Du học sinh về nước có nên khởi nghiệp? Đây là lời khuyên của doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang
Du học sinh về nước nên khởi nghiệp khi xem đó là sự thể hiện cao độ nhất cho niềm tin, ước mơ của mình. Nếu có ước mơ như vậy các hãy khởi nghiệp và cảm thấy thực sự hạnh phúc với lựa chọn của mình.
- 03-04-2018Chân dung cựu du học sinh 9X từ chối Microsoft, Facebook, Apple, đến khi Google mời lần 3 mới 'chịu' về làm và đang ‘vào tầm ngắm’ theo dõi của Forbes
- 24-03-2018Giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang: Đừng đặt kỳ vọng quá nhiều vào du học sinh
- 22-03-2018Du học sinh Ý một lần nữa gây bão mạng xã hội với phát ngôn: Lãnh đạo nào cũng cần học "biết điều", sống có tâm - tầm - trí để trở thành người sếp tốt
Số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo năm 2016 cho biết có khoảng 130.000 công dân Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Trong đó Nhật Bản đứng đầu với khoảng 38.000 du học sinh, đứng thứ 2 là Australia với 31.000 người, tiếp theo là Mỹ với 28.000 người.
Cũng theo số liệu khác của Bộ Giáo dục và đào tạo năm 2015 có tới 90% du học sinh Việt Nam theo diện du học tự túc. Và phần nhiều các học sinh khá, giỏi thuộc các trường THPT tốt, trường chuyên, năng khiếu tại các thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội chọn con đường du học.
"Mỗi năm, có khoảng 10% học sinh trong tổng số 1.600 em của trường đi du học bằng học bổng và tự túc. Trong số này, nhiều em nhận được học bổng toàn phần của các nước có nền giáo dục tiên tiến", thầy Trần Đức Huyên, hiệu trưởng trường chuyên Lê Hồng Phong, Tp. Hồ Chí Minh từng chia sẻ với báo Sài Gòn giải phóng. Thậm chí tại thành phố này có nhiều học sinh đi du học từ năm lớp 11 hoặc 12. Lý do khiến nhiều gia đình cho con em du học sớm vì lý do muốn tiếp cận, hội nhập nhanh với nền giáo dục hiện đại, chuẩn bị cho bước đệm vào đại học tốt hơn.
Hiện có 2 luồng ý kiến về việc ở hay về đối với du học sinh. Nhưng theo Tổ chức phi lợi nhuận VietAbroader, nhiều người vẫn mong muốn về Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội ở những ngành nghề mới nổi như chuỗi cung ứng, công nghệ, tài chính, giáo dục hoặc khởi nghiệp.
"Du học sinh về nước có nên khởi nghiệp không?" cũng là một trong những câu hỏi mà doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang nhận được khá nhiều trong một buổi trò chuyện với du học sinh. Cô cũng từng là thủ khoa tuyển sinh đầu vào PTTH chuyên Lê Hồng Phong, đồng thời cũng là thủ khoa tốt nghiệp lớp 12 của trường.
Năm 1998, cô nhận học bổng học dự bị đại học 2 năm tại Anh và năm 2000 giành học bổng Đại học Oxford. Năm 2005, Lê Diệp Kiều Trang về Việt Nam làm việc. Năm 2008, cô thạc sĩ thủ khoa ngành kinh tế học ở ĐH Oxford (Anh) khóa 2003 – 2005. Từng nhận học bổng tiến sỹ nhưng cô đã không theo đuổi và quyết định đầu quân cho Tập đoàn Tài chính Mc Kinsey, văn phòng tại Boston với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính.
Năm 2012, cô gái sinh năm 1980 này quyết định nghỉ Mc Kinsey để gia nhập vào dự án khởi nghiệp Misfit. Nói thêm về Misfit, Misfit Wearbles là Startup chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể. Công ty do Sonny Vũ (chồng Lê Diệp Kiều Trang) và cựu CEO Apple, John Sculley sáng lập năm 2012.
Năm 2015, Misfit được bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD. Sau khi bán công ty, Lê Diệp Kiều Trang giữ vị trí Tổng giám đốc Fossil Việt Nam. Mới đây cô nghỉ Fossil và đảm nhận phụ trách Facebook Việt Nam và làm việc tại trụ sở Singapore.
Với kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, nữ doanh nhân này cho rằng khởi nghiệp không phải con đường duy nhất và cũng không phải là con đường dễ dàng nhất để đem đến thành công.
Quan điểm khá tương đồng với doanh nhân 8X khác là Lê Đăng Khoa hay lớn tuổi hơn là vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn. Theo doanh nhân Lê Đăng Khoa, sinh viên mới ra trường phải nên đi làm.
"Kinh doanh phức tạp hơn mọi người nghĩ rất nhiều, nó cay đắng hơn rất là nhiều. Nó không phải là bể cá mập nó là bể cá gì bao nhiêu con cá trong đó. Nếu mình muốn tồn tại, sống còn trong kinh doanh gần như là điều viễn tưởng với người vừa tốt nghiệp đại học", vị doanh nhân này thẳng thắn.
Theo anh những sinh viên mới ra trường kinh nghiệm không có, chưa có bản lĩnh để điều hành, để đi thuyết phục đối tác, cộng sự. Việc "việc tay không tấc sắt", chỉ dùng lời nói rất khó lòng thuyết phục được ai về đội ngũ của mình.
"Trong mớ xổ số 1000 số cũng có 1 số trúng thì cũng có 1 anh thành công khởi nghiệp. Công nghệ là lĩnh vực dễ thành công bởi nó đa dạng lắm. Mấy ông tỷ phú Mỹ thành công phần lớn từ công nghệ. Nhưng cái đó cũng khó nuốt lắm", vua hàng hiệu thẳng thắn.
Những chia sẻ thẳng thắn từ các doanh nhân này không có nghĩa là dập tắt đi ước mơ của những người trẻ. Mà theo Lê Diệp Kiều Trang, những người trẻ hay du học sinh về nước nên khởi nghiệp khi xem đó là sự thể hiện cao độ nhất cho niềm tin, ước mơ của mình.
"Nếu các bạn có ước mơ như vậy các bạn hãy khởi nghiệp và cảm thấy thực sự hạnh phúc với lựa chọn của mình", Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ.
Trí thức trẻ