MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Economist: Mùa đông lạnh lẽo đang đến, châu Âu vẫn không đủ khả năng để “chia tay” Nga

29-10-2021 - 15:25 PM | Tài chính quốc tế

Economist: Mùa đông lạnh lẽo đang đến, châu Âu vẫn không đủ khả năng để “chia tay” Nga

Không hề dễ dàng. Nhưng châu Âu đã và đang dần xây dựng các nguồn thay thế.

Châu Âu phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt. Giá khí đốt vẫn duy trì ở mức cao trên toàn châu lục. Chính quyền đang chạy đua để bảo vệ các hộ gia đình khỏi khó khăn.

Theo phân tích của The Economist, có một số nguyên nhân đằng sau khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, bao gồm nhu cầu tăng cao khi các nền kinh tế phục hồi sau thời gian phong toả vì Covid-19, mùa đông kéo dài làm cạn kiệt năng lượng dự trữ và sự chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Những yếu tố này đã để lại một khoảng trống trong nguồn cung năng lượng của châu Âu.

Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, đã duy trì cung cấp khí đốt cho châu Âu. Nhưng một số nhà phê bình cho rằng đây là nước đi chính trị của điện Kremlin. Thị trường phụ thuộc vào mọi lời nói của Tổng thống Vladimir Putin. Ngày 27/10, Tổng tống Nga đã thông báo rằng sẽ có nhiều khí đốt hơn được chuyển đến châu Âu trong tháng tới, làm dịu đà tăng giá khí đốt của châu Âu.

Là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho khu vực, cuộc khủng hoảng đã phơi bày sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu châu lục này cắt giảm sự phụ thuộc đó?

Câu hỏi đặt ra không phải là các nguồn khí đốt khác có tồn tại hay không. Trung Đông và Bắc Phi rất dồi dào khí đốt tự nhiên. Algeria và Qatar đã lần lượt chiếm 8% và 5% khí đốt nhập khẩu của châu Âu năm 2019. Nhưng châu Âu phải đối mặt với sự cạnh tranh để đảm bảo các nguồn cung bổ sung.

Theo công ty tài chính AllianceBernstein, châu Á chiếm gần 3/4 lượng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu trên toàn cầu. Trung Quốc và các quốc gia khác đang mua những lô hàng vốn định vận chuyển đến châu Âu. Nhu cầu ở Mỹ Latinh cũng tăng gấp đôi trong những năm qua.

Hầu hết khí đốt châu Á được thu mua dựa trên những hợp đồng dài hạn liên quan đến giá dầu, điều mà châu Âu đã từ bỏ khi tự do hoá thị trường khí đốt. Trong khi đó, tiêu thụ khí đốt nội địa ở Trung Đông ngày càng tăng, với mức tăng 4,6% một năm trong thập kỷ qua. Điều này khiến cho lượng khí đốt xuất khẩu giảm đi.

Mỹ đã muốn thể hiện vai trò nhà cung cấp LNG thay thế. Khi chính quyền ông Trump phê duyệt xuất khẩu bổ sung năm 2019, Mỹ đã tự hào về việc cung cấp nhiên liệu cho đồng minh. Châu Âu đã tăng đơn đặt hàng LNG và Đức cũng đang có kế hoạch xây dựng trạm tiếp nhận LNG.

Nhưng hiện tại, nguồn cung từ Mỹ sẽ là sự thay thế tốn kém so với Nga. Khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ sẽ cần một khoản đầu tư lớn vào năng lực để hạ giá xuống ngang với các mức giá hiện tại. 

Châu Âu cũng tập trung vào việc xây dựng Hành lang khí đốt phía Nam, một dự án năng lượng khổng lồ ở Brussels để giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Một đoạn đường ống xuyên Adriatic (Trans Adriatic Pipeline) đã đi vào hoạt động trong năm 2020. Hiện đoạn đường ống này có khả năng vận chuyển khoảng 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ mỏ Shah Deniz ở Azerbaijan vào châu Âu.

Điều này chỉ thể hiện cho một phần nhu cầu của toàn khối, nhưng ở phạm vi nhỏ hơn, đây là một dự án đầy hứa hẹn để bổ sung cho tương lai. Ví dụ như với đường ống Interconnector Hy Lạp – Bulgaria, Azerbaijan sẽ cung cấp 33% nhu cầu khí đốt của Bulgaria.

Các dự án khác hiện đang được lên kế hoạch bao gồm đường ống dài 1.900km kết nối Israel với châu Âu, cung cấp thêm 20 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Tuy nhiên, các dự án này sẽ không cung cấp chất đốt được cho toàn bộ châu Âu. Việc ngừng sử dụng hoàn toàn khí đốt của Nga sẽ là một tham vọng quá lớn. Phần lớn khí đốt mà châu Âu tiêu thụ là từ nhập khẩu và các lựa chọn thay thế vẫn còn hạn chế.

Nhưng có những khu vực có thể phá vỡ thế độc quyền của Nga, chẳng hạn như Bulgaria và các nước Baltic. Việc bổ sung các nguồn thay thế, vi dụ như năng lượng hạt nhân là thế mạnh của Pháp, có thể giúp đa dạng hoá hơn nữa các nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu. Hiện tại, khi trời chuyển lạnh, châu Âu không đủ khả năng để ‘chia tay’ Nga.

Theo The Economist


Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên