Dùng tiền mua 'danh phận' chưa bao giờ lại ‘hot’ đến thế, người giàu 'đổ xô' săn lùng, vượt bao khó khăn mới có được 'vé'
Từ châu Âu đến vùng biển Caribe, có 11 quốc gia mà người nước ngoài có thể dễ dàng mua được quốc tịch chỉ từ vài trăm nghìn USD.
- 26-12-2022Tiết lộ thời điểm Trung Quốc có thể đạt đỉnh dịch COVID-19
- 26-12-2022Tesla thấm đòn khi nhu cầu xe điện Mỹ suy giảm, bị thổi phồng nhờ những lời hứa của Elon Musk
- 24-12-2022Một triệu phú tự thân ‘hé lộ’ bí quyết duy nhất để thành công: 90% người trẻ làm điều này rất tệ
Việc mua hộ chiếu để nhập tịch ở một số quốc gia là hoàn toàn hợp pháp. Đây được gọi là “hộ chiếu vàng”, với mức giá giao động từ 100.000 USD đến 9,5 triệu USD tùy quốc gia.
Sở hữu quốc tịch thứ hai “kiểu mới” là phương pháp “nhập quốc tịch diện đầu tư (CIP)”. Nghĩa là các cá nhân có thể nhận quốc tịch hoặc cư trú bằng việc rót vốn đầu tư vào đất nước đó.
Nhiều nhà tỷ phú xem việc này như một chính sách bảo hiểm. Hiện nay, có rất nhiều doanh nhân công nghệ, người nổi tiếng hay các cá nhân giàu có “tìm đến tấm hộ chiếu vàng”. Nguyên nhân thường do dịch bệnh Covid, biến đổi khí hậu, tiền điện tử và xung đột.
Theo thống kê, số người Mỹ siêu giàu muốn mua quốc tịch ở các quốc gia khác đã tăng vọt 300% kể từ năm 2019.
Dưới đây là 11 quốc gia có chính sách “đầu tư lấy quốc tịch”
1. Áo: yêu cầu đầu tư tối thiểu khoảng 9,5 triệu USD
Dù nhiều cá nhân giàu có có khả năng chi trả hàng triệu USD nhưng chương trình “đầu tư có quốc tịch” tại Áo diễn ra vô cùng cẩn thận và có chọn lọc.
Theo Điều 10, mục 6 của Đạo luật Quốc tịch Áo, chính phủ Áo có thể trao quyền công dân cho người nước ngoài nếu họ có "công lao lớn” và đóng góp đáng kể cho nhà nước, bao gồm các lĩnh vực như khoa học, văn hóa hoặc kinh tế.
Những người muốn xin “hộ chiếu vàng” ở đây có thể thành lập doanh nghiệp tại Áo, tạo việc làm hoặc giới thiệu công nghệ mới. Theo báo cáo của Forbes, số tiền đầu tư ước tính cần 9,5 triệu USD để lấy được tấm vé nhập tịch tại quốc gia này. Những người đầu tư sẽ được giữ bí mật danh tính.
2. Quốc đảo Antigua và Barbuda: yêu cầu đầu tư tối thiểu 100.000 USD
Theo thông tin từ chính phủ, có bốn cách để đủ điều kiện trở thành công dân của quốc đảo Antigua và Barbuda theo diện đầu tư.
Lựa chọn tiết kiệm nhất là quyên góp 100.000 USD cho Quỹ phát triển quốc gia của đất nước. Ngoài ra, ứng viên có thể quyên góp 150.000 USD cho đại học West Indies.
Phương án thứ ba là đầu tư vào các loại bất động sản được chính phủ cấp phép với mức giá ít nhất là 400.000 USD, cùng phí xử lý là 30.000 USD.
Lựa chọn cuối cùng và tốn kém nhất là đầu tư ít nhất 1,5 triệu USD vào một doanh nghiệp của quốc đảo, cùng với khoản phí 30.000 USD.
3. Dominica: yêu cầu đầu tư tối thiểu 100.000 USD
Theo Chính phủ cộng hòa Dominica, có hai cách để trở thành công dân của hòn đảo này theo chương trình đầu tư.
Đầu tiên là quyên góp 100.000 USD cho Quỹ phát triển kinh tế của hòn đảo. Thứ hai là đầu tư bất động sản có giá 200.000 USD cho một dự án được chính phủ phê duyệt.
4. Grenada: yêu cầu đầu tư tối thiểu 150.000 USD
Grenada là một đảo quốc ở Tây Ấn. Để nhập tịch, các cá nhân có hai sự lựa chọn. Một là đóng góp 150.000 USD cho Quỹ Chuyển đổi Quốc gia - quỹ tài trợ cho các dự án đa lĩnh vực bao gồm du lịch, nông nghiệp và năng lượng thay thế. Hai là mua một bất động sản trị giá ít nhất 220.000 USD và không được bán trong vòng bốn năm.
5. Saint Christopher và Nevis: yêu cầu quyên góp 150.000 USD
Liên bang Saint Christopher và Nevis là quốc đảo nằm trong quần đảo Leeward trong vùng biển Caribbean, thuộc khu vực West Indies. Đây là quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất tại Tây Bán cầu, cả về diện tích lẫn dân số.
Để có quốc tịch tại đây, các cá nhân có thể quyên góp 150.000 USD cho Quỹ tăng trưởng bền vững. Quỹ được thành lập vào năm 2018 nhằm thúc đẩy tăng trưởng của các lĩnh vực khác nhau bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, năng lượng thay thế, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như đẩy mạnh tinh thần kinh doanh nội địa.
Ngoài ra, người nộp đơn có thể chọn phương án khác là đóng góp 175.000 USD cho chương trình “dự án đầu tư thay thế”. Lựa chọn cuối cùng là đầu tư vào một dự án bất động sản được cấp phép với trị giá ít nhất là 200.000 USD.
6. Saint Lucia: yêu cầu quyên góp 100.000 USD
St. Lucia là một đảo quốc nằm trong lòng Đại Tây Dương, ở phía đông vùng biển Caribe. Đảo quốc này cung cấp bốn lựa chọn đầu tư khác nhau để đổi lấy quốc tịch.
Lựa chọn tiết kiệm nhất là quyên góp 100.000 USD cho Quỹ kinh tế quốc gia. Những người nộp đơn có sở thích đầu tư bất động sản có thể mua bất động sản trị giá ít nhất 300.000 USD và cam kết không được bán trong 5 năm.
Ngoài ra, các cá nhân cũng có thể đầu tư tối thiểu 3,5 triệu USD vào một dự án doanh nghiệp được cấp phép, đa dạng lĩnh vực từ nhà hàng, cảng du lịch đến trường đại học hoặc cơ sở hạ tầng giao thông. Đặc biệt, các dự án bắt buộc phải tạo ra ít nhất ba loại hình công việc lâu dài cho người dân địa phương.
Lựa chọn cuối cùng là đầu tư tối thiểu 500.000 USD vào trái phiếu chính phủ, hiện đang được chiết khấu 50% theo chương trình hỗ trợ COVID-19.
7. Jordan: Yêu cầu đầu tư tối thiểu 750.000 USD
Jordan có tên đầy đủ là Hashemite Jordan, một vương quốc Ả Rập tại Tây Nam Á. Quốc gia này cung cấp ba lựa chọn nhập tịch cho các cá nhân “giàu có”.
Lựa chọn rẻ nhất là đầu tư 750.000 USD vào dự án bất kỳ có khả năng tạo ra ít nhất 10 loại công việc cụ thể tại địa phương cho cộng đồng dân cư ở phía ngoài thủ đô Amman. Đối với các dự án trong thủ đô, mức đầu tư tối thiểu là 1 triệu USD.
Các lựa chọn đầu tư khác bao gồm gửi 1 triệu USD vào Ngân hàng Trung ương Jordan (CBJ) trong tối thiểu ba năm hoặc mua 1 triệu USD trái phiếu kho bạc và giữ chúng trong sáu năm.
Lựa chọn cuối cùng là mua cổ phần của một công ty có trụ sở tại Jordan trị giá ít nhất 1,5 triệu USD.
8. Malta: yêu cầu đầu tư 738.000€ đến 888.000€
Cộng hòa Malta là thành viên của Liên minh châu Âu. Chương trình thẩm định để xin cấp hộ chiếu dạng đầu tư tại quốc gia này là một trong những quá trình nghiêm ngặt nhất thế giới.
Theo công ty PwC, để đủ điều kiện xin cấp quốc tịch, cá nhân phải đáp ứng bốn yêu cầu: mua bất động sản nhà ở trị giá ít nhất 700,000€; đóng góp một khoản tiền bổ sung có giá từ 600.000€ đến 750.000€, quyên góp 10.000€ cho một tổ chức phi chính phủ hợp pháp hoặc làm từ thiện cho xã hội và phải sống ở Malta từ 1-3 năm theo hợp đồng thuê nhà có giá thấp nhất là 16.000€/ năm.
9. Montenegro: yêu cầu khoản đầu tư tối thiểu 250.000€ và khoản đóng góp 200.000€
Theo trang web chính thức của chính phủ, Montenegro liệt kê hai lựa chọn để áp dụng cho chương trình đầu tư lấy quốc tịch, thay đổi tùy theo khu vực địa lý được đầu tư.
Ứng viên có thể đầu tư 450.000€ vào các dự án ở Podgorica, thủ đô của đất nước hoặc 250.000€ vào các dự án tập trung vào các khu vực bên ngoài thủ đô. Chính phủ cũng yêu cầu thêm một khoản phí 200.000€ để quyên góp cho các quỹ phát triển và đổi mới của Montenegro.
10. Nước Cộng hòa Bắc Macedonia: yêu cầu đầu tư tối thiểu 200.000€
Theo Henley & Partners, có hai lựa chọn để “mua” quyền công dân ở Bắc Macedonia: Một là đầu tư 200.000€ vào quỹ đầu tư tư nhân. Hai là đầu tư 400.000€ vào các “cơ sở vật chất mới” (không bao gồm nhà hàng hoặc trung tâm mua sắm) và tạo ra ít nhất 10 nghề nghiệp tại địa phương.
11. Thổ Nhĩ Kỳ: yêu cầu đầu tư tối thiểu 400.000 USD
Một trong những chương trình đổi đầu tư lấy quốc tịch phổ biến gần đây là của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo trang web chính thức của chính phủ, lựa chọn tiết kiệm nhất trong số bảy lựa chọn đầu tư khác nhau của đất nước này là mua bất động sản trị giá 400.000 USD.
Nhịp sống thị trường