MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được ví như "túi khôn" của Thục Hán, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận?

25-05-2019 - 23:18 PM | Sống

Mặc dù được ví như "túi khôn" của Thục Hán, nhưng sự thực là Lưu Bị rất ít khi đem theo Gia Cát Lượng ra trận trong các chiến dịch quan trọng. Tại sao?

Nhìn lại mấy ngàn năm lịch sử phong kiến Trung Hoa, đa số các ý kiến đều cho rằng hai triều đại sản sinh nhiều danh tướng nhất chính là thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc và giai đoạn Tam Quốc.

Nhắc tới thời Tam Quốc, một trong số những nhân vật nổi tiếng hơn cả phải kể tới Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng – bậc kỳ tài thần cơ diệu toán vẫn được ca ngợi là "túi khôn" của tập đoàn chính trị Thục Hán.

Mặc dù là nhân vật mà Lưu Bị đã từng cất công ba lần tới lều tranh để mời về, nhưng có một sự thật là vị quân chủ này không mấy khi đem theo Khổng Minh trong những chiến dịch lớn, mà tiêu biểu là chiến dịch chinh phạt Đông Ngô.

Vậy đâu là lý do khiến Lưu Huyền Đức năm xưa dù đã mất đi hai võ tướng đắc lực là Quan Vũ – Trương Phi nhưng vẫn cương quyết không đưa Gia Cát Khổng Minh cùng ra trận?

Những lần vắng mặt hoặc xuất hiện muộn màng của Khổng Minh trong nhiều chiến dịch quan trọng với Thục Hán

Được ví như túi khôn của Thục Hán, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận? - Ảnh 1.

Xét về võ lực, dù Khổng Minh không thể so với các võ tướng như Quan Vũ, Trương Phi, nhưng ông cũng được xem là một mưu sĩ có nhiều kế sách tác chiến xuất sắc. (Tranh minh họa).

Sinh thời, Gia Cát Lượng được ví như một bậc kỳ tài có thể "an thiên hạ". Tài năng xuất chúng của ông được thể hiện thông qua đối sách Long Trung, chiến thắng Xích Bích cùng nhiều kế sách như thuyền cỏ mượn tên, mộc ngưu lưu mã…

Cũng bởi vậy Khổng Minh sở hữu tài năng xuất chúng, nên Lưu Bị năm xưa đã từng cất công ba lần tới nhà tranh để mời ông xuống núi giúp mình gây dựng đại nghiệp.

Tuy nhiên có một sự thật là ngay cả khi Gia Cát Lượng đã gia nhập tập đoàn chính trị Thục Hán, ông lại không mấy khi được quân chủ đưa ra tiền tuyến trong nhiều chiến dịch quan trọng.

Được ví như túi khôn của Thục Hán, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận? - Ảnh 2.

Gia Cát Lượng được xem là biểu tượng của lòng trung nghĩa và trí tuệ anh minh. Bởi vậy mà người đời vẫn thường ca ngợi: "Tuyệt nhân là Lưu Bị, tuyệt gian là Tào Tháo, tuyệt trí là Khổng Minh". (Ảnh minh họa).

Ví dụ tiêu biểu là trận chiến chiếm Ích Châu, việc có được mảnh đất này chiến lược này là sách lược trọng yếu của Khổng Minh trong "Long Trung đối", tuy nhiên ngay cả khi chiến dịch năm đó có liên quan trực tiếp tới sự hưng suy của thế lực Lưu Bị, thì vị quân chủ này lúc đầu cũng không chủ động đem theo Khổng Minh.

Cụ thể thì trong giai đoạn đầu tây chinh, bộ chỉ huy ra trận cùng Lưu Bị gồm Bàng Thống, Hoàng Trung và Ngụy Diện. Gia Cát Lượng khi đó được phân phó ở lại hỗ trợ Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu. Và phải tới năm 213, vị quân chủ họ Lưu mới điều động Khổng Minh ra trận với vai trò dẫn quân trợ chiến.

Từ sau khi chính quyền Thục Hán chính thức được thành lập, Lưu Huyền Đức càng không tạo cơ hội cho Gia Cát Lượng xông pha trận mạc. Thậm chí ngay cả khi đã mất đi Quan Vũ – Trương Phi trong và sau biến cố mất Kinh Châu, ông vẫn không đưa Khổng Minh đi cùng trong chiến dịch chinh phạt Đông Ngô mà để ông cùng Lưu Thiện ở lại trấn giữ Thành Đô.

Thực tế, vị quân chủ họ Lưu này đã phải đặt cược rất nhiều trong cuộc chiến "sống mái" với Tôn Ngô ở Di Lăng. Tuy nhiên ngay cả khi phải đem cả vận nước ra đánh cuộc, ông vẫn không mang theo "túi khôn" là Ngọa Long tiên sinh bên mình.

Chính điều này đã khiến không ít người hoài nghi rằng, phải chăng Lưu Huyền Đức năm xưa không thực sự tin tưởng và trọng dụng Gia Cát Lượng như hậu thế vẫn nghĩ?

Được mệnh danh là "túi khôn" của Lưu Bị, vì sao Gia Cát Lượng không mấy khi có cơ hội xuất đầu lộ diện trong các trận đánh quyết định?

Theo phân tích của tờ báo QQNews, việc Lưu Bị không tạo điều kiện cho Gia Cát Khổng Minh ra chiến trường bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chủ đạo dưới đây.

Nguyên nhân thứ nhất: Lưu Bị không an tâm đem công tác hậu cần giao cho người khác

Được ví như túi khôn của Thục Hán, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận? - Ảnh 3.

Trong mắt của Lưu Bị, chỉ có bậc toàn tài như Khổng Minh mới là người có thể khiến ông an tâm khi giao lại hậu phương và công tác hậu cần. (Ảnh minh họa).

Thời kỳ cổ đại được ví như giai đoạn hoàng kim của các loại vũ khí lạnh, cũng bởi vậy mà mỗi trận chiến lớn nhỏ phát sinh vào thời kỳ này đều cần số lượng binh lính hết sức đông đảo.

Xuất phát từ lực lượng quân sĩ khổng lồ nói trên, công tác hậu cần cung cấp lương thảo đóng vai trò vô cùng trọng yếu. Nhận định này có thể được chứng minh thông qua trận chiến Trường Binh nổi danh thời Chiến Quốc diễn ra giữa quân Tần và quân Triệu.

Năm xưa, quân Triệu dưới sự chỉ huy của Liêm Pha nhờ được cung ứng lương thảo đều đặn nên mới có thể thủ thành kiên cố, khiến quân Tần không thể tiến thêm trong ròng rã 2 năm trời.

Sau khi Triệu vương sai Triệu Quát thay thế Liêm Pha, tướng Tần là Bạch Khởi đã dùng kế chặt đứt đường vận lương của quân Triệu, khiến quân Triệu không có đủ quân lương, binh sĩ còn giết hại nhau để ăn thịt, cuối cùng không tránh khỏi kết cục bại vong.

Tương tự như vậy, năm xưa trong chiến dịch Hán – Sở tranh hùng, Lưu Bang nhờ có Tiêu Hà trông coi hậu cần nên mới có thể kịp thời tiếp tế lương thực, từ đó giữ được vốn liếng để vực dậy sau mỗi lần vấp ngã, cuối cùng chiến thắng một đối thủ đáng gờm như Tây Sở Bá vương.

Do đó có thể nói, trong thời đại vũ khí lạnh, lương thảo chính là nguồn sống của ba quân. Lưu Bị thực chất tín nhiệm Gia Cát Lượng hơn bất cứ ai nên mới để ông trông coi hậu phương và đảm đương nhiệm vụ này, từ đó bảo vệ tốt "nguồn sống" cho quân Thục trong mọi trận chiến.

Vì vậy có thể thấy, Lưu Huyền Đức không phải không muốn đưa Khổng Minh ra chiến trường mà là không dám thực hiện ý tưởng ấy. Bởi ông không tin tưởng giao công tác hậu cần cho bất kỳ ai khác.

Nguyên nhân thứ hai: Lưu Bị không muốn để Gia Cát Lượng nắm cả binh quyền

Được ví như túi khôn của Thục Hán, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận? - Ảnh 4.

Có nhiều ý kiến cho rằng, cũng bởi sở hữu tài năng và uy danh quá lớn nên Khổng Minh ít nhiều vẫn bị quân chủ đem lòng đề phòng. (Ảnh minh họa).

Gia Cát Khổng Minh thân là Thừa tướng Thục Hán, nắm giữ quyền hành về tài chính, dân chính. Hơn nữa Ngọa Long tiên sinh nổi tiếng tài trí thông minh, nhờ có tài trị quốc của ông nên dân chúng Thục Hán mới có thể an cư lạc nghiệp.

Vì vậy, danh vọng của Gia Cát Lượng lúc bấy giờ vô cùng có sức ảnh hưởng. Nếu như ngay tới quân quyền và uy danh trên chiến trường cũng bị Khổng Minh chiếm mất, vậy một vị quân chủ như Lưu Bị liệu có còn có khả năng để duy trì sức ảnh hưởng của mình hay không?

Bởi vậy theo nhận định của QQNews, dù quan hệ vua tôi giữa Lưu Huyền Đức và Gia Cát Lương có tốt đẹp tới đâu, thì một người ở ngôi cửu ngũ chí tôn như vị quân chủ họ Lưu cũng không thể không đề phòng.

Và có lẽ ít nhiều cũng xuất phát từ tâm lý kiêng kỵ này nên Lưu Bị không tạo điều kiện cho Khổng Minh ra trận, từ đó hạn chế việc ông nắm quyền trên nhiều phương diện, đặc biệt là binh quyền.

Nguyên nhân thứ ba: Để Khổng Minh ở lại hậu phương chính là lưu lại đường lui cho Thục Hán

Được ví như túi khôn của Thục Hán, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận? - Ảnh 5.

Có lẽ một người cẩn trọng như Lưu Bị từ sớm đã quyết định sẽ phó thác con trai cùng tương lai Thục Hán vào tay Gia Cát Khổng Minh. (Ảnh minh họa).

Lưu Bị cả đời được xem là một người cẩn trọng vô cùng, mỗi lần xuất chinh đều tính toán hết sức cặn kẽ. Do đó trước những chiến dịch quyết định vận nước như đại chiến ở Ích Châu hay Di Lăng, ông càng không thể không cân nhắc tới hậu quả thất bại.

Bản thân vị quân chủ này hiểu rõ hơn ai hết, nếu mang theo Gia Cát Lương ra chiến trường, một khi thất bại, cả ông và Khổng Minh đều sẽ gặp bất trắc. Trong trường hợp hai người đều không may bỏ mạng nơi sa trường, vậy giang sơn Thục Hán liệu còn có thể trông cậy vào ai?

Trong nội bộ Thục quốc, nếu không tính Lưu Bị thì chỉ còn Gia Cát Lượng là sở hữu danh vọng cao nhất. Cho dù vị quân chủ họ Lưu có không may hy sinh vì chiến bại, triều đình ít nhất vẫn còn Khổng Minh trấn giữ quốc nội, như vậy thì chính quyền Thục Hán cũng sẽ không phải đối mặt với những chấn động quá lớn.

Một người cân nhắc được mất như Lưu Bị chắc chắn nhìn trước điều này, do đó ông không dám mạo hiểm tính mạng của một kỳ tài trị quốc hiếm có như Gia Cát Khổng Minh.

Được ví như túi khôn của Thục Hán, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận? - Ảnh 6.

Năm xưa, Lưu Bị từng cất công ba lần tới lều tranh để mời Gia Cát Lượng xuống núi. Có lẽ cũng bởi vậy mà vị quân chủ ấy hết sức trân trọng bậc hiền tài hiếm có như Khổng Minh. (Tranh minh họa).

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy Lưu Bị không đem theo Khổng Minh xuất chinh trong những chiến dịch lớn đều có nguyên do rất rõ ràng.

Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này của vị quân chủ họ Lưu ấy không đến từ hai chữ "không muốn", mà do bản thân ông không thể, cũng không dám để Gia Cát Lượng liều mạng trên sa trường.

Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, một người cẩn trọng như Lưu Huyền Đức chỉ có thể an tâm ở tiền tuyến chinh chiến khi mà hậu phương phía sau ông có Gia Cát Khổng Minh chống đỡ.

*Theo quan điểm của QQNews.

Theo Trần Quỳnh

Trí thức trẻ

Trở lên trên