Đường thiếu hụt gần 4 triệu tấn năm 2022: Sở hữu vùng nguyên liệu 66.000 ha, thời điểm vàng của SBT đã tới
Nguồn cung đường thiếu hụt từ thế giới đến trong nước tạo ra cơ hội đặc biệt cho những doanh nghiệp quy mô lớn như Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã: SBT) khi doanh nghiệp này sở hữu vùng nguyên liệu rộng lớn 66.000ha, quy trình sản xuất khép kín, và đang từng bước tham gia vào thị trường nước giải khát 6 tỷ USD.
Đường được dự báo thiếu hụt, giá ở mức cao năm 2022
Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thâm hụt đường toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên trong niên vụ 2021-2022, đạt 3,8 triệu tấn so với mức thiếu hụt 3 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021. Sự thiếu hụt này là do sản lượng sản xuất ở Brazil giảm do thời tiết khô hạn (Brazil là nước sản xuất đường hàng đầu trên toàn cầu, chiếm 23% tổng sản lượng sản xuất trong niên vụ 2020-2021). Trong niên vụ 2021-2022, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự ước tính sản lượng thu hoạch của Brazil giảm 10% với sản lượng xuất khẩu giảm 19% xuống 26 triệu tấn so với cùng kỳ.
Theo Chứng khoán VNDirect, đơn vị này cũng dự báo giá đường toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 do nhu cầu trên thế giới phục hồi mạnh sau đại dịch. Trong khi đó, thị trường đường thế giới niên vụ 2021-2022 được dự báo sẽ thiếu hụt nguồn cung với mức thiếu hụt là 3-4 triệu tấn. Ngoài ra, so với giá đường trong khu vực (bao gồm cả các nước ASEAN và Trung Quốc), giá đường của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn. Do đó, giá đường trong nước sẽ tiếp tục tăng theo xu hướng tăng giá toàn cầu trong năm 2022. Bên cạnh đó, từ tháng 6/2021, Bộ Công Thương chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65% lên các sản phẩm Đường Mía có nguồn gốc xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Việc áp thuế chống bán phá giá kết hợp hoạt động điều tra đường nhập lậu gắt gao của Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ giá đường trong nước trong năm tới.
Trong quý 1 niên độ 2021-2022, giá đường thế giới tăng từ ngưỡng 17 UScent lên xấp xỉ 20 UScent/pound, mức cao nhất kể từ năm 2017. Giá đường trong nước cũng chạm đỉnh cao nhất 4 năm và Agriseco dự báo giá đường sẽ tiếp tục tăng, giữ ở mức cao trong thời gian tới, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp đường trong nước sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu.
SBT - "đầu tàu" ngành đường tự chủ nguồn nguyên liệu 66.000 ha
Là doanh nghiệp đầu ngành mía đường tại Việt Nam, giá đường leo thang năm qua đã ngay lập tức phản ánh vào kết quả kinh doanh của SBT. Niên độ 2020-2021, SBT ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.925 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ với mức tiêu thụ 1,16 triệu tấn đường tăng 10% - đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng tiêu thụ đạt trên 1 triệu tấn. Biên Lợi nhuận gộp là điểm sáng trong niên độ này khi tăng 3,5% lên 14,8% nhờ công ty đã kiểm soát tốt chi phí đầu vào. Lợi nhuận sau thuế SBT đạt 650 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ.
Bước sang niên độ 2021-2022, SBT tiếp tục gặt hái "quả ngọt" trong quý đầu tiên khi doanh thu tăng 18% đạt 4.312 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 195 tỷ, tăng 88% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính cũng là một điểm sáng trong quý này khi tăng gần 5 lần so với cùng kỳ, trong đó phần lớn doanh thu đến từ hoạt động giao dịch đường trên sàn giao dịch hàng hóa quốc tế.
Giá đường thế giới tăng cao cùng chính sách áp thuế tự vệ đã trở thành bệ phóng để SBT tiếp tục củng cố lại ánh hào quang của một doanh nghiệp đầu ngành đường. Song thứ làm nên sức mạnh của SBT còn đến từ yếu tố nội tại bên trong doanh nghiệp. Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã không ngừng cải cách, đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu, hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín… SBT đến nay đã tự chủ vùng nguyên liệu đầu vào hơn 66.000 ha, chiếm 25% tổng vùng nguyên liệu của cả nước. Công ty nỗ lực gia tăng các sản phẩm có biên lãi gộp tốt như đường organic - đây cũng là sản phẩm cốt lõi mà SBT hướng đến trong dài hạn. SBT chủ động ký kết hợp đồng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với nông dân từ đầu mùa vụ nhằm giảm thiểu biến động giá của nguyên liệu đầu vào; Chủ động điều phối nguồn nguyên vật liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh thông qua công ty con là nhà thương mại hàng hóa quốc tế.
SBT đang sở hữu chuỗi sản xuất khép kín "xanh" - xu hướng sản xuất của thế giới. Tháng 11/2021 vừa qua, SBT đã ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Kỹ thuật tiên tiến (IAE) đã để phát triển mô hình nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu tái tạo với tổng số vốn gần 24 triệu USD nhằm hướng đến tăng hiệu quả sử dụng bã mía để phát điện trong công nghệ sản xuất đường; Nâng cao hiệu quả tái chế năng lượng; Sản xuất carbon sinh học để lưu trữ và kinh doanh.
Rất nhiều tổ chức tài chính trong nước đang đánh giá cao triển vọng phát triển doanh nghiệp và cổ phiếu SBT tăng giá khi công ty đang dần tốt lên, chinh phục các kỷ lục mới về lợi nhuận.
SSI Research mới đây ước tính niên độ 2021-2022, doanh thu thuần của SBT đạt 20.000 tỷ, tăng 34% và lợi nhuận sau thuế 894 tỷ đồng, tăng gần 38% so với năm trước.
Dự phóng tài chính của SSI Research cho SBT
Công ty Chứng khoán Phú Hưng mới đây cũng có dự phóng doanh thu thuần SBT trong niên độ 2021-2022 là 19.104 tỷ đồng, tăng 28% với ước tính sản lượng đường tiêu thụ đạt 1,26 triệu tấn tăng 9% và mức giá bán đường bình quân tối thiểu dao động trong khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Lợi nhuận sau thuế dự phóng của SBT đạt 880 tỷ, tăng 35% với giả định biên lãi gộp ở mức 15,1% nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào. Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu SBT khoảng 34.400 đồng/cổ phiếu, tăng 44% so với giá hiện tại.
Dự phóng tài chính của PHS cho SBT
SBT gia nhập và chinh phục thị trường nước giải khát 6 tỷ USD
Là doanh nghiệp đầu ngành, SBT rất nhạy bén trong việc nắm bắt các "trend" tiêu dùng mới hướng tới sức khỏe cũng như đa dạng hóa các dòng sản phẩm. Đến nay, SBT đã cung cấp hơn 73 dòng sản phẩm đường đáp ứng nhu cầu công nghiệp và tiêu dùng của khách hàng trong nước và quốc tế. Đây là một lợi thế lớn giúp công ty có thể đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, phục vụ cho mục tiêu gia tăng thị phần trong nước lên 50%, cũng như tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế.
Năm 2021, chứng kiến cuộc tiến công của SBT vào thị trường đồ uống tỷ USD với sản phẩm nước mía đóng lon Míaha - 100% tự nhiên bên cạnh các đồ uống hương mía, nước màu trước đây. Đây là sản phẩm độc và lạ bởi nước mía vốn là thức uống giải khát đường phố, SBT đã đưa thức uống đường phố trở thành một sản phẩm công nghiệp hoá, chất lượng cao, tiện lợi phục vụ đa dạng các phân khúc người dùng.
Nước mía được biết đến là thức uống giải khát truyền thống của người Việt Nam
Thị trường nước giải khát Việt Nam được xác định là rất triển vọng về dài hạn, đã tăng bình quân 8,4% trong giai đoạn 2015-2019 với quy mô doanh thu năm 2019 đạt hơn 123.558 tỷ đồng (khoảng 5,3 tỷ USD). Theo Euromonitor, năm 2020 doanh thu ngành nước giải khát đạt tới 5,8 tỷ USD và tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2023 là 6,3%.
Hãng nghiên cứu thị trường này đánh giá, Việt Nam là thị trường đứng thứ 3 về hoạt động kinh doanh dịch vụ thực phẩm đồ uống tại khu vực ASEAN. Với hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi, Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ đồ uống tiềm năng nhất khu vực khi còn nhiều chỗ trống chưa được lấp đầy.
Báo cáo của Hiệp hội bia rượu-nước giải khát Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, mức tiêu thụ nước giải khát trung bình mỗi người Việt chỉ khoảng 23 lít/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 40 lít/năm/người của thế giới. Về số lượng, ở Việt Nam mới có trên 7.000 loại thức uống trong khi ở Nhật Bản là 14.000 loại.