Đức Đạt Lai Lạt Ma lay động lòng người khi nói về cội nguồn hạnh phúc: Bản chất con người là từ bi và tử tế
Trong bài phỏng vấn này, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về lòng tốt của con người, lý do bản ngã vừa tồn tại vừa không tồn tại và làm thế nào quan tâm đến người khác lại trở thành cội nguồn hạnh phúc của chính bạn.
Tôi nghĩ, bất cứ ai đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma đều ra về với cảm giác bản thân đã thay đổi theo hướng tốt hơn. Điều này chắc chắn đúng với tôi. Một tiếng ngồi bên Ngài nói về cuộc sống, bản chất con người và Đạo Phật là trải nghiệm thay đổi cuộc đời. Những dòng này được tôi viết sau ngày hôm ấy nhiều tuần, nhưng hào quang chưa hề tiêu tan.
Tại sao Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể lay động nhân gian, không chỉ những người ông đã gặp mà hàng trăm triệu người khắp thế giới bằng thông điệp? Tôi cho rằng đó là vì Ngài nhìn thấy bản chất con người trong mỗi chúng ta, vượt qua tất cả những sự khác biệt. Ngài mở lòng chúng ta và chạm tới khao khát sâu xa nhất về cuộc sống hạnh phúc và ngập tràn tình cảm. Ngài khiến chúng ta cảm thấy điều đó là có thể.
Dưới đây tôi xin được bắt đầu bài phỏng vấn kéo dài một giờ.
- Thưa Ngài, thay mặt cho bản thân và độc giả, xin cảm ơn Ngài vì đồng ý chia sẻ.
Rất nhiều người phương Tây được dạy, phải chọn lựa giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc của người khác. Và họ được bảo lựa chọn đúng đắn nhất là hy sinh hạnh phúc chính mình.
Xung đột giữa hạnh phúc của bản thân và người khác không hề xuất hiện trong Đạo Phật với tôn chỉ thực hành tôn giáo đem đến lợi ích cho chính mình và người khác.
Vậy làm thế nào Ngài khuyên mọi người hạnh phúc là không ích kỷ và có thể quan tâm đến lợi ích của bản thân lẫn người xung quanh?
- Chẳng có xung đột nào cả vì quan tâm đến hạnh phúc của người khác là con đường tốt nhất để đạt được hạnh phúc của riêng bạn. Trông như bạn lo lắng cho người khác hơn bản thân, nhưng thực ra bạn đang có những lợi ích lớn nhất.
Cội nguồn của tâm trí hạnh phúc và cơ thể khỏe mạnh là thái độ, tinh thần của bạn. Chỉ nghĩ cho riêng mình một cách ích kỷ tạo ra rất nhiều lo âu, cô đơn, sợ hãi và giận dữ. Điều này không hề tốt cho tâm trí và sức khỏe. Các nhà khoa học đã nói, sợ hãi và giận dữ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống miễn dịch.
Chúng ta là những sinh vật bầy đàn. Hạnh phúc của một cá thể phụ thuộc vào cộng đồng. Thái độ ái kỷ đối lập với điều đó. Bạn sẽ tạo khoảng cách với người khác vì ích kỷ và cảm thấy mình vô cùng quan trọng.
Giờ hãy thử nhìn theo cách khác, khi bạn quan tâm đến hạnh phúc người khác. Thái độ này tất nhiên trái ngược với sự ích kỷ. Một cách logic, tất cả những suy nghĩ tiêu cực do ái kỷ sinh ra giảm xuống khi bạn coi trọng người khác. Hãy nhìn vào cách họ cười. Nếu thấy ai đó cười thật tươi, chúng ta sẽ cảm thấy an bình hơn. Nhưng nếu họ cười giả tạo, tôi nghĩ, đó là biểu hiện cho thấy họ đang tự tách biệt.
Trẻ em được nhận tối đa tình cảm từ cha mẹ và bạn bè thường rất hạnh phúc. Nhưng nếu phụ huynh thể hiện bộ mặt tiêu cực hoặc trừng phạt, chúng sẽ trở nên bất hạnh. Đó là bản chất con người. Không cần đến triết học hay nghiên cứu khoa học. Chúng sinh đề trải qua điều này ngay từ thưở lọt lòng.
Tôi thường kể, người đầu tiên dạy tôi về lòng từ bi chính là mẹ tôi. Nếu bà không phải một người tình cảm, tôi có lẽ đã trở thành một con người khác, đầy nghi ngờ và thiếu an toàn. May mắn thay, mẹ rất từ bi và tôi đã nhận được đầy đủ tình cảm từ bà ấy. Ai cũng vậy thôi.
Do đó, kết luận ở đây là tình cảm cùng sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác chính là con đường tốt nhất để được hạnh phúc, khỏe mạnh và sống lâu. Bạn không cần thuốc an thần nếu giữ cho trái tim mình đong đầy tình cảm. Tôi đã thực hành và tìm thấy lợi ích to lớn cho bản thân.
"Cội nguồn của tâm trí hạnh phúc và cơ thể khỏe mạnh là thái độ, tinh thần của bạn" - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.
- Ngồi gần Ngài như thế này, tôi phải nói, mình chưa thấy ai đã sang tuổi 80 mà vẫn trẻ trung và khỏe mạnh. Ngài chính là bằng chứng về những điều Ngài giảng dạy.
- (Đức Đạt Lai Lạt Ma bật cười). Vâng, tôi có thể đã uống một số loại thuốc. Nhưng đó là bí mật.
- Rất nhiều người, đặc biệt ở phương Tây, nghi ngờ chính lòng tốt của mình. Nhưng đạo Phật nói, tất cả chúng ta đều có phật tính, và bản chất con người là tốt đẹp và yêu thương. Làm thế nào Ngài thuyết phục chúng sinh - trước những nỗi đau khổ, bất công trên thế giới cùng rắc rối của riêng họ - rằng họ về cơ bản là tốt?
- Chúng ta cần nhìn vào trẻ em, tươi cười và vui vẻ. Chúng không bao giờ để ý đến những khác biệt như niềm tin tôn giáo hay nền tảng gia đình. Rồi dần dần, chúng quan tâm đến sự khác biệt về quốc tịch, tôn giáo, tầng lớp. Tôi thấy, đây chỉ là những khác biệt không quan trọng. Trên thực tế, 7 tỷ cá thể người trên hành tinh này về bản chất chỉ mưu cầu tình cảm và hạnh phúc.
Một số nhà khoa học đã thử nghiệm với phim hoạt hình trên trẻ em. Khi xem đoạn phim trẻ khác chơi cùng và giúp đỡ nhau, chúng rất hạnh phúc. Nhưng đến khi con người hãm hại nhau, chúng rất khó chịu. Những đứa trẻ này chỉ 2-3 tuổi. Các nhà khoa học nói, điều đó chứng tỏ bản chất con người là từ bi và tử tế. Vì thế tôi tin, về cơ bản, 7 tỷ người đều như nhau. Về cơ bản, chúng ta là anh chị em.
Tiếp theo, ở mức độ thứ hai, đúng là có những khác biệt về chủng tộc, quốc gia, hệ thống, tôn giáo. Có quá nhiều khá biệt. Tôi nghĩ, vấn đề con người tự gây ra đều bắt nguồn từ mức độ thứ hai này. Nhưng nếu bạn đào sâu hơn cho đến mức độ nền tảng, bạn sẽ không thấy bất cứ ranh giới, rào cản nào. Chúng ta là những cá thể giống nhau. Ai cũng được sinh ra từ một người mẹ và lớn lên trong nhu cầu tình cảm. Giống nhau cả thôi.
Tôi nghĩ, hệ thống giáo dục hiện hành không cung cấp đầy đủ lời giải thích về các giá trị cơ bản của con người. Thông thường, chúng ta nói giá trị được thể hiện trong bối cảnh niềm tin tôn giáo. Thế nhưng, chúng ta có thể bàn về giá trị con người mà không cần động đến tôn giáo. Chúng ta có thể đề cập một cách đơn giản đến tình yêu cha mẹ, yếu tố sinh học và thực tế, chúng ta là sinh vật xã hội. Như vậy, chúng ta sẽ dạy mọi người về giá trị nhân loại.
Lúc trẻ còn nhỏ, những giá trị cơ bản về tình cảm và lòng từ bi còn tươi mới. Sau đó, chúng tới trường, nơi chẳng mấy khi đề cập đến những điều này. Tôi nghĩ, hệ thống giáo dục hiện tại hướng quá nhiều đến tiền bạc và vật chất. Nhiều thế hệ đã đi qua kiểu giáo dục ấy và cuộc sống của họ dần dần trở nên vật chất hơn. Sau đó, các giá trị được đem ra bàn luận trong bối cảnh tôn giáo tín ngưỡng, gần như buộc bản thân bạn phải cố thực hành từ bi hay tha thứ.
Tôi cho rằng, mọi thứ đều do sự thiếu hiểu biết về nhu cầu cơ bản của con người hay chính là tình cảm và từ bi. Giáo dục không thể chỉ tập trung vào phát triển bộ não. Chúng ta cần được sưởi ấm tâm hồn.
- Liệu có thể từ bi hay đồng cảm mà không hiểu biết về vô ngã? Ngoài những giáo lý về từ bi, lời dạy về vô ngã quan trọng đến mức nào?
- Trong số các tôn giáo khác nhau trên thế giới, có những truyền thống hữu thần và vô thần. Đối với tôn giáo hữu thần, phương pháp của họ là tin tưởng vào Chúa, Đấng Sáng tạo. Đó là phương pháp của họ để tăng tình yêu. Chúng ta sẽ được cổ vũ, tăng lòng can đảm khi tin, mình được tạo ra từ Chúa trời tuyệt vời, từ bi với lòng thương yêu vô hạn. Vị Chúa như vậy đã sinh ra chúng ta nên chúng ta cũng đong đầy tình cảm bên trong. Đây là cách tiếp cận rất mạnh mẽ.
Đối với tôn giáo vô thần, trọng tâm là bản thân bạn. Không có Chúa hay Đấng Sáng tạo. Bản thân bạn chính là người sáng tạo. Mọi điều tốt, xấu xảy ra đều thuộc về trách nhiệm của bạn. Như Đức Phật đã nói, bạn là chủ nhân của chính mình.
Giờ, anh đề cập đến vô ngã. Nếu thực sự muốn nuôi dưỡng lòng vị tha và hạn chế tối đa thói vị kỷ, bạn phải ý thức mạnh mẽ về bản ngã. Chúng ta cần hiểu đạo Phật định nghĩa vô ngã như thế nào. Phật giáo dạy rằng chúng ta không có linh hồn. Vô ngã nghĩa là chúng ta không có bản ngã độc lập, số ít, vĩnh viễn. Kiểu bản ngã như vậy là không có. Đó là những gì Phật tử muốn ám chỉ khi nói đến vô ngã.
Theo quan điểm đạo Phật, tất cả những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và bám dính liên quan đến cái nhìn sai lệch về việc bên trong chúng ta tồn tại một cái "tôi" cứng rắn và độc lập.
Điều này không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại của bản ngã. Bản ngã ở đây, không ai chối bỏ được. Nên như tôi đã đề cập lúc nãy, nếu bạn muốn cải thiện bản thân, hạn chế cảm xúc tiêu cực, bạn cần có cảm giác mạnh mẽ về bản ngã.
Bạn cần nghĩ: "Mình có thể làm được. Mình có thể thay đổi tâm trí. Mình có thể giảm giận dữ, căm ghét và khoảng cách với người khác".
Bản ngã được hiểu là không vĩnh cửu. Không có bản ngã độc lập, bất biến. Bạn sẽ không cách nào thay đổi và cải thiện bản thân nếu không chấp nhận điều đó.
Khi nhận ra chúng ta không có bản ngã độc lập, số ít, vĩnh cửu ấy, cảm xúc tiêu sẽ yếu đi. Bởi vì chúng ta cảm thấy mình có bản ngã độc lập, một thứ gì đó rất cứng rắn, chúng ta ta tin rằng đối tượng của sự giận dữ cũng tuyệt đối độc lập. Chúng ta không coi đó là thứ tương đối, phụ thuộc vào các yếu tố khác. Sự tiêu cực của kẻ thù là một cái gì đó tuyệt đối, độc lập và rồi giận dữ phát triển.
Một khi đã nhận ra, bạn sẽ bớt được kẻ thù. Bạn sẽ thấy mình cũng đóng góp cho tình trạng ấy bằng thái độ bản thân.
Bạn sẽ phát hiện: "Ồ, thì ra người này giận dữ với mình vì mình góp phần tạo nên tình huống đó". Bạn không thể đổ hết lỗi cho họ. Điều này làm giảm giận dữ.
Bản chất con người là từ bi và tử tế. Ở mức độ đó, 7 tỷ cá nhân đều như nhau. Chúng ta là anh chị em.
- Ngày hôm trước tôi đọc được một câu tóm tắt tuyệt vời lý tưởng của Phật giáo. Đơn giản thế này thôi: "Phật giáo nuôi dưỡng nhận thức tâm trí". Định nghĩ cơ bản của Ngài về con đường Phật giáo là gì?
- Đối với tôi, Phật giáo vận dụng trí thông minh con người đến mức tối đa và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực. Giống như các tôn giáo khác, Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin, nhưng đức tin phải đi kèm với trí tuệ. Tương tự như vậy, tình yêu và từ bi cũng phải kết hợp với trí tuệ.
Trong đạo Phật và đặc biệt là từ truyền thống của Nalanda, trí thông minh hay lý luận là rất quan trọng. Đức Phật là bậc triết gia kiêm nhà tư tưởng vĩ đại, đồng thời là một nhà khoa học. Ngài nói với tín đồ rằng họ không nên tiếp nhận lời dạy của Người chỉ bằng đức tin mà còn qua điều tra, thử nghiệm. Vì vậy, Phật giáo coi lý luận, phân tích, bằng chứng và yếu tố then chốt. Những thứ đó đem đến đức tin.
Nhiều năm trước, tôi nói với một người bạn là nhà sư phương Tây rằng tôi muốn có nhiều cuộc thảo luận nghiêm túc với các chuyên gia khoa học. Người bạn đó khuyên hãy cẩn thận bởi khoa học giết chết tôn giáo. Tôi liền trích dẫn lời Đức Phật rằng một người không nên chấp nhận bất cứ kiến thức nào chỉ bằng lòng tin hay sự tôn trọng mà phải qua điều tra kỹ lưỡng.
Khoa học là phương pháp tìm hiểu thực tế. Các nhà khoa học cũng giống như những học giả Phật giáo cổ xưa, như Long Thụ. Họ đang điều tra! Khoa học Tây phương nhìn chung tập trung vào nghiên cứu thế giới vật chất chứ không phải tinh thần. Nhưng hiện nay, cảm xúc và ý thức đang dần trở thành đối tượng của khoa học. Chúng tôi thậm chí còn phải điều tra lời dạy của chính Đức Phật. Đức Phật có thể đã nói điều gì đó, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận nếu nó đi ngược lại với bằng chứng khoa học.
- Ngày càng có nhiều người hương Tây tập thiền nhưng không phải để thực hành tâm linh mà vì nó đem lại lợi ích cho cuộc sống cá nhân cùng xã hội. Rất nhiều kỹ thuật được bắt nguồn hoặc giống với thiền Phật giáo. Với tư cách là người truyền dạy đạo Phật nổi tiếng nhất thế giới, Ngài nghĩ gì vầ phong trào chánh niệm thế tục?
- Phật tử nhìn chung đi theo con đường Đại thừa, cầu nguyện cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Nếu bạn quan tâm đến hạnh phúc của người khác, bạn sẽ không thể lợi dụng, bắt nạt, lừa dối họ bởi bạn thực sự quan tâm đến họ. Nói chung, sự quan tâm này mang ý nghĩa tình cảm.
Thế giới hiện nay có ít nhất 7 tỷ người và chúng ta đều được kết nối dù trực tiếp hay gián tiếp. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào hạnh phúc của 7 tỷ người này và chúng ta rất nên làm nếu có cách nào đó đóng góp cho hạnh phúc nhân loại.
Trong số 7 tỷ người, có khoảng 6 tỷ là tín đồ tôn giáo và một tỷ không có đức tin. Thiền xuất phát từ tôn giáo, nhưng nếu con người thấy nó hữu ích với thế tục, điều đó cũng rất tốt. Giống như yoga, tuy đến từ tôn giáo nhưng giờ được sử dụng như phương pháp cải thiện sức khỏe. Thiền chánh niệm mài dũa tâm trí, tăng khả năng điều tra. Nó rất tốt.
- Tôi muốn kết luận bằng việc hỏi Ngài về danh tiếng của mình. Tôi nghĩ Ngài có lẽ là người lạc quan nhất thế giới. Điều gì trong lời giảng cũng như nhân cách Ngài khiến hàng tỷ người chú ý đến?
Mỗi khi gặp gỡ và truyền dạy, tôi luôn nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều là con người như nhau. Những khó khăn tôi từng trải qua trong cuộc sống trở thành kinh nghiệm có thể giúp ích cho người khác. Còn lại, chúng ta đều giống nhau. Tôi không bao giờ giảng rằng mình đặc biệt, rằng mình là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Không. Như tất cả người khác thôi. Chúng ta đều là con người như nhau.
Như thế, chúng ta sẽ ngay lập tức đến gần nhau hơn. Nếu tôi thể hiện mình là người đặc biệt, ví dụ như nói rằng "Tôi là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đây" (cười), tôi sẽ ngay lập tức tạo ra khoảng cách. Giả vờ mình là thứ gì rất đặc biệt sẽ tự đánh lười bản thân. Đôi lúc những người Tây Tạng tỏ ra cung kính với tôi. Tôi không thích điều đó.
Tôi nghĩ đến Đức Phật. Tôi cảm thấy Ngài là người rất bình thường. Tôi cho rằng Ngài sẽ thường đi chân trần mỗi khi ra ngoài khất thực cùng các nhà sư khác.
Có lần, ở Thái Lan, tôi gặp một nhà sư kiêm học giả tuyệt vời tên Buddhadhasa. Tôi nhìn thấy một cái cây lớn, bên dưới là một tảng đá. Ngồi đó, Buddhadhasa giảng dạy cho tín đồ. Đức Phật hay Long Thụ đã đem đến những lời truyền dạy tuyệt vời, quý báu theo cách rất bình thường. Lạt Ma Tây Tạng, bao gồm cả tôi, dù ngồi trên ngai cao nhưng lời dạy vẫn đôi khi nhầm lẫn.
- Thưa Ngài, cuối cùng Ngài muốn nhắn gửi điều gì cho chúng tôi?
- Chấp nhận hay không chấp nhận niềm tin tôn giáo phụ thuộc vào cá nhân. Nhưng nếu đã chấp nhận con đường tôn giáo, dù là tôn giáo nào đi nữa, chúng ta cần nghiêm túc. Chúng ta cần chân thành và không kỳ vọng quá nhiều.
Bạn thấy đấy, bạn nên theo con đường tâm linh bằng ý chí và quyết tâm. Dần dần, bạn sẽ có những trải nghiệm sâu sắc. Sự phát triển tinh thần cần thời gian bởi nó không phải là một cỗ máy. Sẽ tốn hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, hàng thập kỷ.
Cho nên một khi đã theo tôn giáo, bạn cần nghiêm túc và chân thành. Xin cảm ơn.
*Theo Melvin McLeod