MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du khách Trung Quốc tăng đột biến

Trong bối cảnh du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng mạnh, cần tăng cường công tác quản lý để bảo đảm ngành du lịch phát triển bền vững.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4-2017, khoảng 322.453 lượt du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam, tăng 54,3% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã đón hơn 1,27 triệu lượt du khách Trung Quốc, tăng 61,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế đến nước ta. Năm ngoái, cả nước đón khoảng 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc và giai đoạn 2010-2016 tăng trung bình 20%/năm.

Khách đông nhưng chi tiêu không nhiều

Với xu hướng du khách Trung Quốc tăng mạnh như hiện nay, các công ty du lịch dự báo năm 2017, cả nước có thể đón khoảng 4 triệu lượt khách từ thị trường này, nhất là khi những đường bay thẳng giữa các TP của 2 nước được mở.

Trong đó, chỉ riêng hãng hàng không China Sourthern Airlines (Trung Quốc) đã liên tiếp mở hàng loạt đường bay thẳng giữa các TP của Trung Quốc đến Việt Nam như từ Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh đi TP HCM hay Quảng Châu, Thượng Hải đi Hà Nội. Đến nay, hãng này đã có tới 182 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần giữa các TP của Trung Quốc và Việt Nam...


Khách Trung Quốc chen chân ở Tháp Bà Ponagar (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) Ảnh: KỲ NAM

Khách Trung Quốc chen chân ở Tháp Bà Ponagar (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) Ảnh: KỲ NAM

Điều này cho thấy Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của du khách Trung Quốc; sự liên kết giữa thị trường, các hãng hàng không và điểm du lịch đến giúp việc tổ chức khai thác hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo các công ty du lịch, lượng khách Trung Quốc tăng cao liên tục đặt ra không ít thách thức trong việc quản lý, cung cấp cơ sở vật chất, dịch vụ tại các điểm tham quan, du lịch. Đặc biệt là việc quản lý, chấn chỉnh hoạt động của những "tour giá rẻ", "tour 0 đồng" phát sinh gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Ông Lê Phong Trần, Giám đốc thị trường quốc tế Công ty Du lịch Fiditour, cho biết chỉ trong quý I/2017, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam thông qua Fiditour đã tăng tới 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Có điều, mức chi tiêu trung bình của du khách Trung Quốc chỉ tương đối so với khách từ các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia... và thấp hơn khách quốc tế khác.

"Lượng khách Trung Quốc tăng quá nhanh dẫn đến tình trạng lộn xộn tại một số khu vực, điểm đến, gây mất trật tự công cộng. Tình trạng các công ty Trung Quốc thao túng dịch vụ du lịch tại điểm đến, nhất là hoạt động mua sắm, khiến nhà nước thất thu thuế, du khách phải mua hàng với giá cao hơn mặt bằng chung. Do thiếu hụt nguồn hướng dẫn viên tiếng Trung nên phát sinh tình trạng sử dụng lao động không chuyên nghiệp, lao động "chui" như người Việt nói tiếng Trung về nước làm hướng dẫn viên hoặc sử dụng người Trung Quốc thế vai..." - ông Trần lo ngại.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt - hãng lữ hành chuyên phục vụ khách tàu biển quốc tế đến Việt Nam, nhìn nhận đang có những bất cập ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách quốc tế khi lượng khách Trung Quốc tăng đột biến ở một số điểm đến. Cụ thể, đã có tình trạng thiếu khách sạn, thiếu xe khách; các điểm cung ứng dịch vụ hét giá, chặt chém... làm rối thị trường, giảm chất lượng khi quá đông du khách Trung Quốc.

Ở Vịnh Hạ Long, không ít lần Công ty Du ngoạn Việt đã làm hợp đồng thuê thuyền cho du khách xuống vịnh tham quan nhưng tới ngày, chủ thuyền "lật kèo" vì có đơn vị khác trả giá cao hơn vì khách Trung Quốc. Ở Nha Trang, tình trạng thiếu phòng khách sạn, thiếu xe trung chuyển cũng xảy ra; một số điểm tham quan do quá đông khách quốc tế, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc, khiến du khách phải chờ ở cổng 30-60 phút mới vào đến nơi...

"Chất lượng dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cạnh tranh không lành mạnh, một số đơn vị làm du lịch ở các địa phương còn có thái độ phục vụ kiểu "không cần khách"... Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ của ngành du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế" - ông Phan Xuân Anh băn khoăn.

Nên hướng vào dòng khách trung, cao cấp

Theo Tổng cục Du lịch, với dân số hơn 1,3 tỉ người, kinh tế tăng trưởng mạnh và chất lượng cuộc sống ngày càng cao, mỗi năm, Trung Quốc có 122 triệu người đi du lịch. Dự kiến con số này sẽ đạt 220 triệu người vào năm 2025. Trong đó, Việt Nam được xem là điểm đến lý tưởng và có mức chi tiêu phù hợp nên lượng khách từ thị trường này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.

Nhiều công ty du lịch cho rằng cơ quan chức năng cần có chính sách tăng cường công tác quản lý để bảo đảm chất lượng dịch vụ, thu hút thêm nhiều khách Trung Quốc nhưng cũng phải đem lại lợi ích cho ngành du lịch trong nước. Một số công ty cũng cần xác định rõ phân khúc khách Trung Quốc để phục vụ.

Theo các công ty lữ hành, lúc này, ngành du lịch nên tập trung khai thác phân khúc khách trung và cao cấp - những người có thu nhập khá và chịu chi tiền mua sắm. Muốn vậy, cần tăng cường công tác quản lý đối với thị trường khách Trung Quốc. Cần có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với du khách quốc tế, trong đó có khách Trung Quốc; có thể sử dụng Bộ Quy tắc ứng xử trong du lịch, hướng dẫn những điều du khách được và không được làm.

Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các cơ sở không cho người địa phương vào mua hàng, yêu cầu niêm yết giá công khai và bán đúng giá này, tăng cường công tác quản lý thị trường, áp dụng các biện pháp chống thất thu thuế. Ngoài ra, cần nghiêm cấm, thu hồi giấy phép đối với các công ty du lịch, hướng dẫn viên bán "tour 0 đồng"...

Bảo vệ thương hiệu, hình ảnh điểm đến

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị quan tâm chỉ đạo, tăng cường quản lý và duy trì tốc độ tăng trưởng của thị trường khách Trung Quốc.

Cụ thể, cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, nâng cao năng lực đón tiếp, bảo đảm chất lượng dịch vụ, phát triển lực lượng nhân viên hỗ trợ khách Trung Quốc tại điểm đến - nhất là dịp cao điểm, khách tập trung đông. Các địa phương cần chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành trong quản lý chất lượng dịch vụ, hàng hóa phục vụ khách Trung Quốc. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn cần được thực hiện thường xuyên nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho du khách và thương hiệu, hình ảnh điểm đến…

Ngoài ra, cần đa dạng hóa các mặt hàng, bảo đảm sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhất là nông sản, hàng thủ công nghiệp của địa phương, để tăng chi tiêu của du khách và tạo ra sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên