hay có sự biến đổi, nhưng không cao, nếu có thì cũng không kéo dài. Hiện tại, theo nhận định thời điểm này, với 5 yếu tố thì có 4 yêu tố ép giá dầu xuống và sẽ ở dưới 100 USD; và có thể kéo dài cho đến hết năm 2024, vì vậy không nên quá lo lắng về giá dầu cao…".
Đến từ Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Bộ Công Thương, TS Vương Quang Lượng đưa ra 3 yếu tố cơ bản tác động tới giá dầu trên thị trường thế giới, đó là yếu tố cung - cầu; yếu tố địa chính trị và thứ 3 là tác động từ chủ trương chuyển đổi năng lượng từ năng lượng hoá thạch sang các nguồn năng lượng thay thế khác của hầu hêt các quốc gia, nền kinh tế.
Đồng thời, TS Vương Quang Lượng đề cập 3 yếu tố tác động từ biến động giá dầu mỏ tới thị trường Việt Nam, đó là: tác động tới kinh tế vĩ mô, tác động tới một số ngành kinh tế mũi nhọn và tác động trực tiếp lên giá cả hàng hoá trên thị trường nội địa.
Cụ thể về những tác động đối với yếu tố kinh tế vĩ mô, Việt Nam là quốc gia vừa xuất khẩu dầu thô nhưng lại nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu thành phẩm, nên giá cả các mặt hàng dầu mỏ trên thị trường thế giới tác động trực tiếp đến giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam; Đồng thời, cũng tác động trực tiếp đến sản phẩm xăng dầu thành phẩm.
Về tác động lên các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, theo TS Vương Quang Lượng cũng có 3 điểm lớn: Thứ nhất, là tác động trực tiếp đến doanh thu của ngành công nghiệp khai khoáng, đây là ngành có đóng góp gần 8% (7,8%) trong cơ cấu GDP của Việt Nam trong năm vừa qua.
Thứ hai, là tác động lớn tới một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp chế biến, hóa chất, sản xuất phân bón, nhựa, xây dựng, ngành đánh bắt thủy hải sản... và đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ, trong đó dịch vụ vận tải, du lịch là nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến động của thị trường dầu mỏ thế giới.
Và thứ ba, là biến động về giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng như việc biến động giá cả một số mặt hàng chủ lực trên thị trường Việt Nam hiện nay. Từ phân tích này, TS Vương Quang Lượng đưa ra 3 nội dung lớn - khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường công tác điều hành, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bình ổn giá cả trên thị trường Việt Nam.
Theo TS Vương Quang Lượng: "Thứ nhất là phải chủ động lập các kế hoạch về thu chi ngân sách quốc gia, cơ cấu nguồn ngân sách nhà nước phù hợp. Thứ hai là tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ... các chính sách khác để phục vụ cho nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước. Giải pháp thứ ba là có chính sách điều hành giá xăng dầu hợp lý, bám sát với thực tiễn của thị trường để giúp nền kinh tế phát triển bền vững, giảm thiểu nhiều từ cú sốc trên thế giới, thì trong thời gian vừa qua chúng tôi đánh giá là hoạt động điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày là hợp lý và nhiều chuyên gia cũng đang có hướng nghiên cứu và đề xuất theo hướng là giảm số ngày trong chu kỳ điều hành.
Một giải pháp cuối cùng là phải có phương án dự trữ, bảo đảm nguồn cung thay thế khi thị trường xăng dầu có biến động. Trên thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay hoạt động dự trữ chủ yếu là sử dụng kho dự trữ của doanh nghiệp là chính chứ còn Nhà nước vẫn chưa đầu tư phát triển các hệ thống kho dự trữ mang tính quốc gia và của Nhà nước…".
Theo PGS, TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, biến động giá dầu thế giới cũng cho thấy rõ những cơ hội trong việc tìm giải pháp nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, để thúc đẩy phát triển NLTT một cách khoa học, để đạt được cùng lúc 2 mục tiêu, một là giảm phát thải nhà kính theo cam kết tại COP 26 và thứ 2 là không phụ thuộc vào nguồn cung hữu hạn của năng lượng hoá thạch.
"Thế giới đang thoát dần ra khỏi dầu mỏ. Tôi thấy đấy là một xu hướng tốt và ta nên phải bắt nhịp vào xu hướng đó, càng đẩy nhanh càng tốt và đấy chính là cơ hội để chúng ta thay đổi cơ cấu nền kinh tế, chứ không phải là cơ cấu năng lượng. Cơ cấu năng lượng mới chỉ là một phần cơ cấu kinh tế, nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc chúng ta sử dụng năng lượng như thế nào.
Thứ hai, chúng ta cũng phải tranh thủ cơ hội này để thay đổi nhanh, có những thể chế cơ chế đột phá và đẩy nhanh về những động lực. Ví dụ như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phải đẩy nhanh, phải đầu tư nhiều hơn và có những cơ chế chính sách thì chúng ta mới có thể có những bứt phá và có những chuyển động nhanh chóng một số lĩnh vực được. Và cuối cùng thì cần phải thực thi. Chúng ta về chiến lược, chính sách thì rất nhiều, chiến lược đủ hết rồi. Vấn đề là chúng ta thực hiện như thế nào…".
Đồng tình với quan điểm của các diễn giả trong hội thảo này, Phó Giáo sư, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao (Học viện Ngoại giao) cho rằng giá dầu trong giai đoạn tới có thể không vượt quá 100 USD/thùng. Việc giá dầu tăng hay giảm đều tác động trực tiếp tới quốc gia vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu như Việt Nam.
Vì vậy, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc sớm xây dựng chiến lược dự trữ về năng lượng dầu lửa cũng như đầu tư, xây dựng các kho dự trữ xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh dầu mỏ quốc gia./.
VOV