MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo tăng kỷ lục hơn 2.000 USD/ounce, vàng đang được các "cá mập" đua gom với trữ lượng lớn

09-02-2023 - 06:00 AM | Thị trường

Được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục trên 2.000 USD/ounce trong năm nay, vàng đang trở thành tài sản hot được nhiều "cá mập" lớn trên thị trường gom mua vàng dự trữ với số lượng lớn.

Dự báo tăng kỷ lục hơn 2.000 USD/ounce, vàng đang được các cá mập đua gom với trữ lượng lớn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Krishan Gopaul, nhà phân tích thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Á tại Hội đồng vàng thế giới cho biết Croatia đã mua gần 2 tấn vàng trong tháng 12/2022. Đây là lần mua vàng đầu tiên của ngân hàng trung ương nước này kể từ năm 2001.

Theo hãng thông tấn HRT của Croatia, động thái mua vàng có liên quan đến việc quốc gia này gia nhập khu vực đồng Euro. Croatia phải chuyển một phần dự trữ ngoại hối sang Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Trong cuộc phỏng vấn với HRT, Thống đốc Ngân hàng trung ương Croatia (CNB) Boris Vujcic chia sẻ, Croatia chuyển 639,9 triệu Euro cho ECB vào đầu tháng 1/2023.

Bên cạnh đó, HRT cho biết số vàng đã mua khoảng 56.256 ounce và trị giá hơn 101 triệu USD, chiếm 15% khoản thanh toán cho ECB. 85% còn lại của khoản thanh toán là bằng USD, trị giá 580,1 triệu USD. Ngân hàng trung ương Croatia cho biết họ đã mua vàng trên thị trường mở với giá hơn 1.800 USD/ounce.

Dự trữ vàng của Croatia là chủ đề được quan tâm nhiều năm qua. Croatia có 13,2 tấn vàng sau khi tách khỏi Nam Tư vào đầu những năm 1990.

Croatia gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2013 và phải mất gần 10 năm để trở thành thành viên của khu vực đồng euro. Các quốc gia phải đáp ứng các tiêu chí kinh tế cụ thể để trở thành thành viên của khu vực đồng euro, bao gồm tài chính công lành mạnh, ổn định giá cả bền vững và đồng tiền ổn định.

Dự báo tăng kỷ lục hơn 2.000 USD/ounce, vàng đang được các cá mập đua gom với trữ lượng lớn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Không chỉ Croatia, một trong những "cá mập" khác cũng mua nhiều vàng là Trung Quốc. Xuất khẩu vàng của Thụy Sĩ sang Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 4 năm vào năm 2022, với việc Trung Quốc nhập khẩu 524 tấn vàng trị giá khoảng 33 tỷ USD. Theo dữ liệu hải quan Thụy Sĩ, đây là mức tăng lớn so với 354 tấn được báo cáo vào năm 2021 và nhiều nhất kể từ năm 2018.

Cùng với Thụy Sĩ, Trung Quốc cũng tăng mua vàng của Nga. Trung Quốc mua 6,6 tấn vàng từ Nga trong năm 2022, tăng 67% so với năm 2021.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng tăng cường mua vàng vào cuối năm ngoái, mua 30 tấn vàng vào tháng 12/2022, trước đó là 32 tấn vàng vào tháng 11/2022 – lần mua chính thức đầu tiên của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc kể từ tháng 9/2019. Dự trữ vàng của Trung Quốc tổng cộng 2.010 tấn.

Giá vàng giảm trong năm 2022, bất ổn kinh tế và nỗi lo lạm phát đã thúc đẩy hoạt động mua thêm từ các quốc gia.

Xuất khẩu của Thụy Sĩ sang Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore và Thái Lan cũng đạt mức cao nhất trong nhiều năm vào năm 2022. Singapore nhập 69 tấn vàng từ Thụy Sĩ, tăng hơn gấp đôi tổng lượng năm 2021 và mua nhiều nhất kể từ năm 2017. Thái Lan mua 92 tấn, nhiều nhất kể từ năm 2013. Thụy Sĩ cũng đã xuất khẩu 188 tấn sang Thổ Nhĩ Kỳ, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2012. Riêng xuất khẩu của Thụy Sĩ sang Ấn Độ giảm xuống còn 224 tấn vào năm 2022 từ 507 tấn vào năm 2021.

Trong khi Croatia mua vàng lần đầu tiên sau hơn 20 năm, thì chắn chắn không chỉ có mình quốc gia này dự trữ vàng. Tháng trước, Hội đồng vàng thế giới lưu ý rằng các ngân hàng trung ương đã mua 417 tấn vàng trong quý 4/2022 và 1.136 tấn vàng trong cả năm 2022, nhiều nhất kể từ năm 1967 và cao thứ hai kể từ năm 1955.

Tham khảo: Kitco

Minh Ngọc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên