MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục gần 110 tỷ USD, NHNN dự kiến thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

10-03-2022 - 16:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục gần 110 tỷ USD, NHNN dự kiến thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Tình hình tài chính quốc tế dự kiến diễn biến phức tạp, khó lường thời gian tới, cùng với quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục, các công việc liên quan đến xây dựng chính sách quản lý dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng cả về khối lượng và tính chất phức tạp.

Bộ Tư pháp vừa công bố Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đáng chú ý, theo dự thảo, NHNN dự kiến thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch thuộc NHNN.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ bao gồm; tỷ giá, lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối ... hạn chế tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế. Tình hình cung cầu trên thị trường ngoại hối đã được cải thiện, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối trong nước từ tình trạng khan hiếm chuyển sang thặng dư, không chỉ đáp ứng đủ cho các nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế mà còn góp phần cải thiện thặng dư cán cân thanh toán quốc tế, bổ sung nguồn ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối nhà nước.

Dự trữ ngoại hối nhà nước trong các năm qua luôn được đảm bảo an toàn, ngay cả trong những giai đoạn thị trường quốc tế có nhiều bất ổn. Dự trữ ngoại hối nhà nước đảm bảo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu can thiệp thị trường ngoại hối trong nước, phục vụ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia và nhu cầu sử dụng ngoại hối cho các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của Nhà nước.

Hiện nay, NHNN có 02 đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là Vụ Quản lý ngoại hối (thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) và Sở Giao dịch (thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về dự trữ ngoại hối nhà nước). 

Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao đạt mức trên 109,9 tỷ USD gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước năm 2010 và gấp gần 04 lần so với năm 2015 và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế. Tổng tài sản có do Sở Giao dịch quản lý (cả bằng nội tệ và ngoại tệ) tính đến cuối năm 2021 đã lên tới 3.122.647,755 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2015 là 800.636 tỷ đồng. Do vậy, khối lượng công việc tác nghiệp tại Sở Giao dịch đã trở nên quá tải do sự gia tăng của lượng tài sản cần quản lý, gây áp lực công việc lên lực lượng công chức.

Đồng thời, do tình hình thị trường tài chính quốc tế trong những năm gần đây và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường (bao gồm chính sách lãi suất âm của một số ngân hàng trung ương trên thế giới, xếp hạng tín nhiệm một số quốc gia và đối tác giảm, thay đổi về chính sách thương mại, đầu tư của các nước lớn,…) cùng với quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, các công việc liên quan đến xây dựng chính sách quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa đầu tư và phù hợp với những diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế tại Vụ Quản lý ngoại hối ngày càng gia tăng cả về khối lượng và tính chất phức tạp dẫn đến việc quá tải về khối lượng công việc. 

Quản lý dự trữ ngoại hối là nhiệm vụ rất quan trọng của Ngân hàng Trung ương vì dự trữ ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán của quốc gia trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tiền tệ và được dùng để can thiệp thị trường ngoại tệ trong nước theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Đồng thời, quản lý dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương bao gồm nhiều nhiệm vụ khác nhau đòi hỏi có kiến thức chuyên môn cao, như nghiệp vụ đầu tư trên thị trường quốc tế, quản lý danh mục đầu tư, quản lý rủi ro và thanh toán quốc tế, hạch toán kế toán... 

Khi quy mô dự trữ lớn, hầu hết các Ngân hàng Trung ương sẽ chuyển sang mô hình quản lý tập trung thành lập một đơn vị độc lập trong tổ chức bộ máy của Ngân hàng Trung ương để chuyên trách thực hiện công tác quản lý dự trữ ngoại hối. Do vậy, việc từng bước chuyển đổi sang phương thức quản lý mới, Ngân hàng Nhà nước cần phải có một đơn vị mới độc lập chuyên trách về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

https://cafef.vn/du-tru-ngoai-hoi-cao-ky-luc-gan-110-ty-usd-nhnn-du-kien-thanh-lap-cuc-quan-ly-du-tru-ngoai-hoi-nha-nuoc-20220310163429234.chn

Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên