MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng sợ quá khứ chưa làm được, mà ta có dám làm hay không

Trải qua 30 năm lắp ráp gia công, đến nay chúng ta cần tuyên bố rõ ràng về chiến lược "Make in Vietnam" để truyền cảm hứng cho các DN, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Khát vọng doanh nhân Việt

Cụm từ " Make in Vietnam " lần đầu tiên được làm rõ và nhấn mạnh tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển DN công nghệ Việt Nam. Theo cắt nghĩa của Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, "Make in Vietnam" mang nội hàm sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam.

Cụ thể, các DN công nghệ sẽ dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam. Rồi từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu. Trong tiến trình này, DN sẽ làm chủ toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ và phát triển công nghệ, không chỉ sử dụng trong nước mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.

Từ lâu, nhiều DN Việt đã có khát vọng làm chủ công nghệ, tự sáng tạo và thiết kế, tạo ra những sản phẩm tại Việt Nam nhưng mang tầm thế giới, cạnh tranh với những thương hiệu tên tuổi toàn cầu.

Đừng sợ quá khứ chưa làm được, mà ta có dám làm hay không - Ảnh 1.
 Với nguồn lực của mình, người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những thứ tốt nhất như thế giới đang có

Một đất nước có nền công nghiệp từng bị chế giễu là “không sản xuất nổi một con ốc vít đúng nghĩa” lại có những DN muốn sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nghe cũng có vẻ... hoang đường. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những DN làm được được thế giới công nhân.

Khi bắt tay chế tạo máy thông tin quân sự, các kỹ sư Tập đoàn Viettel còn mơ hồ về nguyên lý để làm ra vỏ máy, chưa nói đến thiết kế phần cứng, rồi nguồn linh kiện,... nhưng họ không nhìn vào quá khứ chưa ai làm được ở Việt Nam. Chỉ sau 8 tháng, chiếc máy thông tin quân sự đầu tiên ra đời. Đến nay, Viettel đã sản xuất được 8 loại máy thông tin quân sự khác nhau với công nghệ ở thế hệ thứ 4, chỉ kém một thế hệ so với loại máy tiên tiến nhất thế giới. Điều quan trọng là những kỹ sư Viettel làm chủ về công nghệ, cả phần cứng và phần mềm của thiết bị.

Cùng với sự khởi đầu đó, Viettel còn triển khai nhiều dự án sản xuất khí tài quân sự quan trọng khác và cũng đạt được những thành công rất khó tin, như: hệ thống radar cảnh giới phòng không và cảnh giới biển, hệ thống cảnh giới vùng trời VQ1-M, máy bay không người lái và cả những vũ khí phòng không công nghệ cao tối tân khác,...

Năm 2017, khí tài phòng không hiện đại “Made by Viettel” còn được xuất khẩu, đưa Việt Nam vào danh sách một trong 9 quốc gia trên thế giới sản xuất thành công thiết bị quân sự hiện đại có thể xuất ngoại.

Khát vọng của những kỹ sư Viettel là muốn tạo nên một mạng 5G, do người Việt hoàn toàn làm chủ, từ khâu nghiên cứu - thiết kế - chế tạo, với quy trình bảo mật tuyệt đối.

Dám làm hay không?

CEO của BKAV, ông Nguyễn Tử Quảng, luôn khẳng định, với nguồn lực của mình người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những thứ tốt nhất như thế giới đang có. “Tất cả đều phụ thuộc vào chính mình, chỉ có điều, có dám làm hay không mà thôi”.

“Khó khăn nhất đeo đẳng chúng ta đến tận bây giờ chính là định kiến. Chúng tôi đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích và cách nhìn tiêu cực về sản phẩm smartphone đầu tiên sản xuất trong nước. Người dùng luôn thiếu niềm tin về chất lượng sản phẩm, thậm chí nghi ngờ cả sự trung thực, chất xám và trình độ của kỹ sư Việt Nam”, ông Quảng nói.

Đừng sợ quá khứ chưa làm được, mà ta có dám làm hay không - Ảnh 2.
Ngành công nghệ Việt Nam rất có tương lai bởi các nền tảng quan trọng nhất đã được xây dựng và định hình

Trước đó, người Việt chỉ sử dụng điện thoại của nước ngoài và đó là những chiếc điện thoại tốt. Trong khi Việt Nam chưa có truyền thống làm sản phẩm công nghệ, nhất là điện thoại thông minh. Vì vậy, chỉ cần nghe đến thôi là người ta đã thấy khó tin, cho là không thể làm được.

Nhưng câu chuyện về thương hiệu Huawei là một ví dụ. Cách đây vài năm, không mấy ai biết đến cái tên Huawei nhưng hiện tại, đây là thương hiệu hàng đầu Trung Quốc, làm chủ công nghệ và chiếm lĩnh thị trường nội địa. Những thương hiệu như Samsung, Apple mất dần thị phần tại Trung Quốc và thậm chí trên thị trường thế giới, còn Huawei dần tiến lên đánh bại Apple để giành vị trí á quân.

“Chuyện này hoàn toàn có thể diễn ra ở Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến xu hướng các sản phẩm công nghệ dịch chuyển từ Mỹ sang châu Âu, sang Nhật Bản, rồi Hàn Quốc và giờ đến Trung Quốc. Tiếp theo sẽ diễn ra bao gồm cả Việt Nam”, vị lãnh đạo BKAV tự tin.

CEO Nguyễn Hữu Thái Hòa Tiềm năng của ngành công nghệ rất lớn bởi vòng đời ngắn, chỉ từ 18-36 tháng cho một chu kỳ khép kín từ R&D đến Service và gia công. Vì vậy, những quốc gia đi sau sẽ có lợi thế, nếu chưa bị “kẹt” vào những đầu tư lớn cho công nghệ lỗi thời. Ngành công nghệ Việt Nam rất có tương lai bởi các nền tảng quan trọng nhất đã được xây dựng và định hình cho Start-up phát triển, chẳng hạn như mạng Internet 4G hiện nay và sắp tới là 5G.


Nói về “Make in Vietnam”, CEO Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng, dùng động từ “Make” là muốn đẩy ý tưởng nắm cả chuỗi giá trị về nội địa hóa, càng làm nhiều càng tốt tại một quốc gia, chứ không phải là chỉ gia công.Về quá trình tạo ra điện thoại Bphone, ông Quảng cho hay cách làm cũng giống như Samsung và Apple, nhưng tất cả là do đội ngũ kỹ sư của người Việt Nam làm. Theo ông Quảng, “Make in Vietnam” nhấn mạnh việc người Việt làm chủ công nghệ là để vươn tầm thế giới. Chỉ khi nào làm chủ được công nghệ thì một quốc gia mới có thể phát triển và trở nên tiên tiến.

Ông Hòa dẫn chứng, từ năm 2014, Ấn Độ đã đưa ra chiến lược “Make in India”, để thúc đẩy ngành công nghệ thông tin đi lên. Những tập đoàn lớn về công nghệ của Ấn Độ khi đó đã đủ vị thế để nắm vai trò trong chuỗi giá trị. Năm 2018 tổng kết lại, chiến lược “Make in India” đã rất thành công, góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ đi lên.

Cũng theo CEO Nguyễn Hữu Thái Hòa, một quốc gia vươn lên hiện nay được xem xét dựa trên những chuỗi giá trị, từ nghiên cứu sản phẩm (R&D) tới tiếp cận thị trường (Service) và gia công. Tỷ lệ này theo thống kê R&D chiếm 40%, service chiếm 30-35%, còn gia công chỉ chiếm từ 15-20%. Vì vậy, để trở thành quốc gia phát triển thì không thể nào dựa vào mỗi gia công. Phải làm chủ công nghệ, phải sáng tạo và thiết kế ra sản phẩm.

Tuy nhiên, không chỉ có tung hô. Trước hết, chúng ta phải “thoát ta” đã. “Thoát ta” ở đây nghĩa là thoát ra khỏi những tư duy ấu trĩ, quản trị kiểu làng xã. Tức là phải hướng tới tư duy quản trị kiểu mới trong thời đại 4.0 và dám đi vào số hóa. Cùng với đó phải xóa bỏ thành kiến tiêu cực, thiếu tự tin, cứ nghĩ người Việt không thể làm ra cái gì tốt ngang tầm thế giới, CEO Nguyễn Hữu Thái Hòa nói.

Theo Trần Thủy

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên