Được định giá lên đến 3 tỷ USD, Vincom Retail đang sở hữu những gì?
Bên cạnh 40 trung tâm thương mại đang hoạt động, Vincom Retail còn có 22 dự án đang triển khai xây dựng cùng 51 dự án đang trong giai đoạn phát triển. Hiện diện tích sàn của Vincom Retail lớn gấp rưỡi so với 3 tổng diện tích của 3 doanh nghiệp đứng sau là Aeon, Lotte và Parkson.
Ngày 6/11 tới đây, Vincom Retail (VRE), công ty thành viên quản lý và vận hành các trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup (VIC) sẽ chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Chí Minh. Với giá tham chiếu chào sàn 33.800 đồng, Vincom Retail được định giá ở mức hơn 64.200 tỷ đồng (2,83 tỷ USD).
Theo nhận định của một số chuyên gia chứng khoán, với nguồn cung cổ phiếu thấp và sự quan tâm khá lớn, nhiều khả năng cổ phiếu Vincom Retail sẽ tăng kịch biên độ 20% trong phiên đầu lên 40.500 đồng. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Vincom Retail sẽ lên đến 77.000 tỷ đồng (3,4 tỷ USD).
Vincom Retail cho biết doanh nghiệp này đang sở hữu và vận hành hệ thống TTTM có quy mô lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam. Tính đến 30/6/2017, Vincom Retail đang vận hành 40 TTTM tại 21 tỉnh thành, với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ lên đến 1,1 triệu m2.
Bên cạnh đó, Vincom Retail còn có 22 dự án đang triển khai xây dựng và 51 đang trong giai đoạn phát triển cũng tại thời điểm trên. Các dự án đang và sắp phát triển sẽ giúp Vincom Retail tăng sự hiện diện tại thêm 29 tỉnh và thành phố, nâng tổng số tỉnh thành hoạt động lên 50.
Ngoài ra, Công ty đang đánh giá và cân nhắc tính khả thi của 86 dự án khác để đưa ra quyết định đầu tư các dự án này trong tương lai.
Hệ thống TTTM của Vincom Retail được chia làm 4 loại gồm Vincom Mega Mall, Vincom Center, Vincom Plaza và Vincom+ với quy mô, vị trí và đối tượng khách hàng cụ thể.
Hiện tại, 3 TTTM Vincom Mega Mall (Times City, Royal City và Thảo Điền) cũng 4 TTTM Vincom Center (Bà Triệu, Đồng Khởi, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch) đang chiếm tới hơn 1/2 diện tích sàn thương mại của Vincom Retail.
Trong đó, 2 trung tâm có quy mô lớn vượt trội với diện tích trên 100.000m2 là Vincom Mega Mall Royal City (206 nghìn m2) và Vincom Mega Mall Times City (130 nghìn m2).
Tại Hà Nội, Vincom Retail hiện có 7 trung tâm thương mại, chiếm 75% tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại thành phố này. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 11 trung tâm thương mại của Vincom Retail chiếm 43% diện tích bán lẻ.
Diện tích sàn của Vincom Retail lớn gấp rưỡi Aeon, Lotte và Parkson cộng lại
Ngoài hoạt động cho thuê mặt bằng tại các TTTM, Vincom Retail còn vận hành cho thuê và quản lý một số khu văn phòng xung quanh các TTTM mang thương hiệu Vincom và một số bất động sản khác.
Tính đến ngày 30/6/2017, tổng diện tích văn phòng và các bất động sản khác cho thuê của Công ty là 36.123 m2.
Tỷ lệ lấp đầy của các TTTM của Công ty trong những năm gần đây luôn ghi nhận mức cao, cụ thể: tỷ lệ lấp đầy trung bình của các năm 2014, 2015, 2016 và 6 tháng 2017 lần lượt là 79,0%, 81,0%, 86,5% và 89,0%.
Đối với các TTTM mới mở, Công ty thường đã có các khách đăng ký thuê trước khi đưa các TTTM này vào hoạt động và Công ty thường đạt tỷ lệ lấp đầy tại ngày khai trương là 95% đối với Vincom Center và Vincom Plaza, và 85% đối với Vincom Mega Mall và Vincom+.
Thông thường, tại ngày khai trương các TTTM mới, trung bình khoảng 35%-40% diện tích sàn bán lẻ cho thuê của Công ty được thuê bởi các công ty trong cùng tập đoàn như VinMart, VinPro.
Được biết đến chủ yếu với hoạt động cho thuê các Trung tâm thương mại bán lẻ tuy nhiên, Vincom Retail còn có nguồn thu đáng kể từ việc đầu tư và phát triển các bất động sản để bán.
Hoạt động bán bất động sản của Vincom Retail chủ yếu là phát triển các nhà phố thương mại (shophouse) xung quanh một số TTTM Vincom Plaza, Trung tâm mua sắm Vincom+ và tháp văn phòng và căn hộ để bán tại một số TTTM Vincom Center. Dòng tiền từ việc bán các bất động sản này giúp Công ty có thêm nguồn tiền phát triển các TTTM.
Trí Thức Trẻ