Đừng cố chấp nữa, trên đời căn bản không có ai sinh ra không gặp thời, bạn không thành công vì bạn chưa đủ giỏi mà thôi
Nếu bạn nghĩ chỉ cần chăm chỉ cộng với số năm kinh nghiệm mà bản thân có được là sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng, thì bạn nên tỉnh táo hơn để tránh rơi vào cái “bẫy an toàn” đó.
Ngại va chạm, ngại tiếp xúc, ngại đưa ra ý kiến trong những cuộc họp. Cái mà bạn cho là “dĩ hòa vi quý” ấy cũng chính là lý do khiến cấp trên “ngại” cất nhắc bạn cho vị trí mới.
Minh và Tuấn đều có khoảng thời gian làm việc ở công ty như nhau, đều có xuất phát điểm là dân kiến trúc và cả hai đều nỗ lực hết mình cho công việc. Một chức danh hay vị trí quản lý sẽ là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của cả hai trong thời gian qua. Thế nhưng vị trí được lựa chọn chỉ có một và người được chọn là Minh chứ không phải Tuấn.
Ngay sau khi nhận quyết định, Tuấn ngạc nhiên không tin rằng đó là sự thật. Tại sao cùng cống hiến, cùng hoàn thành tốt công việc được giao như nhau mà đến khi cất nhắc bảng tên của mình lại không có?
Bạn à, dù có làm ở bất cứ môi trường nào thì kiến thức chỉ là “môn điều kiện” cho cả quá trình rất dài. Theo như lời sếp của Tuấn thì cái mà Tuấn thiếu không phải là chuyên môn, càng không phải là hiệu năng công việc, mà cái thiếu sót lớn nhất của Tuấn đó là “ngại va chạm”.
Ngay từ ở thời sinh viên, mỗi lần học nhóm hay làm đề tài gì đó, Tuấn chưa bao giờ đứng lên phản biện hay bày tỏ quan điểm riêng của mình. Thói quen đó giữ nguyên cho đến khi đi làm, bộ phận của Tuấn là bộ phận sáng tạo, đòi hỏi nhiều ý tưởng để cho ra một sản phẩm tốt nhất. Nhưng trong mỗi cuộc họp Tuấn rất ít khi đưa ra ý kiến cá nhân cũng như những lời phản biện, vì nghĩ rằng nếu làm như thế sẽ ảnh hưởng đến tình anh em, thôi thì “dĩ hòa vi quý” là tốt nhất.
Giả sử bạn là cấp trên, liệu bạn có dám cất nhắc một người luôn “ngại” như Tuấn lên đảm nhiệm vào một vị trí quan trọng không?
Đừng cố chấp nữa, trên đời căn bản không có ai sinh ra không gặp thời, bạn không thành công vì bạn chưa đủ giỏi mà thôi.
Bạn thân mến, khi bạn chưa đủ mạnh mẽ, cơ hội dù nhỏ nhất cũng không đến với bạn. Khi bạn đủ tài giỏi, mọi thứ bạn muốn đều chủ động chạy về phía bạn. Bạn có thấy nực cười với khái niệm "đến tuổi đáng được thăng chức" không?
Chúng ta cần biết, để có thể đạt được vị trí người khác không thể với tới, phải cố gắng gấp bội. Và cố gắng ở đây, không chỉ là việc bạn cần mẫn chăm chỉ, làm hết nhiệm vụ được giao mà đó còn là việc bạn phải học hỏi, phát triển những kỹ năng mềm ngoài chuyên môn của bạn. Như câu chuyện ở trên, Tuấn không thiếu kỹ năng chuyên môn, anh ấy chỉ thiếu kỹ năng giao tiếp, quản lý – điều cần có ở một vị trí quản lý cấp cao hơn.
Đăc biệt ở nơi làm việc không có cái gọi là "đến tuổi đáng được thăng chức", chỉ có "người xứng hay không xứng được thăng chức". Có người chưa đến 30 đã được làm quản lý, cũng vô số người ngoài 30 vẫn chỉ làm nhân viên quèn.
Chúng ta đừng kỳ vọng người khác phải có nghĩa vụ kéo mình lên khi mình có số năm kinh nghiệm nhiều hơn những đồng nghiệp khác. Bạn càng giỏi cơ hội càng nhiều, bạn càng cố gắng trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm cơ hội càng nhiều.
Nói như vậy không phải là: Bạn ơi bạn chẳng còn cơ hội nào trên quãng đường sự nghiệp nữa đâu, đừng cố gắng nữa! Mà đơn giản để bạn nhìn lại chính bản thân mình, biết mình mạnh ở đâu, yếu chỗ nào để bổ sung, học hỏi. Đôi khi bạn phải quên đi tuổi tác cũng như bằng cấp của mình để không ngừng cố gắng học hỏi, làm việc, tu dưỡng, như thế bạn mới thoát được hội chứng “khủng hoảng sự nghiệp sau 30”.
“Thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là vào 20 năm trước. Thời điểm tốt thứ 2 chính là ngay lúc này”. Dù bao nhiêu tuổi, bạn cũng đều phải nỗ lực, bởi bạn phải trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.