MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự Luật phòng chống tác hại rượu bia dưới góc độ pháp lý: Nhiều luật sư không đồng tình

31-08-2018 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Dù được tiến hành công phu, nhưng nếu nhìn một cách tổng thể, nhiều luật gia đánh giá việc xây dựng Dự luật chưa được toàn diện, nghiêng khá nhiều về góc độ y tế.

Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được Bộ Y tế chuẩn bị từ nhiều năm trước, và đã trình Chính phủ vào phiên họp hồi cuối tháng 7/2018. Trong tờ trình, Bộ Y tế dẫn ra nhiều ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu bia, gây tác hại đến sức khoẻ, kinh tế - xã hội của người dân Việt Nam.

Đơn cử, Bộ Y tế cho biết số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu bia. Rượu, bia cũng có thể gây nên thiệt hại kinh tế khoảng 65.000 tỷ... Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng nói rằng thế giới đã có thông lệ cho sự điều chỉnh.

Những điều này là căn cứ để Bộ Y tế xây dựng nên Dự thảo Luật. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng Dự thảo được xây dựng dựa trên cách tiếp cận còn nhiều hạn chế.

Cần một cách tiếp cận khác?

Trung ương Hội Luật gia Việt Nam (VLA), hôm 28/8, đã phối hợp với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức toạ đàm trao đổi về những nội dung chính của dự Luật nói trên để có thêm các thông tin đa chiều, nhằm làm rõ các vấn đề trong dự án luật.

Đối tượng được điều chỉnh trong Dự luật khá đặc biệt, theo GS. TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam. Ông nhấn mạnh sẽ có rất nhiều đối tượng chịu tác động của Dự luật, do vậy, một sự xem xét toàn diện là rất cần thiết. Tuy nhiên, Dự thảo được Bộ Y tế đưa ra chưa đáp ứng được điều này.

“Dự luật được tiến hành công phu nhưng nhìn chung thì chưa toàn diện, chủ yếu vẫn dựa vào góc độ y tế”, ông Tâm nói. Theo ông, chí ít những người xây dựng dự thảo cần phải mở rộng và tiếp cận vấn đề ở góc độ sản xuất, kinh doanh, văn hoá, du lịch... nhằm đảm bảo tính bao quát, khả thi.

Cách tiếp cận tốt, cũng nên bắt đầu từ cách đặt tên luật, theo ông Tâm. Phó Chủ tịch Hội Luật gia không đồng tình với cái tên: Luật phòng, chống tác hại của rượu bia. Thay vào đó, ông đề xuất tên gọi Dự thảo nên là Luật kiểm soát rượu, bia.

Nguyên nhân là do nhìn một cách toàn diện, rượu bia không phải là những thức uống gây hại cho sức khoẻ. Với những sản phẩm chất lượng đảm bảo, rượu, bia mang đến giá trị văn hoá, tinh thần cho người sử dụng. Thậm chí, ở liều lượng vừa đủ, rượu, bia có tác dụng tốt đối với cơ thể. Nghĩa là vấn đề nằm ở việc kiểm soát lạm dụng rượu bia cũng như chất lượng của loại đồ uống

Như vậy, với cách tiếp cận là “kiểm soát”, Dự thảo Luật sẽ buộc cơ quan chức năng tăng cường quản lý, có trách nhiệm ngăn chặn xử lý những vấn đề do rượu bia kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây nên cũng như hạn chế việc lạm dụng đồ uống này, thay vì đẩy toàn bộ trách nhiệm lên các nhà sản xuất, cung ứng rượu, bia hợp pháp.

Ở trường hợp nhà làm luật vẫn muốn giữ cụm từ “chống tác hại” trong tên Dự luật, ông Tâm cho rằng phải thêm từ “lạm dụng” để làm rõ ý nghĩa của Luật. Tuy nhiên, ông bảo lưu quan điểm Dự thảo nên được tiếp cận là “kiểm soát” vì sẽ bao hàm ý nghĩa rộng và đầy đủ hơn.

Luật sư lo ngại dự thảo Luật khiến ngành công nghiệp quảng cáo gặp khó khăn

Nhiều điều khoản trong Dự thảo Luật đưa ra cũng vấp phải sự không đồng tình của các chuyên gia làm luật.

Ví dụ như khoản 2 và 3, Điều 9: Kiểm soát quảng cáo rượu bia quy định: rượu, bia dưới 5,5 độ cồn không được quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời, trên các phương tiện giao thông, trong các chương trình văn hoá, thể thao, sân khấu điện ảnh, trang thông tin điện tử trừ trang của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu bia.

Đối với rượu, bia từ 5,5 – dưới 15 độ cồn quy định còn khắt khe hơn khi cho phép là thời gian quảng cáo trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22h – 6h sáng ngày hôm sau.

Theo đại diện khoa Luật trường ĐH Ngoại Thương, không cần thiết quy định vấn đề quảng cáo trong Dự thảo Luật này. Vị này cho rằng nên để Luật Quảng cáo điều chỉnh, nếu cần, nhằm tránh tình trạng luật chồng chéo luật.

“Nếu đã có Luật Quảng cáo thì để luật đó điều chỉnh. Nếu Luật Quảng cáo chưa thích hợp thì kiến nghị để sửa đổi, thay vì đưa ra luật cụ thể, tránh làm khó cho doanh nghiệp”, vị này nói.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam thì cho rằng với quy định về quảng cáo được đưa ra trong Dự thảo, vô hình trung sẽ khiến ngành công nghiệp quảng cáo, vốn có đóng góp lớn cho ngân sách, gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, việc hạn chế quảng cáo sẽ khiến người tiêu dùng không tiếp cận và biết đến thông tin của các sản phẩm có chất lượng tốt, khiến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có điều kiện phát triển. Như vậy, mục đích bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng như Dự thảo đề ra sẽ không thành hiện thực.

Khoản 3, Điều 17 quy định không được bán rượu, bia trên mạng Internet và máy bán hàng tự động cũng là một điều khoản không phù hợp khi hạn chế thương mại điện tử trong bối cảnh Việt Nam liên tục nhắc đến câu chuyện 4.0.

Bà Vân Giang, đại diện cho Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh thuộc Eurocham nhận xét quy định này vi phạm quyền của doanh nghiệp.

Mặt khác, bà cho rằng mua bán trên Internet cũng mang lại một số lợi ích nhất định, ví dụ như hạn chế người sử dụng đồ uống có cồn trước tuổi cũng như ngăn chặn được việc trốn thuế của doanh nghiệp.

“Việc hạn chế thương mại điện tử nhìn chung không phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu”, bà nói thêm.

Một đại diện doanh nghiệp sản xuất rượu bia sau khi đọc hết Dự thảo Luật cũng như tờ trình của Bộ Y tế đã nói rằng hình như mình đang làm điều gì đó phi pháp, trong khi, họ vẫn thực hiện các nghĩa vụ của một doanh nghiệp tử tế: đưa ra sản phẩm tốt, đóng thuế đầy đủ.

Như vậy, Dự thảo Luật của Bộ Y tế đang được các chuyên gia pháp lý đánh giá là còn nhiều điểm bất hợp lý cần xem xét sửa đổi. Nội dung Dự thảo Luật hiện nay không chỉ thiếu công bằng cho các nhà sản xuất chân chính mà quan trọng hơn là chưa hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng do cách tiếp cận còn thiếu toàn diện.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên