EU vạch ra đường lối cứng rắn với Anh trong quá trình Brexit
Một chiến lược của EU về Anh rời khỏi EU (Brexit) đã được lãnh đạo khối này nhất trí thông qua. Chiến lược này thể hiện đường lối cứng rắn của EU.
- 27-04-2017Hậu Brexit: 4.000 nhân viên Deutsche Bank sắp mất việc
- 21-04-2017Vẫn "bình chân như vại" trước những rủi ro có thể ập đến vào cuối tuần này, phố Wall đã quên bài học Brexit?
- 10-04-2017Người dân Anh bắt đầu "ngấm đòn" từ Brexit
- 06-04-2017450.000 năm trước, nước Anh từng một lần 'Brexit'
- 31-03-2017Giá rau, củ, quả xuất khẩu sang Anh có thể tăng 8% sau Brexit
Tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) hôm 29/4, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua chiến lược của khối về việc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), một động thái nhằm thể hiện sự đoàn kết của liên minh trước thềm tiến trình 2 năm đàm phán khó khăn với Anh.
Những điều khoản được đưa ra trong kế hoạch chung cho thấy lập trường cứng rắn của EU trong các cuộc đàm phán để nước Anh bước ra khỏi ngôi nhà chung châu Âu.
Đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của EU kể từ khi Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, bắt đầu quá trình đàm phán Brexit.
Ngay khi bắt đầu nhóm họp, các nhà lãnh đạo EU đã nhanh chóng nhất trí thông qua đường lối chỉ đạo "cứng rắn" đối với tiến trình đàm phán Brexit. Theo đó, đàm phán về một thỏa thuận thương mại trong tương lai với Anh chỉ có thể bắt đầu một khi Anh đồng ý các điều khoản về quyền công dân cũng như chi phí Brexit.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội nghị kết thúc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, có sự thống nhất của tất cả 27 lãnh đạo quốc gia thành viên trong quá trình đàm phán với Anh. Ông Tusk cũng nhấn mạnh một số ưu tiên trong các cuộc đàm phán của EU.
“Ưu tiên số một của EU là bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho 3 triệu công dân EU sống tại Anh và hơn một triệu người Anh sống tại EU. Về vấn đề này, Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị một danh sách chi tiết và cụ thể các quyền mà EU muốn bảo vệ công dân của mình. Để đạt được các bước tiến về vấn đề này cần sự hợp tác tích cực của Anh. Tôi muốn đảm bảo với các bạn rằng ngay sau khi Anh đưa ra những đảm bảo đối với công dân EU, chúng ta sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp”.
Châu Âu cũng sẽ yêu cầu Anh tất toán các “hóa đơn” rời khỏi châu Âu phù hợp nhất có thể. Theo đó tính đến cả những cam kết về ngân sách đến ngày nước này chính thức chia tay EU với con số không chính thức vào khoảng 50-60 tỉ euro. EU cũng cho biết có thể thay đổi các điều khoản Brexit trong quá trình đàm phán, nếu cần thiết.
Những điều khoản đưa ra trong kế hoạch của khối được đánh giá là khá cứng rắn, với lời cảnh báo của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu rằng Anh “không nên ảo vọng” về việc nhanh chóng đảm bảo được mối quan hệ mới để tiếp tục tiếp cận thị trường EU.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng, Anh đang đánh giá thấp các thách thức mà nước này phải đối mặt trong quá trình Brexit, trong khi Tổng thống Pháp François Hollande thì tuyên bố, nước Anh sẽ phải trả giá cho quyết định rời khỏi EU.
Ông Hollande khẳng định, đây không phải là sự trừng phạt mà là cách để bảo vệ lợi ích khối. Nước Anh sẽ không thể có được những lợi ích như vẫn đang ở trong khối. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhất trí với cách tiếp cận theo giai đoạn của EU. Theo đó, nếu có bước tiến hướng đến việc nhất trí các điều khoản rút khỏi nhà chung trong giai đoạn đầu của các đối thoại, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu có thể thúc đẩy các cuộc đối thoại về mối quan hệ thương mại tự do tương lai lâu dài của khối.
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: “Việc thực hiện các giai đoạn rất quan trọng. Sẽ có 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất với các quyết định chính trị quan trọng về các điều khoản Anh ra khỏi Liên minh châu Âu. Sau đó chúng ta mới chuyển sang giai đoạn 2, hướng đến các cuộc đối thoại về mối quan hệ tương lai”.
Mặc dù vậy, với tuyên bố của Thủ tướng Merkel, được cho là sự thỏa hiệp giữa những lãnh đạo EU có lập trường cứng rắn không muốn các cuộc đối thoại thương mại với Anh, cho đến khi Thỏa thuận Brexit hoàn thành và một nước Anh luôn kêu gọi bắt đầu ngay lập tức các cuộc đàm phán thương mại.
Các cuộc đàm phán chính thức về Brexit sẽ chỉ bắt đầu từ tháng 6, sau cuộc bầu cử trước thời hạn ở "xứ sở sương mù". Với kế hoạch Brexit khá chặt chẽ cùng những giới hạn đỏ của Liên minh châu Âu, giới phân tích chính trị nhận định Anh khó có thể giành được lợi thế trong quá trình đàm phán.
Phản ứng trước kế hoạch mới của Liên minh châu Âu, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Anh rời khỏi EU David Davis hôm qua cho biết, Anh muốn các cuộc đàm phán diễn ra trên tinh thần thiện chí. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định đây sẽ là các cuộc đàm phán phức tạp nhất mà Anh phải đối mặt thời gian gần đây. Các cuộc đàm phán sẽ không chỉ khó khăn mà thậm chí còn cả đối đầu.