MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được mệnh danh là "đất học", địa phương hơn 760 tuổi sẽ thoát khỏi vùng trũng về hạ tầng giao thông nhờ dự án cao tốc gần 20 nghìn tỷ đồng

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, với việc đầu tư tuyến đường hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam, tuyến cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, kết nối với cao tốc Bắc-Nam, Nam Định sẽ thoát khỏi tình trạng là vùng trũng về hạ tầng giao thông.

Được mệnh danh là

TP Nam Định nằm ở phía Bắc của tỉnh Nam Định, thuộc trung tâm khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng. Đây là thành phố cổ thứ hai chỉ sau Hà Nội, có lịch sử xây dựng trước cả Phố Hiến và Hội An, nay đã hơn 760 tuổi. Địa phương cũng được mệnh danh là vùng "đất học" của cả nước. Sau nhiều lần chia tách sáp nhập, vào năm 1996, thành phố Nam Định chính thức là tỉnh lỵ tỉnh Nam Định đến ngày nay.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024 được tổ chức mới đây, ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, Nam Định được quy hoạch đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2030 đạt trên 7 tỷ USD. Thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn năm 2030 đạt trên 18.000 tỷ đồng. Đến năm 2030 không còn hộ nghèo; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 80% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội của tỉnh được tổ chức phát triển theo mô hình "3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế" với định hướng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, ven biển…

Cụ thể, ba vùng động lực là: Vùng đô thị thành phố Nam Định mở rộng; Vùng nông nghiệp - nông thôn; Vùng kinh tế biển.

Bốn cực tăng trưởng gồm: Đô thị trung tâm thành phố Nam Định; Trung tâm đô thị Cao Bồ, huyện Ý Yên; Trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông; Trung tâm đô thị huyện Giao Thủy.

Năm hành lang kinh tế gồm: Hành lang Quốc lộ 10; Hành lang cao tốc Bắc Nam; Hành lang đường bộ ven biển; Hành lang đường bộ mới thành phố Nam Định - Lạc Quần - Giao Thủy; Hành lang cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng.

Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng..

Thoát khỏi "vùng trũng" về giao thông, cơ hội để Nam Định tạo nên sự khác biệt

Cũng tại Hội nghị, đánh giá về tiềm năng phát triển của Nam Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho hay, Nam Định vốn là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử.

Không chỉ vậy, địa phương cũng là vùng đất hiếu học, lá cờ đầu của giáo dục cả nước, địa phương có gần 30 năm trong top đầu cả nước về kết quả giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn.

Phát huy những lợi thế đó, Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của Nam Định đạt 10,19%, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 6 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 54,9 triệu đồng/người, tăng 12,0%.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng tính kết nối. Nam Định là điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, giáo dục và đào tạo của tỉnh liên tục ở tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng trong gần 3 thập kỷ qua.

"Vốn quý nhất để Nam Định phát triển không phải là những lợi thế về đất đai, tài nguyên nhiên nhiên mà chính là ở nguồn nhân lực và nhân tài", Phó Thủ tướng cho hay.

Theo Phó Thủ tướng, với việc đầu tư tuyến đường hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam, tuyến cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, kết nối với cao tốc Bắc-Nam, Nam Định sẽ thoát khỏi tình trạng là vùng trũng về hạ tầng giao thông. Từ đó, thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian, tiềm năng phát triển mới.

Theo Quyết định 1680/QĐ-TTg, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có điểm đầu tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng; điểm cuối tại nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 19.784 tỷ đồng, không bao gồm lãi vay là 18.927 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư thu xếp 10.447 tỷ đồng (chiếm 52%); vốn nhà nước tham gia là 9.337 tỷ đồng (47%), gồm ngân sách trung ương 6.200 tỷ đồng; ngân sách địa phương tỉnh Thái Bình 1.462 tỷ đồng và tỉnh Nam Định 1.675 tỷ đồng.

"Đây cơ hội rất lớn để Nam Định thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng phân tích, nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm năng lớn về năng lượng sạch, năng lượng điện gió ngoài khơi là hạ tầng, giải pháp, cơ hội để Nam Định tạo nên sự khác biệt, sự hấp dẫn đặc biệt đối với thu hút các nhà đầu tư; chủ động lựa chọn các lĩnh vực phát triển theo hướng công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, đáp ứng các yêu cầu mới về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Song song với đó, Nam Định cần chú trọng tạo các nguồn lực từ chính quy hoạch, thông qua thu hút các nhà đầu tư, tư vấn uy tín, có năng lực để cụ thể hóa các tầm nhìn, định hướng dài hạn trong bản quy hoạch chung thành các quy hoạch chi tiết mang tính kinh tế, kỹ thuật, xác định không gian đô thị, nông thôn… thành những giá trị khác biệt, gấp nhiều lần so với giá trị đất đai.

"Kết cấu hạ tầng phải được phát triển đồng bộ, đi trước một bước với tầm nhìn, tư duy quy hoạch chất lượng, dài hạn và làm nên giá trị, sức hấp dẫn, thu hút do chính con người tạo ra trên mảnh đất Nam Định", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng, với truyền thống lịch sử văn hóa, sự năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên tự cường của con người Nam Định, chúng ta có niềm tin rằng Nam Định sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên