MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đứng trước nguy cơ phải hứng chịu lệnh trừng phạt giống Huawei, Apple liệu có kế hoạch B để "sống sót" ở Trung Quốc?

05-06-2019 - 15:54 PM | Tài chính quốc tế

Cho đến nay, Apple vẫn an toàn trước đòn thuế quan từ ông Trump và thậm chí còn nhận được sự ủng hộ của ông chủ Huawei. Thế nhưng, liệu "quả táo" còn có thể trụ vững ở Trung Quốc khi chiến tranh thương mại ngày càng nóng lên?

Rất lâu trước khi Tim Cook trở thành "ông chủ" của Apple, khi công việc của ông vẫn là cắt giảm tối đa chi phí của chuỗi cung ứng của công ty, ông đã nhận ra vấn đề với một nhà cung ứng ở Trung Quốc. Ông nói với các nhân viên: "Điều này thực sự tồi tệ. Chắc hẳn là ai đó ở Trung Quốc đã làm điều này." 13 phút sau, ông thấy một trong những giám đốc điều hành đang ngồi ở bàn. Ông hỏi: "Sao bây giờ anh vẫn còn ở đây?". Vị giám đốc này lập tức đứng dậy, lái xe một mạch đến sân bay San Francisco và mua vé máy bay bay tới Trung Quốc.

Câu chuyện này, được kể lại trong cuối tiểu sử Steve Jobs do Walter Isaacson viết, là một trong số ít những mẩu chuyện được phát hành mang đến cái nhìn sâu sắc về phong cách quản lý của Cook. Trong khi Steve Jobs là một thiên tài khó hiểu đứng sau những sản phẩm của Apple, chiếm mọi ánh hào quang thì Tim Cook lại là một người lịch thiệp và kín đáo. Cook là người tìm hiểu chi tiết về những vấn đề ẩn sâu để củng cố mối quan hệ, thúc đẩy sự thành công vượt bậc của Apple: đó là với Trung Quốc.

Trong những ngày tháng Apple còn non trẻ, Jobs muốn sản xuất máy tính Macintosh ở Mỹ. Với quan điểm ám ảnh bởi thương hiệu, ông đã cho xây dựng một nhà máy màu trắng để sản xuất và đeo găng tay trắng để kiểm tra vết bụi bẩn. Khi Cook gia nhập công ty vào năm 1998, ông đã thay đổi toàn bộ điều đó, triển khai công việc ở Alabama một cách nhẹ nhàng hơn và với tinh thần làm việc đáng nể (ông thức dậy từ 4 giờ sáng) để tạo ra chuỗi cung ứng dọc châu Á. Hiện tại, nhãn mác trên tất cả các thiết bị của Apple đều có dòng "Designed by Apple in California. Assembled in China" (Thiết kế bởi Apple ở California. Lắp ráp tại Trung Quốc).

Việc Cook đặt cược vào Trung Quốc đã mang lại lượng khách hàng đông đảo hơn, trong khi trước đây Apple chỉ đặt nhà máy tại quốc gia này. Doanh số bán hàng trong khu vực đã tăng từ mức "không có gì" trong năm 2010 lên 52 tỷ USD vào năm ngoái, tương đương với gần 1/5 doanh thu của Apple. Kể từ cuộc tranh cử của Tổng thống Trump năm 2016, "Tim Apple" đã nhiều lần di chuyển giữa Washington và Bắc Kinh để cố gắng xoa dịu những căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc. Horace Dediu, nhà phân tích công nghệ, nhận định Cook "biết cách định hướng tư duy chính trị."

Đứng trước nguy cơ phải hứng chịu lệnh trừng phạt giống Huawei, Apple liệu có kế hoạch B để sống sót ở Trung Quốc? - Ảnh 1.

Nổi tiếng là một thiên tài về logistic, rất hợp lý để đặt ra câu hỏi rằng tại sao ông lại bỏ qua quy tắc đầu tiên của việc quản lý chuỗi cung ứng: rủi ro của việc giữ quá nhiều trứng trong cùng một giỏ. Ở trường hợp của Cook, cái giỏ đó là Trung Quốc. Căng thẳng thương mại đang ngày càng "nóng" hơn. Nếu cuộc đối đầu này dẫn đến tâm lý "chống Mỹ" dữ dội ở Trung Quốc, thì Apple có thể gặp rắc rối, đặc biệt là Tim Cook.

Kế hoạch "vận động hành lang" của Cook đã giúp Apple né được những đòn thuế quan của ông Trump. Tuy nhiên, cổ phiếu "quả táo" đã giảm gần 12% trong tháng qua. Ngày 1/6, Trung Quốc dự kiến sẽ áp thuế với 60 tỷ USD hàng hoá của Mỹ, bao gồm cả linh kiện cho các thiết bị của Apple. Ông Trump gần đây đã đe doạ mức thuế 25% với hơn 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, nếu các cuộc đàm phán thương mại không tạo ra bước đột phá. Danh sách bị áp thuế có iPhone - nguồn doanh thu lớn nhất của Apple từ trước tới nay. Morgan Stanley ước tính rằng mức giá 999 USD của iPhone Xs có thể tăng thêm 160 USD. Từ đó, Apple có thể giảm giá sản phẩm hoặc chuyển chi phí đó cho người dùng. Dù bằng cách nào thì lợi nhuận cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Một mối đe doạ trong tương lai gần có thể là động thái trả đũa ở Trung Quốc cho việc Mỹ không cho phép các công ty cung cấp dịch vụ và công nghệ cho Huawei. Một người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay các sản phẩm Apple có thể khiến nhiều người khác cũng có xu hướng tương tự. Họ sẽ tìm đến những thương hiệu khác có giá rẻ hơn. 

Đứng trước nguy cơ phải hứng chịu lệnh trừng phạt giống Huawei, Apple liệu có kế hoạch B để sống sót ở Trung Quốc? - Ảnh 2.

Những ý kiến khác cho rằng Apple có thể bù đắp những tổn thất ở Trung Quốc tìm cách thu hút khách hàng ở các quốc gia khác vốn ưa chuộng Huawei, nhưng chỉ có thể thực hiện cách này khi tiếp tục sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc. Dù Apple đã tạm thời sản xuất một số sản phẩm iPhone ở Ấn Độ cho khách hàng địa phương, thì dường họ vẫn rất cần đến Trung Quốc. Theo một bảng đánh giá 200 nhà cung ứng của Apple được thực hiện bởi Nikkei, số lượng nhà cung ứng Trung Quốc (41) đã lần đầu vượt Mỹ (37), dù Apple đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi cung ứng từ Mỹ. 

Gần đây, Trung Quốc đã ban hành dự thảo quy định an ninh mạng, bao gồm những mối đe doạ với chuỗi cung ứng và an ninh quốc gia. Andrew Gilholm của Control Risks, chuyên gia tư vấn, nhận định rằng những quy tắc này có thể được sử dụng làm vũ khí chống lại những công ty ở của Mỹ ở Trung Quốc nếu tình hình xấu đi.

Tuy nhiên, đó là một lựa chọn hạt nhân. Có thể Trung Quốc sẽ không thực hiện trong thời gian này, bởi hậu quả đối với họ sẽ là khá lớn. Nhà phân tích Dediu ước tính Apple mỗi năm đóng góp khoảng 24 tỷ USD cho nền kinh tế Trung Quốc. Khoảng 1,5 triệu người tham gia lắp ráp các sản phẩm của Apple. Hơn 2,5 triệu kỹ sư phần mềm Trung Quốc chế tạo ứng dụng cho hệ điều hành iOS. Bởi vậy, việc Trung Quốc trả đũa Mỹ dường như khó xảy ra. 

Hôm 26/5, chủ tịch của Huawei, Nhậm Chính Phi, cho biết ông sẽ là người đầu tiên phản đối nếu Trung Quốc trừng phạt Apple. Ông nói: "Apple là người thầy của tôi, họ là công ty dẫn đầu. Là một học trò, tại sao lại chống lại người thầy của mình? Tôi không bao giờ làm vậy." Dẫu vậy, suy nghĩ của ông Nhậm có thể sẽ thay đổi. Và Trung Quốc cũng vậy. Dù Huawei tuyên bố có Kế hoạch B để "sống sót" khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen của Mỹ thì Apple dường như lại không có lựa chọn nào khác cho việc lắp ráp tại Trung Quốc. Không nhiều nơi có đủ trình độ chuyên môn để sản xuất những linh kiện cao cấp mà Apple cần. Chuỗi cung ứng hiện tại sẽ phải mất nhiều năm để sắp xếp lại.

Một gợi ý khác cho Apple là phát triển một số sản phẩm thiết yếu khác mà người dùng Trung Quốc cảm thấy họ không thể không có chúng. Dù đã rất thành công trong sự nghiệp, nhưng vị CEO của Apple vẫn chưa giải quyết được việc này. Một cách khác nữa là phát triển những dịch vụ không cần sản xuất ở Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần thông báo về việc ra mắt các nền tảng stream, thanh toán và các dịch vụ khác, thể hiện rằng họ đang rất cố gắng. Họ có thể cho ra mắt một sản phẩm "bom tấn", nhưng không gì có thể thay thế cho iPhone. Cook chắc hẳn đang hy vọng rằng ông không tính toán sai về những rủi ro đối với chuỗi cung ứng phức tạp mà ông từng phát triển.

Hương Giang

Economist

Trở lên trên