Đừng tìm kiếm đâu xa, nơi bạn đang ở chính là mảnh đất lý tưởng nhất: Chuyện bạn cần làm là sống tập trung cho hiện tại, hết mình với vai trò được giao là đủ để hạnh phúc rồi
Hạnh phúc đến từ chính bên trong mỗi người.
- 27-02-2019Tiền nhiều mua được hạnh phúc không và đây là câu trả lời của Bill Gates
- 27-02-2019Sống chậm lại chưa hẳn sẽ hạnh phúc: Hãy cứ tất bật, vội vã rồi những điều tốt đẹp nhất sẽ đến bên bạn
- 26-02-2019Giàu sang chưa chắc đã song hành với hạnh phúc, người thành công cũng có những mệt mỏi, chán nản trong cuộc sống: Đây là lý do vì sao "người giàu cũng khóc"
Tại sao cuộc đời chúng ta lại không toàn vẹn?
Trong thế giới của thiền, người ta rất không thích những thứ hoàn thiện. Bởi hoàn thiện cũng có nghĩa là “kết thúc”. Và ở đó, ta không còn tìm thấy cái đẹp thực sự nữa. Ngược lại, những thứ không toàn diện có nghĩa là nó chưa kết thúc, và vẫn còn tiếp diễn nữa. Chính những điều dở dang đó lại đang chứa đựng những vẻ đẹp thực sự ta muốn tìm.
Quá trình tu thiền cũng không có điểm kết thúc. Theo cách nghĩ đó thì không có điểm kết thúc nào cho việc tu hành này cả. Dù cho sinh mệnh của người tu thiền có kết thúc thì bản thân quá trình tu hành đó vẫn chưa ngừng lại. Họ chỉ chuyển đến một thế giới khác và tiếp tục tu hành mà thôi.
Và cuộc đời con người phải chăng cũng giống như vậy. Nếu hỏi liệu có người nào hoàn hảo không, có người nào toàn diện không thì chắc hẳn câu trả lời là không rồi.
Con người vẫn luôn tìm cầu sự hoàn hảo. Trong công việc thì nỗ lực đạt đến mức độ hoàn hảo là lẽ tất nhiên. Các doanh nhân phải có sự tính toán toàn diện thì nhân việc trong công ty mới có thể yên tâm làm việc được.
Thế nhưng, vẫn có những thứ chẳng bao giờ hoàn mỹ.
Ví dụ như những con người hoàn mỹ, những gia tộc hoàn hảo… Càng theo đuổi sự hoàn mỹ không bao giờ tồn tại thì cuối cùng ta càng chỉ nhìn thấy khuyết điểm mà thôi.
“Nếu chồng mình có thu nhập cao hơn thì vợ chồng mình đã mỹ mãn hơn rồi”, “Giá mà con nó không trượt trong kỳ thi vừa rồi thì mọi chuyện đã hoàn hảo”… Những nguyện vọng như vậy hầu hết đều có ở những gia đình đầy đủ, cuộc sống vẹn toàn. Thế nhưng, càng để tâm đến những điều đó thì càng nhận lại những kết quả dở dang mà thôi.
Cuộc đời con người chính là vì chưa toàn vẹn nên những bước tiến của chúng ta mới có giá trị, chúng ta mới có thể nỗ lực tiến về phía trước để đến gần hơn với mục tiêu của mình. Thế nhưng chúng ta mới chỉ đến gần hơn mà thôi, và rồi chúng ta lại tiếp tục bước tiếp trên chặng đường của chính mình. Những ngày tháng thực hiện hành trình ấy là đời người, là niềm vui sống của mỗi chúng ta.
Người ta hay ví đời người như một cuộc chạy marathon. Và quả đúng là như vậy, đó là một cuộc thi marathon không có đích đến.
Không có khung thành nào cho đời người cả.
Đó là quá trình tiếp nối những ngày tháng còn dang dở...
Thôi tìm kiếm những nơi “không phải chỗ này”
“Đây không phải là chỗ dành cho tôi”, “Chắc chắn có nơi khác giúp mình tỏa sáng hơn nữa”…
Ngày càng có nhiều người trong xã hội hiện nay đang ôm những nỗi bất mãn như thế. Lấy ví dụ trong công việc, có nhiều người hay than thở rằng: “Công việc này khác với việc mà tôi muốn làm”, “Nếu được vào bộ phận như mong muốn, mình chắc chắn sẽ được phát huy hết khả năng”… Hay có những người chọn buông tay khỏi công việc sau khi sinh con.
Nhưng họ lại hay than phiền rằng: “Nếu chồng mình chịu san sẻ thời gian chăm con thì mình đã có thể tiếp tục công việc rồi”, “Suốt ngày chỉ chăm con với làm việc nhà, cuộc sống của tôi ngày càng nhạt nhẽo”…
Chắc hẳn ai cũng từng vẽ ra một mảnh đất thần tiên của riêng mình. Nếu có thể thực sự đến được nơi đó, ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn nhiều. Và mỗi khi nghĩ đến thế giới trong mơ ấy, bất chợt ta lại coi nhẹ những khoảng thời gian quý báu hiện tại.
Có một câu thiền ngữ là: “Nhân gian đáo xứ hữu thanh sơn” (Đời người nơi nào chẳng là núi xanh). “Núi xanh” trong câu này là chỉ phần mộ nơi người đó an nghỉ. Cả câu này có nghĩa là, đối với một người thì điều khiến anh ta thỏa mãn, hạnh phúc nhất chính là “mảnh đất lý tưởng” mà chính anh ta vẽ nên.
Con người từ xưa vẫn luôn đi tìm một mảnh “núi xanh” cho chính mình. Vậy, mảnh núi xanh ấy rốt cuộc nằm ở nơi nào? Câu nói trên chính là lời đáp cho câu hỏi ấy.
Vùng đất lý tưởng của chúng ta thực tế chính là nơi chúng ta đang sinh sống.
Mảnh đất nơi bạn đang sống đấy chính là núi xanh của chúng ta, và khi chuyển đến một vùng đất mới thì vùng đất mới ấy lại trở thành núi xanh của chúng ta. Điều quan trọng là ta có thể sống hết mình trên mảnh đất ấy hay không, có hoàn thành vai trò mà mình được giao hay không.
Có thể bạn sẽ sống mãi ở một nơi, cũng có thể bạn sẽ chuyển đi nơi khác. Thế nhưng, đừng bận tâm đến chuyện đó. Chuyện của bạn chỉ là tập trung sống cho hiện tại mà thôi.
“Một nơi nào đó không phải chỗ này” thực ra lại nằm trong chính con người bạn.
Mảnh đất lý tưởng có lẽ chính là nơi bạn đang sống!
*Trích từ cuốn sách Sống đơn giản cho mình thanh thản, tác giả Shunmyo Masuno.