Dự kiến tăng thuế giá trị gia tăng: Tính toán kỹ để tránh tác động đến nhóm hàng hoá thiết yếu
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV mong muốn Chính phủ cân nhắc, tính toán thật kỹ bậc tăng thuế giá trị gia tăng, để tránh tác động dến nhóm hàng hoá thiết yếu để có tính ổn định vĩ mô.
- 19-08-2017Tăng thuế: Nhìn từ Vinashin tới 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ
- 19-08-2017Tăng thuế GTGT sẽ nới rộng khoảng cách giàu nghèo
- 19-08-2017Đây là lý do tăng thuế VAT sẽ công bằng và tốt hơn cho nền kinh tế so với việc tăng thuế thu nhập
- 18-08-2017Thu thuế VAT tăng cao nhất trong 6 năm
Trước đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính, Báo Trí Thức Trẻ tiếp tục trao đổi với các đại diện doanh nghiệp nhằm đánh giá tác động dự kiến của chính sách này (nếu được thông qua) đối với bộ phận doanh nghiệp.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Cần tính toán kỹ bậc tăng, tránh tác động đến nhóm hàng hoá thiết yếu gây ảnh hưởng đến việc sản xuất cũng như ý nghĩa của việc tăng lương tối thiểu!
Trên cơ sở nghiên cứu về DNNVV, chúng tôi có một số ý kiến ban đầu như sau: Bên cạnh tăng VAT, Bộ Tài chính đã kết hợp với giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), hai cái này diễn ra song song, dự kiến về mặt chính sách.
Về mặt tính toán của Bộ, khi tăng VAT thì tăng được nguồn thu cho ngân sách, giảm thuế TNDN lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích luỹ được lợi nhuận, vốn, giảm bớt khó khăn... Hai chính sách này diễn ra đồng thời.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Đối với việc tăng VAT, chúng tôi mong muốn Chính phủ cân nhắc, tính toán thật kỹ bậc tăng. Trên thực tế, tăng VAT không phải là tăng đồng đều mà tăng theo các bậc, cụ thể từ nhóm hàng VAT 0% lên 5%, nhóm hàng từ thuế VAT 5% lên 10% và VAT thông thường từ 10% lên 12%. Do đó, cần phải có sự tính toán kỹ tăng ở ngành nào với bậc tăng nào là phù hợp để tránh tác động đến hàng hoá thiết yếu để có tính ổn định vĩ mô.
Vì tăng VAT có thể khiến cho hàng hoá thiết yếu ngay lập tức tăng theo. Nó sẽ khiến cho sức mua bị giảm sút, tác động ít nhiều đến sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc tăng giá cả hàng hoá như vậy cũng làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương bình quân tối thiểu năm 2018 vừa mới được thông qua là 6,5%.
Ngoài ra, tôi cho rằng cần mở rộng diện thu thuế, điều này khá quan trọng, thay vì chỉ tập trung vào những nguồn thu hiện tại. Cụ thể, ở Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều khu vực phi chính thức, có dư địa lớn.
Đối với đề xuất của Bộ Tài chính áp dụng mức thuế TNDN cho doanh nghiệp siêu nhỏ và DNNVV lần lượt là 15% và 17%, tôi nghĩ ngoài việc giảm thuế, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, cần có sự đồng bộ về các mặt như: điều kiện tiếp cận tín dụng, cải cách thủ tục hành chính... Nếu chỉ giảm thuế mà không có những đồng bộ trên, doanh nghiệp khó lòng làm ăn có lãi, mà như vậy, việc giảm thuế hoàn toàn không có ý nghĩa.
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF): Doanh nghiệp cần được đối thoại về chính sách!
Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng với đề xuất tăng VAT lên 12%, hàng hoá, dịch vụ năm 2019 dự kiến tăng lần lượt là 2% và 1%. Tăng thuế sẽ tác động trực tiếp lên mặt bằng giá cả và dịch vụ. Như vậy, người tiêu dùng trong ngắn hạn sẽ bị tác động trực diện, còn về dài hạn, theo lý thuyết kinh tế thị trường, nó dần có được sự cân bằng, tức là từ trung hạn trở ra (1-2 năm sau) sẽ có sự ổn định trở lại.
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF)
Doanh nghiệp lúc đầu có thể e ngại vì việc tăng thuế khiến cho hàng hoá giảm sức cạnh tranh, tác động đến việc sản xuất. Tuy nhiên về tổng thể, việc tăng thuế VAT nhằm bù đắp cho những khoản giảm, miễn thuế ở những khu vực khác. Do vậy, cần phải mở rộng diện chịu thuế cũng như làm rõ tỷ lệ thu thuế, lộ trình tăng thuế, tránh tình trạng gia tăng đột ngột, đồng thời, phải có đánh giá tác động chính sách với sự tham gia của nhiều bên.
Tôi cũng cho rằng trong quá trình thực hiện thu thuế cần phải chấn chỉnh lại năng lực thực thi chính sách và hiệu quả chính sách để tiền của dân trao cho được sử dụng tốt nhất.
Ở góc độ dại diện cho Diễn đàn kinh tế tư nhân, chúng tôi nhìn nhận việc doanh nghiệp nên chia sẻ những khó khăn của Chính phủ với sự nhìn nhận tích cực và nghiêm túc. Tất nhiên trước mắt, nếu tăng thuế doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhất định về sức cạnh tranh, nhưng về lâu dài, nó tạo điều kiện cho cơ cấu kinh tế, chính sách cân đối. Quan trọng hơn cả là Chính phủ phải xử lý thật tốt quá trình này để tránh tác động tiêu cực trong trung hạn.
Thay mặt cho VPSF, tôi mong muốn sớm có cơ chế đối thoại về chính sách này để doanh nghiệp có thể tham gia. Bên cạnh đó, sau này, khi có lộ trình thực hiện, VPSF cũng mong muốn Chính phủ chú trọng tổ chức công tác thực hiện nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.