Ế ẩm năm 2019, ngành than vẫn xin xuất khẩu 2,05 triệu tấn
Lượng than xuất khẩu trong năm 2019 chỉ đạt 59% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, năm 2020 ngành than vẫn tiếp tục đề nghị xuất khẩu 2,05 triệu tấn than, tương đương con số được thông qua năm 2019.
- 16-11-2019Đằng sau việc Uniqlo mất 2 năm mới đổ bộ vào thị trường Việt Nam và tại sao lại chọn vị trí trung tâm, đối diện H&M, Zara
- 16-11-2019Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Các bạn ở Nhật học xong đừng về nước ngay!
- 16-11-2019Phát triển Việt Nam thập niên 2020 có thể học tập gì từ Nhật Bản những năm 1960?
Nhật Bản không mua, than ế non nửa
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các đơn vị gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và UBND tỉnh Quảng Ninh về tham gia ý kiến đối với kế hoạch xuất khẩu than năm 2020 của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.
Dự thảo kế hoạch xuất khẩu than năm 2020 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc mà Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Năm 2019, theo kế hoạch xuất khẩu than được Thủ tướng thông qua, tổng khối lượng than xuất khẩu của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là 2.050.000 tấn. Trong đó, TKV là 2.000.000 tấn than cục, than cám 1, 2, 3; Tổng công ty Đông Bắc là 50.000 tấn than cục, than cám 1, 2, 3.
Theo báo cáo của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, khối lượng than xuất khẩu ước thực hiện năm 2019 khoảng 1.210.000 tấn (bằng 59% kế hoạch). Trong đó, TKV đạt khoảng 1.200.000 tấn (gồm 700.000 tấn than cục và 500.000 tấn tham cám 1, 2, 3, bằng 60% kế hoạch); Tổng công ty Đông Bắc đạt khoảng 10.000 tấn than cục (bằng 20% kế hoạch).
Nguyên nhân chính của việc thực hiện xuất khẩu than cục, than cám 1, 2, 3 năm 2019 thấp hơn kế hoạch là do thị trường xuất khẩu than truyền thống của TKV và Tổng công ty Đông Bắc chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và mốt số nước khu vực châu Âu với yêu cầu cao về chất lượng than và tiến độ giao hàng.
Thời điểm đầu năm 2019, giá than thế giới ở mức cao, than xuất khẩu của Việt Nam có sức hấp dẫn với các nhà sử dụng nước ngoài. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019 sau khi kế hoạch xuất khẩu than được thông qua, TKV và Tổng công ty Đông Bắc mới có cơ sở tổ chức thực hiện xuất khẩu than nên các đối tác truyền thống (đặc biệt là Nhật Bản) đã tìm kiếm nguồn than thay thế và ký kết các hợp đồng mua bán than trong năm 2019 với các nhà cung cấp khác.
"Đây cũng là thời điểm giá than thế giới có chiều hướng giảm nên việc tìm kiếm đối tác mới gặp nhiều khó khăn", dự thảo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Xuất khẩu giá "hời" hơn bán trong nước
Về kế hoạch xuất khẩu than năm 2020, theo báo cáo của TKV, Tổng công ty Đông Bắc, 2 đơn vị này đã rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ than năm 2020 theo nguyên tắc đảm bảo cung cấp tối đa than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, ưu tiên trước hết cho sản xuất điện và chỉ xuất khẩu các loại than mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng theo quan điểm phát triển của ngành than Việt Nam.
2 đơn vị này tính toán phương án pha trộn than cám 1, 2, 3 với than chất lượng thấp sản xuất trong nước để được chủng loại than cám 5a.1, 6a.1 cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện.
Bên cạnh đó, năm 2020, TKV và Tổng công ty Đông Bắc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu các chủng loại than phù hợp, có giá cạnh tranh (dự kiến khối lượng than nhập khẩu của cả 2 đơn vị năm 2020 khoảng 15 triệu tấn) về pha trộn (pha trộn giữa các loại than nhập khẩu, giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước) để được các chủng loại than đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện, đảm bảo hiệu quả.
Để giúp doanh nghiệp ngành than chủ động trong thực hiện sản xuất kinh doanh, cân đối tài chính, TKV và Tổng công ty Đông Bắc kiến nghị năm 2020 xuất khẩu tổng cộng 2.050.000 tấn than.
Cụ thể, đối với TKV, tổng lượng than xuất khẩu là 2.000.000 tấn (trong đó than cục các loại là 700.000 tấn và tham cám 1, 2, 3 là 1.300.000 tấn); với Tổng công ty Đông Bắc tổng lượng than xuất khẩu là 50.000 tấn (trong đó than cục các loại là 30.000 tấn và than cám 1, 2, 3 là 20.000 tấn).
Bộ Công Thương phân tích: Theo dự báo của thị trường than thế giới (Global Coal, Platt…), giá xuất khẩu than cám 1, 2, 3 của Việt Nam trong năm 2020 (với tỷ giá 23.350 đồng/USD) khoảng 139-145 USD/tấn.
Đối với thị trường than trong nước, giá bán than của than cám 1, 2, 3 cho các hộ tiêu thụ như sau: Khoảng 3.200.000 đồng/tấn với than cám 1; 3.100.000 đồng/tấn với than cám 2; 2.800.000-2.985.000 đồng/tấn với than cám 3.
Như vậy, nếu xuất khẩu than cám 1, 2, 3 thì giá trị kinh tế thu về cao hơn (khoảng 45.000-215.000 đồng/tấn) so với tiêu thụ than cám 1, 2, 3 cho thị trường trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho ngành than.
Cũng theo Bộ Công Thương, tổng số 2.050.000 tấn than do TKV và Tổng công ty Đông Bắc đề nghị xuất khẩu, có 1.320.000 tấn than cám 1, 2, 3. Khối lượng than cám 1, 2, 3 đề nghị xuất khẩu như trên chỉ tương đương với nhu cầu than của 1 nhà máy điện có công suất khoảng 600 MW và chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 1,4%) so với dự kiến tổng công suất điện huy động toàn quốc năm 2020 (khoảng 41.828 MW).
"Do đó, việc xuất khẩu than cám 1, 2, 3 ảnh hưởng không lớn đến kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2020 đang được Bộ Công Thương xem xét phê duyệt", Bộ Công Thương nhận định.
Sau những phân tích về sự thiệt hơn và tác động tới nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2020, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than năm 2020 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc với khối lượng và chủng loại như 2 đơn vị này đề nghị.
Theo Báo Hải quan