Dừng bay hàng loạt, hàng không đang tồn tại thế nào?
Để tồn tại, trong gần 2 năm qua, các doanh nghiệp (DN) hàng không đã phải tìm đủ cách. DN tư nhân dựa vào hoạt động tài chính để có lãi, còn DN nhà nước phải chờ hỗ trợ từ cổ đông lớn nhất, thay vì vận tải hàng không.
Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, dù khó khăn chồng chất, hãng hàng không Vietjet, thậm chí hãng hàng không non trẻ là Bamboo Airways cũng tuyên bố có lãi. Điều này là hiếm thấy với hàng không thế giới hơn 1 năm qua kể từ khi dịch bùng phát, hoạt động vận tải hàng không bị đình trệ. Hiện, Cục Hàng không đang chờ Bộ GTVT quyết định để tạm dừng toàn bộ hoạt động bay chở khách nội địa giữa các tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 16.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không (Vaba) cho rằng, dù các hãng hàng không tư nhân báo lãi nhưng riêng mảng kinh doanh hàng không vẫn lỗ. Vaba tính toán, riêng hoạt động vận tải hàng không ước tính các hãng lỗ trên 18.000 tỷ đồng. “Thực tế kinh doanh vận tải hàng không vẫn rất nhiều khó khăn và lỗ, khi hoạt động bay chở khách nội địa gián đoạn, còn bay quốc tế thường lệ đã tạm dừng do dịch COVID-19. Các hãng hàng không tư nhân dùng nhiều giải pháp khác để bù thu, mở rộng kinh doanh tài chính nên tổng thể vẫn lãi”, ông Nề nói. Còn Vietnam Airlines lỗ vì đây là DN nhà nước, không được kinh doanh ngoài ngành.
Với Vietjet, theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm nay, doanh thu thuần từ bán vé máy bay và cung cấp dịch vụ đạt 7.590 tỷ đồng, lỗ từ hoạt động này trên 2.291 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ trên 1.455 tỷ đồng). Để bù lỗ từ hoạt động chính, Vietjet đã tăng hoạt động tài chính, qua đó có nguồn thu trên 3.151 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước). Nhờ bù đắp từ hoạt động tài chính, Vietjet vẫn đạt lợi nhuận thuần trên 128 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ trên 1.729 tỷ đồng). Trong hoạt động tài chính, Vietjet đã phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu, bán cổ phiếu quỹ, phát hành trái phiếu, vay ngắn và dài hạn.
Trước đó, trong năm 2020, vận tải hàng không của Vietjet cũng lỗ 1.453 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận hợp nhất vẫn đạt 68 tỷ đồng. Để có lãi, Vietjet phải dựa vào doanh thu từ hoạt động tài chính (970 tỷ đồng), lợi nhuận khác (hơn 1.773 tỷ đồng). Trong các khoản lợi nhuận khác của Vietjet, có các khoản từ thanh lý, chuyển nhượng tài sản cố định, chuyển nhượng quyền kinh doanh toà nhà Vietjet Plaza; tiền bồi thường thiệt hại từ một số nhà cung cấp máy bay... Cùng năm, Vietjet còn bán quyền mua 50 triệu cổ phiếu ở Tổng Công ty dầu Việt Nam giá trị 500 tỷ đồng; thanh lý quyền và nghĩa vụ tại dự án Republic Plaza thu về 954 tỷ đồng; chuyển quyền sở hữu và thương mại máy bay đạt 3.124 tỷ đồng (lãi 745 tỷ đồng)…
Tại Đại hội Cổ đông Thường niên năm 2021 của Vietjet, các cổ đông đã thông qua kế hoạch năm nay sẽ tăng doanh thu 20% so với năm trước, thúc đẩy chở hàng; mở rộng dịch vụ đào tạo nhân lực, dịch vụ sửa chữa kỹ thuật máy bay...
Hãng hàng không Bamboo Airways lại lựa chọn tăng vốn để tăng khả năng tài chính. Từ đầu năm 2020 tới nay, hãng này đã có 4 lần tăng vốn điều lệ. Theo đó, tháng 4/2020, Bamboo Airways tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ của hãng đã lên 16.000 tỷ đồng, trở thành hãng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Đi kèm quá trình tăng vốn này, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn FLC tại Bamboo Airways cũng giảm từ mức trên 51% xuống 39,4%, hiện chỉ còn 25,8%. Điều này có thể hiểu trong các lần tăng vốn gần nhất, FLC đã không góp thêm vốn vào Bamboo Airways. Năm 2020, Bamboo Airways thông báo lợi nhuận trước thuế đạt 400 tỷ đồng (tăng 34% so với năm 2019).
Tự cứu mình trước
Với Vietnam Airlines (VNA, Nhà nước nắm cổ phần trên 86%), cuối năm 2020, Quốc hội đã thông qua “gói giải cứu” 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải tới tháng 7 vừa qua, một phần gói giải cứu này mới được giải ngân (vay tái cấp vốn), phần còn lại (tăng vốn điều lệ) vẫn đợi thủ tục. Hãng này cũng phải tìm cách để tồn tại trước khi nhận được hỗ trợ của Nhà nước .
Trong thông điệp mới đây, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết, nửa đầu năm hãng lỗ gần 10.000 tỷ đồng, cuối năm nếu không có giải pháp tốt sẽ lỗ hơn 20.000 tỷ đồng (năm 2020 đã lỗ trên 11.000 tỷ đồng). Trước khi giải ngân được vốn hỗ trợ, theo ông Hoà, hãng tiếp tục giảm chi phí khoảng 9.450 tỷ đồng, trong đó có cả tinh giản bộ máy… Các giải pháp này góp phần duy trì dòng tiền cho hoạt động từ đó giảm lỗ. Bên cạnh đó, tới nay gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ Nhà nước đã bắt đầu giải ngân, VNA đang hoàn tất thủ tục để phát hành cổ phiếu tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng.
Trong năm 2020, VNA cũng giảm được hơn 8.618 tỷ đồng chi phí, trong đó các giải pháp tự thân góp phần làm giảm được 5.129 tỷ đồng (cắt giảm trên 1.300 lao động, giảm tiền thuê máy bay, tiền bảo ưỡng kỹ thuật, giảm lương…).
Tiền Phong