Đường sắt do Trung Quốc làm đội vốn và chậm tiến độ, quốc gia ASEAN nhờ Nhật Bản vào cuộc
Chính phủ Indonesia bắt đầu thảo luận khả năng Nhật Bản tham gia dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandong, dự án do Trung Quốc trúng thầu nhưng bị trì hoãn do đội vốn.
Theo Nikkei Asian Review, đề xuất mới sẽ kết hợp dự án nói trên với dự án song phương về nâng cấp 750km đường sắt hiện có giữa Jakarta và Surabaya.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 4/6 xác nhận các cuộc thảo luận đã khởi động, xoay quanh vấn đề mở rộng tuyến đường sắt Jakarta-Bandung tới Surabaya cũng như khả năng đưa Nhật Bản vào dự án.
Bà Marsudi cho biết, Nhật là đối tác phát triển hạ tầng quan trọng của Indonesia. Mối hợp tác lần này sẽ giúp kết nối rộng rãi hơn các đô thị trong nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nikkei cho hay, nhiều thành viên trong chính phủ Indonesia cho rằng tuyến đường sắt đơn lẻ chạy qua Bandung tới Surabaya sẽ có hiệu quả cao hơn các tuyến đường riêng biệt xuất phát từ thủ đô Jakarta theo hướng Đông và Đông Nam. Việc dự án Jakarta-Bandung do Trung Quốc thực hiện bị đội vốn đang khiến quan điểm này trở nên mạnh mẽ hơn.
Dự án nâng cấp đường sắt Jakarta-Surabaya của Indonesia do Nhật Bản thực thi, và dự án xây mới đướng sắt cao tốc Jakarta-Bandung do Trung Quốc thắng thầu (Ảnh: Nikkei)
Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia dự kiến soạn thảo kế hoạch mới và sẽ đề xuất chính thức với phía Nhật khi hoàn thành.
Hồi năm 2015, nhà thầu Nhật Bản đã để thua Trung Quốc trong cuộc đua giành dự án đường sắt Jakarta-Bandung. Trung Quốc chiến thắng với kế hoạch không yêu cầu chính phủ Indonesia đóng góp ngân sách cho dự án.
Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Jakarta và Bandong từ 3 tiếng rưỡi xuống chỉ còn 45 phút. Lễ động thổ đã được tổ chức tháng 1/2016, với dự kiến hoàn thành năm 2019.
Theo Nikkei, Bắc Kinh coi dự án này là phần quan trọng trong sáng kiến hạ tầng khổng lồ có tên Vành đai, Con đường. Vào tháng 6 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo rằng hai nước "cần vững bước xây dựng và cải thiện chất lượng hợp tác trong sáng kiến Vành đai, Con đường".
Tuy nhiên, sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng - một điều kiện để Ngân hàng phát triển Trung Quốc giải ngân vốn - đã làm dự án sa lầy và thời hạn hoàn thành bị lùi đến năm 2021. Mới đây, hoạt động ở công trình tiếp tục bị tạm ngưng khi giới chức bản địa thực thi các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Ông Airlangga Hartarto, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, cho biết dự án Jakarta-Bandung sẽ bị lùi thời hạn thêm một năm nữa. Trong khi đó, bản đánh giá các dự án hạ tầng đã nâng chi phí ước tính của dự án kể trên lên 6 tỷ USD, so mới mức dự kiến ban đầu là 5.5 tỷ USD.
Chính điều này đã đưa đến ý tưởng kéo dài tuyến đường sắt đến Surabaya và mời Nhật Bản tham gia. Đề xuất lần đầu được đề cập hôm 29/5, sau khi Tổng thống Widodo cùng các thành viên nội các đánh giá lại các dự án chiến lược quốc gia.
"Để [dự án] được kinh tế hơn, Tổng thống Jokowi chỉ thị rằng dự án sẽ không dừng ở Bandung mà kéo dài đến Surabaya", đồng thời yêu cầu mời Nhật Bản tham gia - ông Airlangga nói với Jakarta Post.
Sự thay đổi trong kế hoạch của nước sở tại được cho là gây khó khăn cho phía Nhật Bản, khi nhà thầu nước này đã khởi động việc nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường sắt Jakarta-Surabaya và sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi các hạng mục liên quan. Dự án mà họ đang thực hiện sử dụng đường sắt hiện có của Indonesia, với nhiều chi tiết khác biệt so với đường sắt mà Trung Quốc thực hiện.
Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật cho biết họ "không thể hình dung" đề xuất mới của Indonesia sẽ như thế nào.
Tổ quốc