Du lịch Huế tự túc đâu có khó: Khám phá trọn vẹn vùng đất cố đô để không chỉ được ngắm cảnh đẹp mà ăn còn cực ngon nữa!
Nếu một ngày đẹp trời bạn muốn rời khỏi thành phố ồn ã, hãy tới Huế để cảm nhận nhịp sống chậm rãi trên từng con đường, ngách phố.
- 19-05-2020Gợi ý resort 3 và 4 sao ở Đà Nẵng: Tận hưởng bãi biển tuyệt đẹp chỉ với giá chưa đến 1,5 triệu VNĐ/đêm
- 19-05-2020Nếu yêu thiên nhiên và muốn đắm chìm trong khung cảnh bình yên của vùng sông nước, Ninh Bình chính là điểm đến tuyệt vời dành cho bạn
- 14-05-2020Ngoài các điểm tham quan miễn phí, Quảng Ninh còn vô vàn địa danh tuyệt đẹp không đi thì cực phí: Muốn biển có biển, muốn núi có núi!
Huế trong tiềm thức của mọi người là một thành phố thơ mộng và đằm thắm, với những cung điện, đền chùa cổ kính gợi nhắc về một thời huy hoàng, vàng son xưa kia. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là Huế buồn tẻ.
Được Mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp núi non, sông nước vô cùng trữ tình, Huế cũng có những màu sắc rất riêng đang chờ đợi được bạn khám phá.
Nếu còn đang phân vân chưa biết đi đâu trong dịp hè này, tại sao không thử đến với Huế một lần cho biết? Dưới đây là review chi tiết của độc giả Thanh Hòa và nhóm bạn sau chuyến đi Huế tự túc 4 ngày 4 đêm.
(Ảnh: FB Thanh Hòa)
1. Thời gian thích hợp để đi Huế
- Huế được chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa (tháng 8 – tháng 1) và mùa khô (tháng 3 – Tháng 7). Bạn nên đi Huế mùa khô để di chuyển đỡ vất vả.
- Chúng mình đi vào tháng 2, thời tiết ẩm ương, đi 4 ngày thì dính mưa đến gần 3 ngày. Mưa không to nhưng di chuyển khá mệt, lịch trình bị thu hẹp. Ngày đầu đến nắng nóng 31 độ C, 3 ngày sau mưa lạnh 19-21 độ C.
- Cuối tháng 8 năm nay, tại Huế sẽ diễn ra Festival Quốc tế (khai mạc vào 20h tối 28/8/2020 và bế mạc vào 20h tối 2/9). Vì vậy, bạn nào có ý định muốn ngắm Huế lung linh nhất thì nên lên lịch dần.
(Ảnh: FB Thanh Hòa)
2. Di chuyển
- Chiều đi Hà Nội – Huế: Đặt xe Camel Travel chuyến 17h – 6h30 trên web saodieu.com. Giá 280.000 VNĐ/vé. Dịch vụ chăm sóc khách hàng khá tốt và giải quyết các vấn đề phát sinh nhanh. Xe hơi trễ, 18h mới bắt đầu chạy nên đến Huế là 7h kém.
- Chiều về Huế - Hà Nội: Đặt vé Vietjet Air chuyến 12h15 – 13h30, giá 517.000 VNĐ/vé. Mình đặt qua Traveloka. Ban đầu, mình đặt chuyến 17h45 – 19h, nhưng sau hãng đổi giờ bay. Chúng mình gọi điện yêu cầu đổi vé sang ngày khác và được miễn tất cả các phí chuyển đổi (Khi hãng điều chỉnh giờ bay không phù hợp, bạn có quyền yêu cầu đổi vé).
- Di chuyển tại Huế: Thuê xe máy tại hostel. Xe ga 160.000 VNĐ/xe/ngày, xe số 120.000 VNĐ/xe/ngày. Sau khi nhận xe, đừng quên đổ đầy luôn bình xăng.
(Nếu ở miền Nam, bạn có thể đi xe khách từ Bến xe miền Đông (TP. HCM) với mức giá 270.000 – 510.000 VNĐ/vé/chiều, mua vé tàu hỏa với giá 545.000 – 855.000 VNĐ/vé/chiều hoặc bay Vietjet Air với giá 536.000 VNĐ/vé/chiều.)
(Ảnh: FB Thanh Hòa)
3. Ở
- Tò Vò Hostel (31A Trần Quang Khải, TP. Huế). Giá phòng 3 người: 150.000 VNĐ/người/ngày.
Là người kỹ tính nên trước khi đặt phòng mình nghiên cứu kha khá review. Tò Vò không làm mình thất vọng, phòng ốc thoáng mát, decor tone xanh – trắng bắt mắt, nhà vệ sinh chung nhưng sạch sẽ. Vị trí hostel ở trung tâm, gần phố Tây, gần cầu Trường Tiền…
4. Đi đâu
- Ngày 0: 16h30 có mặt ở điểm hẹn xe giường nằm đón. 18h xe chạy.
- Ngày 1: Đi các điểm trong thành phố. Trước khi đến các lăng, nên đọc thông tin trước để hiểu rõ hơn. Chú ý trang phục lịch sự.
+ Lăng Khải Định: Vé 100.000 VNĐ/người, thuê người đi theo thuyết minh thì phải trả thêm 100.000 VNĐ. Đây là lăng nhỏ nhất nhưng mất thời gian xây lâu nhất (11 năm) trong số các lăng tẩm ở Huế. Nội thất bên trong lăng hoành tráng.
+ Đồi Thiên An: Đây là rừng thông nơi quay phim "Mắt biếc", nhưng mình tìm mà không thấy sim đâu. Đường vào hơi nhỏ, khó đi. Càng đi sâu vào càng đẹp. Nó nằm trên cung đường đi tới Lăng Khải Định.
+ Hồ Thủy Tiên (công viên ma): Chắc do hên xui, hôm mình đến thì cô chú bảo vệ ở cổng không cho vào nữa.
+ Đại Nội Huế: Vé 150.000 VNĐ/người. 17h đóng cửa. Để đi hết được Đại Nội phải mất 3-4 tiếng. Khu này rất rộng và nhiều cảnh quan “đã mắt”.
(Ảnh: FB Thanh Hòa)
+ Chợ Đông Ba: Mua nón + Xem đồ mua làm quà (Nón có nhiều loại, nếu muốn mua nón để chụp ảnh thì chỉ nên mua loại 30.000 VNĐ. Khi mua, bạn đừng quên mặc cả.)
+ Chùa Thiên Mụ: View ngắm hoàng hôn trên sông Hương “cực đỉnh”.
+ Phố Tây (Đường Võ Thị Sáu): Nếu đi vào thứ 6-7-Chủ nhật thì đây là phố đi bộ, nhưng hiện đang tạm hoãn vì dịch corona (đã hoạt động trở lại kể từ ngày 15/5/2020 - PV). Ở đây có nhiều hàng quán như Tạ Hiện và chợ đêm ngoài Hà Nội.
- Ngày 2: Đầm Lập An – Biển Cảnh Dương
+ Đầm Lập An: Cách TP. Huế hơn 70km. Đường đi khá đẹp, nhưng bạn nên chú ý vì có nhiều xe công, xe khách. Khi đến đầm, hít hà mùi mặn mặn, tanh tanh mà thấy khoan khoái, dễ chịu lạ thường.
+ Biển Cảnh Dương: Vì chúng mình đi đúng ngày mưa nên không ghé qua biển Cảnh Dương. Biển Lăng Cô, biển Cảnh Dương cùng cung đường này, nhưng khi hỏi người bản địa thì được chỉ là nên đi biển Cảnh Dương, đẹp hơn nhiều.
- Ngày 3: Làng hương Thủy Xuân - Trường Tiểu học Đo Đo – Cây cô đơn
+ Làng hương Thủy Xuân: Cách TP Huế ~ 6km. Nếu đi làng Hương, bạn nên ghé qua quán hương của Mệ Tuyết (69 Huyền Trân Công Chúa, TP. Huế). Chúng mình đến làng hương khi trời đang mưa, tình cờ ghé vào cái quán đã cũ của Mệ Tuyết. Mệ mời uống nước chè, ăn bánh đậu xanh, bày cả hương ra cho chúng mình chụp ảnh. Mệ bảo: “Mệ cũng có cháu đi xa, Mệ lúc nào cũng mong nó được người ta coi như là con cháu trong nhà. Nên Mẹ thương mấy đứa lắm. Đến đây đừng nghĩ chụp ảnh là phải mua hàng, các con cứ thoải mái đi. Lần sau vào nhớ lại ghé Mệ”. Mấy món quà lưu niệm Mệ bán cũng rẻ, nên chúng mình rất thương Mệ.
(Ảnh: FB Thanh Hòa)
+ Đo Đo: Cách TP Huế khoảng 10 km. Đường đi khá đẹp, chỉ có vài trăm mét đường làng là đường đất thì hơi bẩn nếu trời mưa. Trường Đo Đo, quán nước Đo Đo, cây cô đơn ở gần nhau. Hiện tại, thì trường Đo Đo đã treo biển “Cấm vào” và tháo biển tên trường.
- Ngày 4:
+ Dạo phố, cầu Trường Tiền, sông Hương, Quốc học Huế
+ Ra sân bay Phú Bài về HN. Giá taxi 170.000 VNĐ/xe 4 chỗ.
5. Ăn
- Ngày 1:
+ Bún bò Huế O Xuân (Lý Thường Kiệt): Ăn tạm, không đặc sắc hơn nhiều so với bún bò Huế bán ở Hà Nội. Giá 50.000 VNĐ/bát đặc biệt.
+ Cơm hến Hoa Đông (64/7 Ưng Bình, Cồn Hến): Giá 15.000 VNĐ/bát đặc biệt. Ngoài ra, quán bán cả bánh bèo, các loại nước đậu khá thơm. Trong khu này có cả quán cơm hến Hòa Đồng, bạn nên cẩn thận kẻo nhầm.
Cơm hến và bánh (Ảnh: FB Thanh Hòa)
+ Taboo Bar (phố Tây): Không gian chill, có nhạc sống. Món nào cũng cay, nếu không ăn được cay nhớ dặn quán trước lúc order. Giá cả trung bình.
+ Chè mợ Tôn Đích (33 Đinh Tiên Hoàng – Cửa Thượng Tứ): 12.000 VNĐ/ cốc. Chè heo quay ở đây có nhân là nguyên miếng thịt nạc heo quay.
+ Bánh mì O Tho – Bánh mì cầu Trường Tiền (Cạnh Bưu điện thành phố): Xếp hàng mua bánh vì quán rất đông, 10.000 VNĐ/cái. Các loại nước đậu 5.000 VNĐ/cốc (quán bên cạnh).
- Ngày 2:
+ Hải sản Bé Thân (gần Đầm Lập An): Quán rộng, view nhìn ra đầm rất chill, đồ ăn ngon, giá hợp lý.
+ Bánh canh cua rời Hương (30 Phạm Hồng Thái): 35.000 VNĐ/bát đặc biệt, nhiều thịt cua.
+ Chè Hẻm (Kiệt 1 số 29 Hùng Vương): Giá 12k/cốc. Chè heo quay nhân giống như bánh bao, thịt mộc nhĩ. Với mình thì chè heo quay ở chè Hẻm dễ ăn hơn, nhưng đúng tên gọi chắc là chè heo quay ở chè mợ Tôn Đích.
Bún mắm nêm (Ảnh: FB Thanh Hòa)
- Ngày 3:
+ Bún mắm nêm mẹ Thẻo (03/64 Bà Triệu): Vị mắm nêm không bị quá nồng như mấy quán bình dân ở chợ mình ăn. Ăn khá được.
+ Bánh Bà Đỏ (8 Nguyễn Bỉnh Khiêm): Quán đông, nhưng phục vụ nhanh. Khuyến khích nên ăn bánh bèo với bánh khọt.
+ Bánh ép Gia Di (Bà Triệu): Gồm nhiều loại bánh ép (mềm), cuốn với rau như phở cuốn ngoài Bắc, ăn kèm nước chấm chua ngọt.
+ Bún nghệ: Bán từ 13h đến 20h. Gánh hàng ở cạnh bờ sông An Cựu, nằm ở chỗ ngã ba Lương Văn Can – Phan Chu Trinh. Giá 10.000 VNĐ/tô, giò 5.000 VNĐ/cái. Chắc là mình không hợp khẩu vị, còn người Huế đến ăn rất đông.
Bún nghệ (Ảnh: FB Thanh Hòa)
+ Café S, M, L, XL (18 Thái Phiên): Khá bất ngờ khi có 1 quán cà phê với cách bài trí decor lạ như này ở Huế. Ở đây có nhiều góc sống ảo với tone trắng. Đồ uống tự phục vụ, giá trung bình 45k/đồ uống. 20h quán đóng cửa.
+ Chè Kinh Đô (65 Đinh Tiên Hoàng): Chè 20 món, 15.000 VNĐ/cốc nếu mua về.
+ Bánh mì chân cầu Trường Tiền: 10.000 VNĐ/cái, bán từ 23h-4h. Đã đến Huế, bạn nhất định phải thử bánh mì chân cầu Trường Tiền.
- Ngày 4:
+ Bún bò Huế O Tuyết (47 Nguyễn Công Trứ): 50.000 VNĐ/ bát đặc biệt. Bát bún bò Huế ngon nhất mình từng ăn, topping đầy đặn. Bạn nên hỏi giá trước khi ăn để tránh bị chặt chém vì là khách du lịch.
6. Những điều cần chú ý khi đi Huế
- Mang ô, mũ, nón, áo chống nắng, kem chống nắng, giấy ướt, giấy khô
- Ai bụng dạ yếu thì nên chuẩn bị sẵn Berberin.
- Chủ động mang nước khi đi vào các lăng, Đại Nội (Giá đắt gấp 2-3 lần so với ở ngoài).
- “Nên thử”: Đi dạo Đại Nội và cầu Trường Tiền lúc nửa đêm. Cảm giác khó tả cực kì luôn ấy, yên bình, tĩnh lặng đến lạ.
- Nhớ mặc cả khi mua đồ ở chợ Đông Ba.
- Nếu đi máy bay về thì đừng mua dầu tràm, vì đây là chất dễ gây cháy nổ không được mang lên máy bay. Bạn nên tránh phạm sai lầm như mình, nghe lời chị bán hàng “lần trước chị mang cả 10 chai lên máy bay vẫn không sao”. Mình mua xong ra đến sân bay bị an ninh gọi vì “hành lý ký gửi có vấn đề”.
- Đồ ăn ở Huế khá rẻ. Gần như các món đều có vị cay, nếu không ăn được cay nhớ dặn trước.
- Khi gọi bánh mì, không gọi “bánh mì thập cẩm” mà gọi “ổ lộn xộn” để được lấy đồ nhanh hơn.
- Trang phục: Hợp nhất màu trắng, vàng, đỏ, nâu.
Kết thúc chuyến đi, Thanh Hòa cho biết: “Quả thực, Huế còn là liều thuốc hàn gắn cảm xúc. Cảm giác một mình vít ga giữa quốc lộ 1A, cảm giác bước từng bước trên con cầu Trường Tiền lúc 1h sáng ngắm dòng sông Hương lấp lánh, cảm giác đứng giữa biển hít hà cái mùi tanh nồng vị sông nước và mùi ngai ngái của cơn mưa dai dẳng. Khi ấy, mình biết, đây mới thực sự là mình, là ‘sống’ chứ không phải 'tồn tại’”.