MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ bao giờ thành hiện thực?

Sắp tới, người Việt Nam bay sang Hoa Kỳ sẽ không còn phải quá cảnh ở Trung Quốc hay Nhật Bản nữa. Trong số 4 hãng bay, Vietnam Airlines đặt kế hoạch vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

Theo kế hoạch Dự thảo Đề án tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch mới nhất của Bộ Giao thông, Vietnam Airlines sẽ triển khai dịch vụ hàng không trực tiếp đến Hoa Kỳ vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, muộn hơn hai năm so với kế hoạch được thủ tướng phê duyệt.

Điểm đến đầu tiên ở Mỹ sẽ là một thành phố ở Bờ Tây, San Francisco hoặc Los Angeles, theo kế hoạch dự thảo. Vietnam Airlines đã theo đuổi kế hoạch bay trực tiếp Việt Nam - Hoa Kỳ trong một thời gian dài, nhưng đã gặp rất nhiều trở ngại đối với việc thực hiện.

Hồi tháng 8 năm 2018, Cục hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã cử một đội đến Việt Nam để tiến hành đánh giá an toàn hàng không. Cục Hàng không Việt Nam cho biết Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng để đạt được xếp hạng an toàn loại 1 từ FAA - điều kiện bắt buộc để triển khai đường bay thẳng tới Hoa Kỳ. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã từng được Mỹ xếp hạng loại 1, song đến nay quốc gia này đã bị FAA hạ cấp xuống loại 2.

Vượt qua cuộc kiểm tra khắt khe từ phía Mỹ, chỉ có 16 khuyến cáo được phía Mỹ đưa ra, trong khi năm 2013 có tới 47 khuyến cáo cần khắc phục. Đoàn công tác rà soát kỹ thuật của FAA và Boeing đánh giá hệ thống giám sát an toàn hàng không của Việt Nam có nhiều tiến bộ trên cả 8 lĩnh vực trọng yếu.

Đường bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ bao giờ thành hiện thực? - Ảnh 1.

Theo dự trù kế hoạch của Bộ GTVT, Vietnam Airlines sẽ triển khai dịch vụ hàng không trực tiếp đến Hoa Kỳ vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020

Viện Khoa học hàng không cho biết, 8 lĩnh vực trọng yếu về kỹ thuật mà FAA tiến hành rà soát hồi tháng 10 năm ngoái với Cục Hàng không Việt Nam bao gồm: Luật Hàng không dân dụng; Quy chế ATHK dân dụng; Hệ thống hàng không dân dụng và chức năng giám sát an toàn; Chất lượng và công tác huấn luyện đối với đội ngũ giám sát viên an toàn; Tài liệu hướng dẫn, công cụ và cung cấp thông tin trọng yếu về an toàn; Cấp phép nhân viên hàng không, phê chuẩn, ủy quyền và giám sát; Trách nhiệm giám sát an toàn và cuối cùng là áp dụng chế tài đối với các vi phạm.

Hàng không Việt Nam từng được xếp hạng thuộc nhóm an toàn hàng đầu thế giới bởi trang Airlineratings.com – trang web quốc tế uy tín về đánh giá mức độ an toàn, chất lượng dịch vụ của hơn 435 hãng hàng không toàn cầu. 3 hãng hàng không của Việt Nam tính đến cuối năm 2018 đều đạt mức an toàn 7/7 sao – mức cao nhất trong bảng xếp hạng.

Hiện nay, Mỹ đang là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Mỹ lên tới 60 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần trong bảy năm qua. Đồng thời lượng khách du lịch giữa hai nước đang có xu hướng gia tăng ngày càng cao, lượng khách Mỹ chiếm 6% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đạt 687,2 nghìn lượt người.

Sắp tới, việc Việt Nam đạt xếp hạng loại 1, đủ điều kiện để mở đường bay trực tiếp đến Mỹ sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho ngành vận tải hàng không, thuận tiện cho khách du lịch và Việt Kiều đang sống tại Mỹ, cũng như mang về lợi ích cho ngành xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Hơn nữa, việc Việt Nam sở hữu đường bay trực tiếp có thể khiến một số quốc gia khác trong khu vực chưa được xếp hạng loại 1 quá cảnh tại Việt Nam trên đường bay đến Mỹ, nhất là các quốc gia tiếp giáp về mặt địa lý. Theo FAA, trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Thái Lan đã rớt xuống loại 2, chỉ có Philipines, Indonesia, Malaysia, Singapore và sắp tới là Việt Nam được xếp hạng loại 1, hệ thống hàng không của các quốc gia còn lại vẫn chưa đạt yêu cầu.

Các hãng hàng không Việt Nam đều rất quan tâm đến vấn đề này. Ngay sau khi có thông tin FAA sẽ sớm công bố xếp hạng loại 1 cho Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC (tổ chức sở hữu Bamboo Airways) chia sẻ trên trang cá nhân: "Nằm trong định hướng triển khai các đường bay quốc tế, với Mỹ là một trong những điểm đến quan trọng, dòng máy bay thân rộng Boeing và Airbus sẽ bắt đầu gia nhập đội bay Bamboo Airways của chúng tôi từ 2019.

Việc Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) dự kiến sớm xếp hạng loại 1 cho Việt Nam cũng đồng nghĩa sớm cho phép mở các chuyến bay thẳng trực tiếp giữa hai nước. Điều này chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều lực đẩy tích cực cho hoạt động du lịch, thương mại Việt - Mỹ nói chung và ngành hàng không Việt Nam nói riêng, trong đó có Bamboo Airways".

Trước đó, ngay từ khi Bamboo Airways chưa cất cánh mà mới chỉ ký hợp đồng mua tàu bay, Chủ tịch FLC đã nói bóng gió về tham vọng bay thẳng tới Mỹ với tàu bay thế hệ mới mà hãng bay này sắp sở hữu.

Đường bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ bao giờ thành hiện thực? - Ảnh 2.

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên