MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng e sợ khi thấy nhiều người khác tiến quá nhanh: Chọn đúng lối đi của mình, bạn có thể xuất phát chậm hơn nhưng chắc chắn sẽ tiến xa hơn

22-03-2019 - 07:44 AM | Sống

Đôi khi, dừng lại và tìm một điểm xuất phát mới trong cuộc sống, bạn sẽ nhận ra bản thân thực sự là ai và có nhiều năng lượng để bứt phá hơn bao giờ hết.

California chậm hơn New York 3 tiếng nhưng điều này không làm nhịp sống của nó chậm lại. Obama nghỉ hưu ở tuổi 55 nhưng Donald Trump đắc cử khi đã 70. Cuộc sống là vậy, mỗi người cần một thời điểm để tỏa sáng.

Có người từng nói rằng: "Tất cả mọi người trên thế giới này đều phát triển theo múi giờ riêng của họ. Những người xung quanh có thể đi trước bạn, nhưng cũng có người đi sau bạn. Tất cả mọi người đều có cuộc đua riêng. Đừng đố kỵ với họ, đừng mỉa mai họ. Họ đang ở trong múi giờ riêng của họ và bạn cũng vậy."

Đừng e sợ khi thấy nhiều người khác tiến quá nhanh: Chọn đúng lối đi của mình, bạn có thể xuất phát chậm hơn nhưng chắc chắn sẽ tiến xa hơn - Ảnh 1.

Học giỏi nhưng không thành đạt – câu chuyện không của riêng ai

Tôi là học sinh gương mẫu điển hình. Hồi còn trên ghế nhà trường, điểm chác của tôi luôn rơi vào top khá giỏi. Tôi chẳng gặp vấn đề với khối kiến thức bài vở trên lớp cả. Nhưng, mỗi khi trò chuyện cùng những người bạn đồng niên, tôi cảm giác mình như tên ngốc vậy. Tôi luôn tự hỏi, chỗ kỹ năng và kiến thức xã hội đó, các bạn mình đã kiếm ở đâu vậy?

Tất nhiên, tôi vẫn đặt việc học hành làm ưu tiên nhưng thành thực, lúc nào tôi cũng cảm thấy thiếu thiếu điều gì đó.

Không mất nhiều thời gian để nhận ra, tôi chính là người tụt lại phía sau

Không còn những bài văn học thuộc, không còn đống lý thuyết nhàm chán, tất cả những gì tôi đối mặt với bây giờ là thực tế, là xã hội.

Không còn là vấn đề ai chăm ai không nữa. Giờ đây, vấn đề là bạn có tạo ra giá trị gì hay không. Thế nhưng, trong khi mọi người vẫn cố gắng, vẫn đóng góp, tôi vẫn ì ạch phía sau, chờ đợi một ai đó sẽ dạy tôi cách trở thành người có ích cho xã hội.

Tôi tụt hậu vì lúc nào cũng khư khư giữ cái tư tưởng thời đi học. Tôi chọn một vị trí không xứng với năng lực của mình chỉ đơn giản vì ý nghĩ: "Thích viết thì làm những việc như xử lý giấy tờ là đúng quá rồi còn gì". Tôi sợ rằng tôi không đủ năng lực để làm các công việc khác như design, nhiếp ảnh.

Sau cùng, tôi lựa chọn dừng lại. Tôi không thể viết tiếp mấy mẩu quảng cáo nhàm chán kia nữa. Tôi không thể sống bình bình mãi được, tôi phải tìm cách để trở nên xuất sắc. Tôi chợt nhận ra ngôn từ không phải là phương tiện truyền tải duy nhất. Đó là giây phút tôi nhận ra rằng nếu muốn trở thành một người chuyên nghiệp hơn trong lĩnh vực này, tôi phải vượt xa việc viết lách thông thường.

Nhưng bắt đầu ở đâu, khi nào?

Đừng e sợ khi thấy nhiều người khác tiến quá nhanh: Chọn đúng lối đi của mình, bạn có thể xuất phát chậm hơn nhưng chắc chắn sẽ tiến xa hơn - Ảnh 2.

Tôi trở về vạch xuất phát với con số 0 tròn trĩnh. Nhưng thay vì trở thành một kẻ vô công rồi nghề, tôi trở nên năng động hơn bao giờ hết. Nếu bạn đang ở trong tình huống tương tự, hãy lấy lại tinh thần bởi tôi sẽ tiết lộ cho bạn 5 lợi thế của người có xuất phát điểm chậm hơn kẻ khác:

Bạn trở nên nhân từ hơn với chính mình

Bạn không thể đạt được thứ gì hết nếu trở thành kẻ thù lớn nhất của chính mình. Đây là nền tảng gây dựng mọi câu chuyện khác. Có thể bạn là kẻ cầu toàn với mọi thứ, cũng có thể bạn luôn coi mình là kẻ thất bại từ khi chưa bắt đầu bởi công việc đó chỉ đơn giản không là thứ bạn thích.

Tôi biết điều này rất khó khăn nhưng chấp nhận mình đang ở vạch xuất phát là điều cơ bản nhất để phát triển bản thân. Tin tôi đi, khi mới bắt đầu viết lách, tất cả những gì tôi làm là viết, vứt bản thảo vào sọt rác và không ngừng nguyền rủa bản thân là kẻ bất tài, vô dụng.

Trong những lúc như vậy, thật khó để không ghét bản thân mình. Nhưng nếu có bài học gì bạn cần ghi nhớ từ việc này thì đó là hãy kiên nhẫn. Đừng quay lưng với chính mình!

Học cách học hỏi

Bạn trở nên năng động hơn bằng cách hiểu rõ nhu cầu, giới hạn cũng như năng lực bản thân. Một số người đơn giản tin là những điều này vượt ngoài tầm với của họ. Họ thích học Photoshop, thích viết code nhưng có gì đó đã ngăn họ làm vậy. Cảm giác bất an đi kèm với thiếu định hướng là những yếu tố lý giải cho việc họ chẳng dám dấn thân vào cái mới.

Ngày nay chẳng thiếu gì nguồn để học kỹ năng mới. Hãy nhớ rằng, tự tìm tòi, biến kiến thức thành tài sản của mình, hiểu tường tận tại sao bản thân cần nó và vận dụng nó vào thực tế, đó mới chính là cách học chủ động.

Bạn trở nên cởi mở hơn

Tất nhiên, bạn cần nhận xét – đánh giá để phát triển. Đón nhận ý kiến của người khác chưa bao giờ là dễ dàng bởi sự bất an, tự ti rằng có lẽ mình làm chưa đủ tốt, mình không bằng người ta luôn chờ chực để xâm chiếm trí óc mỗi người. Mỗi khi cảm thấy bất an, chúng ta có xu hướng tiêu cực hóa mọi thứ. Chỉ một chút đố kị, tự ti cũng có thể làm chúng ta chệch hướng hoàn toàn khỏi những dự định ban đầu.

Nhưng, muốn hoàn thiện, bạn cần học cách tiếp nhận phê bình. Ý kiến của người khác giúp chúng ta biết bản thân mình đang ở đâu. Dần dà, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và được truyền cảm hứng bởi chính thành công của người khác. Đây cũng là một cách tuyệt vời để tạo dựng quan hệ, học hỏi từ chính những người xung quanh.

Bạn sẽ bước ra khỏi vùng an toàn

Đừng e sợ khi thấy nhiều người khác tiến quá nhanh: Chọn đúng lối đi của mình, bạn có thể xuất phát chậm hơn nhưng chắc chắn sẽ tiến xa hơn - Ảnh 3.

Chán ghét thứ gì à? Đơn giản là từ bỏ nó rồi bước khỏi vùng an toàn thôi.

Bạn càng thuần thục kỹ năng mới, sự tự tin ngày một tăng lên, bạn sẽ càng dũng cảm đương đầu thử thách cũng như kiên định hơn với con đường mình đã chọn. Hiện tại, tôi đang học thiết kế đồ họa – một ngành nghe chẳng liên quan gì đến công việc, kinh nghiệm từ trước đến giờ tôi có.

Nếu bạn hỏi tôi dấn thân vào một đam mê mới có khó không thì tôi sẽ không ngần ngại khẳng định là có. Rất khó là đằng khác. Đôi khi tôi chỉ muốn bứt từng cọng tóc rồi vứt chiếc máy tính vào sọt rác vì mọi thứ sao mà phức tạp quá. Tôi cũng từng lo sợ rằng đây không phải lựa chọn đúng đắn.

Nhưng thành thực mà nói, tôi đang tận hưởng từng giây từng phút đắm chìm với đam mê mới này.

Bạn sẽ biết mình thực sự là ai

Trở về vạch xuất phát, chấp nhận đi chậm hơn người khác cũng đồng nghĩa với chấp nhận những xáo trộn, vỡ mộng, đối mặt với khó khăn, đôi khi là sự từ bỏ. Nhưng bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì ít nhất, bạn không đầu hàng trước số phận. Đó chính là sự phát triển.

Đừng có hỏi những câu "Lỡ như mình thất bại thì sao", "Lỡ như mình sai đường thì sao". Chẳng có nghĩa lý gì khi bắt đầu một câu hỏi với "Lỡ như". Chẳng ai dám khẳng định kỹ năng viết lách không giúp ích một chút nào cho lập trình. Chẳng ai nói lòng tốt, sự tò mò, cởi mở, kiên định là vô bổ cả.

Thôi thì hãy dám trở về vạch xuất phát bởi biết đâu đấy, xuất phát điểm mới sẽ đem lại cho bạn một vị trí cao hơn ở vạch đích bạn vẫn đang mơ tưởng thì sao?

Minh An

Theascent

Trở lên trên