MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tăng hơn 6 nghìn tỷ do chậm trễ tiến độ

Hà Nội đề xuất lùi thời hạn hoàn thành Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội thêm 5 năm, từ 2022 sang 2027. Ảnh: PV

Hà Nội đề xuất lùi thời hạn hoàn thành Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội thêm 5 năm, từ 2022 sang 2027. Ảnh: PV

Theo UBND thành phố Hà Nội, do các chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phí (EOT), Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tăng 6.325,1 tỷ đồng.

Như đã thông tin, thành phố Hà Nội vừa có đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội từ 2009 – 2022 thành 2009 – 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).

Theo UBND thành phố Hà Nội, có 8 nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án.

Đầu tiên là việc chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công .

Thứ hai, do năng lực nhà thầu thực hiện gói thầu CP05 – Công trình kiến trúc Depot hạn chế và chậm trễ thực hiện các yêu cầu của Chủ đầu tư, UBND thành phố.

UBND thành phố cũng nêu vấn đề về năng lực triển khai thực hiện dự án của Chủ đầu tư, Tư vấn (PIC), sự phối hợp các sở, ngành còn hạn chế; sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố chưa sát sao, quyết liệt.

Một nguyên nhân khác là do các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của Hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành. Cùng với đó là quy định về giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ.

Bên cạnh đó là các vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; cơ chế, chính sách và quy định về giải phóng mặt bằng rất phức tạp. Một nguyên nhân nữa là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Về đề xuất lùi thời hạn hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến vào năm 2027 thay vì năm 2022, thành phố nêu, tiến độ hoàn thành toàn tuyến chủ yếu phụ thuộc vào tiến độ thực hiện gói thầu CP03 – Hầm và các ga ngầm.

Theo đó, chủ đầu tư đã phân tích, giải trình do điều kiện thực tế không thể bàn giao được toàn bộ mặt bằng sạch (gồm cả công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật) nên đã thống nhất với nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công của gói thầu CP03 là 56,5 tháng. Nội dung này đã được chủ đầu tư báo cáo và đã được UBND thành phố tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ, đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh thời gian tại Quyết định 1800 ngày 21/12/2018.

Thành phố cũng cho biết, do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời các công trình bị ảnh hưởng bởi thi công tuyến hầm và các ga ngầm , đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đã dự kiến đến tháng 10/2022 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu gói thầu CP03. Do vậy, việc xác định tiến độ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2027 được căn cứ vào thời hạn thi công của gói thầu CP03 là 56,5 tháng.

Đáng chú ý, với phương án đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn tiến độ thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành toàn bộ dự án vào năm 2026 (rút ngắn 11,5 tháng), thành phố nêu, phương án này đã được chủ đầu tư báo cáo và đã được Hội đồng thẩm định thành phố xem xét, đánh giá.

"Với các rủi ro về mặt kỹ thuật cũng như tăng chi phí do đẩy nhanh tiến độ, nên không đề xuất phương án này", thành phố Hà Nội thông tin.

Cùng với việc đề xuất lùi thời hạn hoàn thành dự án thêm 5 năm, UBND thành phố cũng đề xuất điều chỉnh Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng. Như vậy, Tổng mức đầu tư tăng thêm 1.916 tỷ đồng .

Theo UBND thành phố, nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 7/8/2022 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Thành phố Hà Nội cho biết, có 7 nguyên nhân dẫn đến thay đổi Tổng mức đầu tư gồm:

Sự biến động của tỷ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án, tăng 158,76 tỷ đồng.

Thứ hai, do điều chỉnh khối lượng công việc hợp đồng (VR), tăng 1.341,17.

Thứ ba, do các chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phí (EOT) tăng 6.325,10 tỷ đồng .

Ngoài ra, cập nhật giá trị các công việc trong tổng mức đầu tư theo giá trị công việc hoàn thành, giá trị hợp đồng/phụ lục hợp đồng, giảm 3.091,15 tỷ đồng.

Việc bổ sung ác công việc còn thiếu do không lường trước như chi phí pháp lý, ban xử lý tranh chấp, trọng tài kinh tế … tăng 357,12 tỷ đồng.

Cùng với đó, do thay đổi chế độ chính sách (tỷ lệ dự phòng, thuế) và các quy định của nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí (điều chỉnh chi phí giải phóng mặt bằng, bảo hiểm, giảm 3.173,21 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh do thực hiện kết luận Thanh tra và Kiểm toán nhà nước, giảm 1,74 tỷ đồng.

Theo văn bản của thành phố, Tổng mức đầu tư Dự án tăng thêm 1.916 tỷ đồng, từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng.

“Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác số liệu, các cơ sở pháp lý, các hồ sơ liên quan để đề xuất tổng mức đầu tư điều chỉnh để trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt điều chỉnh, giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh sẽ được thẩm tra, thẩm định để xác định chính xác làm cơ sở cho việc phê duyệt điều chỉnh dự án", văn bản của thành phố Hà Nội nêu.

Theo Trường Phong

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên