MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Home Credit Việt Nam được định giá tới gần 22.000 tỷ - cao gấp đôi, gấp ba vốn hóa nhiều ngân hàng?

01-03-2024 - 11:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng SCB Thái Lan đã mua lại 100% phần vốn góp của Home Credit Việt Nam với giá 800 triệu euro (tức gần 22.000 tỷ đồng). Đây là thương vụ M&A công ty tài chính lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau thỏa thuận mua 49% vốn FE Credit của SMBC với giá trị 1,37 tỷ USD diễn ra vào năm 2021.

Vì sao Home Credit Việt Nam được định giá tới gần 22.000 tỷ - cao gấp đôi, gấp ba vốn hóa nhiều ngân hàng?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngày 28/2/2024, Tập đoàn Home Credit công bố việc ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam ("Home Credit Vietnam") cho bên mua là The Siam Commercial Bank Public Company Limited ("SCB"), thành viên của SCBX Public Company Limited ("SCBX").

Thỏa thuận chuyển nhượng trị giá khoảng 800 triệu euro và quá trình chuyển giao dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025, sau khi có chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Thái Lan. Giá trị chuyển nhượng thực tế sẽ được xác định vào thời điểm hoàn tất giao dịch.

Với 800 triệu euro tức gần 22.000 tỷ đồng, đây là thương vụ M&A công ty tài chính lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau thỏa thuận mua 49% vốn FE Credit của SMBC với giá trị 1,37 tỷ USD diễn ra vào năm 2021.

Mức định giá trên cũng gấp 3 lần vốn chủ của Home Credit và cao hơn nhiều vốn hóa thị trường của nhiều ngân hàng tại Việt Nam như Nam A Bank (17.500 tỷ đồng), Bac A Bank (11.200 tỷ đồng), ABBank (8.700 tỷ đồng), PGBank (6.200 tỷ), NCB (6.200 tỷ), … cho thấy SCBX đặt kỳ vọng rất lớn về tiềm năng phát triển của "ông lớn" ngành tài chính tiều dùng này.

Về phía SCBX, đây là công ty mẹ của SCB – Ngân hàng lớn thứ tư Thái Lan về quy mô tài sản và là một trong những tập đoàn công nghệ tài chính hàng đầu tại xứ sở Chùa Vàng.

Home Credit có gì hấp dẫn?

Là một trong những công ty tài chính có vốn đầu tư nước ngoài ra đời sớm nhất tại Việt Nam, Công ty tài chính TNHH Một thành viên Home Credit Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 550 tỷ đồng.

Đến tháng 9/2022, vốn điều lệ của công ty tài chính này được tăng mạnh từ mức 550 tỷ đồng lên 2.050 tỷ đồng. Toàn bộ vốn góp của Home Credit thuộc sở hữu của PPF Group – tập đoàn do gia đình tỷ phú người Séc quá cố Petr Kellner điều hành.

Báo cáo phân tích năm 2018 của Fiin Rating xếp Home Credit vào nhóm các công ty tài chính tiêu dùng "thận trọng" khi luôn duy trì tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và biên lợi nhuận ròng ở mức cao, trong khi tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với mặt bằng chung (khoảng 4% năm 2018). Số liệu nợ xấu của Home Credit không được công ty hoặc các tổ chức khác công bố thêm sau này.

Theo website chính thức của Home Credit Việt Nam, công ty đang có khoảng 6.000 nhân viên và phục vụ 12 triệu khách hàng. Các dịch vụ của công ty bao gồm cung cấp các khoản vay tiền mặt cũng như các khoản vay trả góp để mua xe máy và hàng tiêu dùng. Phạm vi tiếp cận rộng rãi của công ty bao gồm 9.000 cửa hàng trên khắp Việt Nam.

Không được hậu thuẫn bởi những ngân hàng mẹ trong nước (FE Credit - VPBank, HD Saison - HDBank, Mcredit - MB), Home Credit không có được những lợi thế về hệ thống khách hàng trong hệ sinh thái và nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, theo một số đơn vị nghiên cứu thị trường, Home Credit Việt Nam vẫn xếp thứ hai về thị phần cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, chỉ sau công ty tài chính FE Credit nhờ thâm niên hoạt động lâu năm trong mảng kinh doanh này.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các công ty tài chính trong giai đoạn 2018 – 2021, lợi nhuận sau thuế Home Credit đã liên tục sụt giảm từ mức đỉnh 1.636 tỷ đạt được vào năm 2017. Trong vòng 4 năm, lợi nhuận Home Credit giảm xuống chỉ còn 550 tỷ đồng vào năm 2021.

Tuy nhiên, lợi nhuận Home Credit đã bất ngờ tăng mạnh trong năm 2022 khi đạt 1.189 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt hơn 211 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) nửa đầu năm là 3,22%. Trước đó, tỷ lệ ROE của Home Credit trong năm 2021 và 2022 lần lượt là 10,6% và 18,64%

Tính đến cuối tháng 6/2023, Home Credit có vốn chủ sở hữu 6.571,5 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 277% (nợ phải trả khoảng 18.203 tỷ đồng), giảm mạnh so với mức 404% hồi đầu năm; dư nợ trái phiếu là hơn 1.117 tỷ đồng. Tổng tài sản của Home Credit tại thời điểm 30/6/2023 đạt gần 24.775 tỷ đồng.

Trong các hệ số tài chính của Công ty, chỉ tiêu an toàn vốn đạt 24,6% (quy định là trên 9%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 8,4% (pháp luật yêu cầu trên 1%); tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày là 90,37% (pháp luật yêu cầu trên 20%); tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 13,55% (quy định là dưới 90%).

Như vậy, Home Credit hiện đang sở hữu tỷ suất sinh lời khá cao trong ngành tài chính đi cùng các hệ số an toàn vượt xa yêu cầu quy định. Đây có thể là cơ sở quan trọng để SCBX đưa ra mức định giá gần 22.000 tỷ đồng cho công ty tài chính này.

Quang Hưng

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên