MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng ôm mộng tìm kiếm công việc mơ ước nữa vì bạn sẽ đều phải trải qua 4 giai đoạn này mà thôi

05-09-2017 - 23:15 PM | Sống

Hầu hết mọi người luôn cảm thấy stress và mệt mỏi với công việc hiện tại. Để lý giải cho tình trạng này, bản thân mỗi người chúng ta lại tự đưa ra vô vàn những lý do khác nhau. Bởi chúng ta đều khao khát tìm kiếm một công việc mơ ước và phù hợp nhất với bản thân. Tuy nhiên, đối với bất kì một công việc nào bạn cũng sẽ đều phải trải qua 4 giai đoạn khó khăn để cảm thấy hài lòng và gắn bó với công việc.

Giai đoạn 1: Suy nghĩ từ bỏ công việc hiện tại luôn thường trực

Tâm lý phổ biến của chúng ta là khi cảm thấy không hài lòng với công việc, đồng nghiệp hay nhà quản lý sẽ đều có xu hướng thôi thúc bản thân tạo ra một sự thay đổi lớn. Đó chính là việc từ bỏ công việc hiện tại để tìm kiếm công việc mơ ước và một môi trường làm việc thoải mái hơn.

Tuy nhiên, khi bắt đầu một công việc mới, giai đoạn đầu luôn là giai đoạn khó khăn nhất ngay cả khi bạn tìm được công việc mà bản thân cho là mơ ước. Trong giai đoạn này, bạn sẽ phải thay đổi môi trường làm việc, đồng nghiệp, cách thức làm việc và thậm chí thói quen hàng ngày. Vì vậy, sau một vài ngày làm việc, có thể bạn sẽ nghĩ rằng công việc hiện tại vẫn chưa phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, ức chế và muốn từ bỏ công việc ngay lập tức.

Nguyên nhân là do trong bất kì hoàn cảnh mới nào, bạn cũng sẽ phải buộc bản thân thay đổi và thích nghi với điều kiện đó. Và chính những điều này sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và nản lòng. Đây cũng chính là giai đoạn bạn muốn hét thật to rằng: “Hãy mang tôi ra khỏi nơi này ngay lập tức!”.

Giai đoạn 2: Tìm thấy một số điểm yêu thích của công việc hiện tại

Sau khi làm quen với công việc và môi trường mới, bạn sẽ chợt nhận ra rằng nó không quá tồi tệ và khó khăn như giai đoạn đầu bạn đã phải trải qua. Đây cũng chính là lúc sự kiên nhẫn và khả năng phát triển của bạn được khơi dậy để sáng tạo và cống hiến nhiều hơn. Tại thời điểm này, bạn sẽ bắt đầu nhận ra một số điểm yêu thích trong công việc và có sự so sánh giữa công việc hiện tại và trước đây.

Bên cạnh đó, bạn vẫn sẽ phải đối mặt với một số khó khăn trong công việc. Tuy nhiên, suy nghĩ muốn từ bỏ công việc ngay lập tức sẽ bắt đầu lắng xuống và bạn đang dần hòa nhập vào công việc và nhịp sống mới.

Giai đoạn 3: Đánh giá thực chất công việc hiện tại của bạn

Sau khi đã trải nghiệm và hiểu hết công việc và những áp lực mà bản thân sẽ phải trải qua thì bạn sẽ bắt đầu có một cái nhìn đánh giá tổng quan về công việc hiện tại của chính mình. Trong giai đoạn này, bạn vẫn sẽ bị mắc kẹt trong những áp lực và sự khó chịu của công việc. Tuy nhiên, bạn sẽ kiểm soát được suy nghĩ, những việc mà bản thân đang làm và thận trọng hơn trong các mối quan hệ với đồng nghiệp và nhà quản lý.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, bạn sẽ đánh giá trung thực về công việc hiện tại trong rất nhiều mặt về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội phát triển và thăng tiến và lợi ích để gắn bó lâu dài. Sự cân nhắc và đắn đo sẽ giúp bạn đưa ra quyết định cuối cùng nên ở lại làm việc hay tiếp tục tìm kiếm công việc mơ ước.

Giai đoạn 4: Quyết định vượt qua khó khăn để tồn tại hay từ bỏ để tìm kiếm một mục tiêu mới

Đây chính là giai đoạn cuối cùng khi bạn đã gắn bó một khoảng thời gian khá dài với công việc và những người đồng nghiệp xung quanh. Bạn sẽ có sự phân vân giữa việc ở lại, hòa hợp và tiếp tục công việc hay từ bỏ để thử sức mình trong một công việc mới.

Vì vậy, dù quyết định ở lại hoặc từ bỏ để tìm kiếm công việc mới thì bạn cũng nên nhớ rằng, hãy luôn tin tưởng bản thân và lắng nghe chính mình. Đừng chỉ vì những khó khăn trước mắt mà từ bỏ công việc dễ dàng. Bạn hãy cam kết để hướng tới và chinh phục giấc mơ thay vì liên tục trốn tránh nó. Để thực hiện được điều này, bạn nên lập ra một kế hoạch cụ thể và xây dựng các chiến lược thành công theo từng giai đoạn. Hãy cố gắng để hoàn thành tốt công việc của bạn để biến nó trở thành công việc mơ ước thực sự của bản thân.

Nguyễn Linh

CNBC

Trở lên trên