MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Evergrande: Gã khổng lồ trong ngành bất động sản Trung Quốc và quả bom nợ 130 tỷ USD

11-04-2021 - 09:49 AM | Doanh nghiệp

Chủ tịch Evergrande, ông Hui Ya Kan từng là người giàu thứ 3 Trung Quốc

Chủ tịch Evergrande, ông Hui Ya Kan từng là người giàu thứ 3 Trung Quốc

Lo ngại căng thẳng đang gia tăng trong lĩnh vực bất động sản, các nhà chức trách Trung Hoa đã đặt ra các tiêu chí được gọi là "ba đường đỏ" (three red lines) phục vụ việc đo lường ba chỉ số về sức mạnh tài chính mà các chủ đầu tư phải đáp ứng để có thể sử dụng thêm dư nợ từ những tổ chức tài chính tại nước này.

Trong thời điểm dịch Covid – 19 diễn ra phức tạp từ năm 2020 tới nay, giá trị của các bất động sản không những không giảm mà còn tăng lên với tốc độ phi mã tại những khu đô thị lớn trên toàn thế giới. Các công ty bất động sản hàng đầu thế giới trong thời điểm này, mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, vẫn được dự báo là có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ những năm tới đây. 

Evergrande – một trong những công ty bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc và thế giới, đã phần nào lấy lại vị thế sau những khó khăn vì nợ nần với doanh số bán hàng trên 100 tỷ USD; dù vậy, những khoản vay nợ khổng lồ vẫn đang níu chân ông lớn này.

Nếu là một người hâm mộ bóng đá châu Á, cái tên Quảng Châu Hằng Đại (Guangzhou Evergrande) sẽ để lại rất nhiều ấn tượng. Dưới sự hậu thuẫn của tập đoàn Evergrande, đội bóng đã chiêu mộ được những siêu sao hàng đầu thế giới như Oscar, Hulk hay huấn luyện viên Marcelo Lippi và giành được rất nhiều danh hiệu lớn. Có được điều này là nhờ vào sự chống lưng của tập đoàn Evergrande, vốn được thành lập từ năm 1996 dưới cái tên Hengda Group bởi ông Hui Ka Yan, chủ tịch và là một trong những giám đốc điều hành của Tập đoàn tới ngày nay. 

Công ty hoạt động kinh doanh ở bốn mảng chính: Phát triển Bất động sản, Đầu tư Bất động sản, Quản lý Bất động sản và Kinh doanh khác. Các sản phẩm của Evergrande chủ yếu dành cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Trung Quốc. 

Thông qua các công ty con, công ty cũng tham gia vào lĩnh vực sản xuất nước khoáng và sản xuất thực phẩm; mới đây nhất, họ còn tham gia vào lĩnh vực sản xuất xe ô tô điện. Công ty sản xuất ô tô điện của Evergrande là Evergrande New Energy hiện đang được định giá lên tới trên 50 tỷ USD, tức gấp 2 lần so với công ty mẹ.

Evergrande: Gã khổng lồ trong ngành bất động sản Trung Quốc và quả bom nợ 130 tỷ USD - Ảnh 1.

Hình ảnh trụ sở của Tập đoàn Evergrande (Ảnh: Caixin Global)

Năm 2020, doanh số bán hàng của công ty đạt 723.25 tỷ nhân dân tệ (tương đương với khoảng 110 tỷ USD), cao hơn 20.3% so với năm 2019, tuy nhiên không đạt được mức doanh thu kế hoạch là 800 tỷ nhân dân tệ do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Cũng vì Covid – 19, lợi nhuận sau thuế của công ty có phần suy giảm so với năm trước, tuy nhiên đáng kể nhất là việc họ giảm được các khoản vay nợ, vốn là gánh nặng của doanh nghiệp. Số dư nợ chịu lãi của công ty tới hết tháng 3/ 2021 (tức hết năm tài chính 2020) là 716,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 109 tỷ USD), giảm 157,8 tỷ nhân dân tệ so với tháng 3 năm trước. Mục tiêu lớn nhất của Evergrande trong năm 2021 là giảm số dư nợ nêu trên thêm 150 tỷ nhân dân tệ.

Năm 2018, công ty được đánh giá là doanh nghiệp bất động sản có giá trị nhất toàn cầu. Họ đã phát triển các dự án bất động sản tại 170 thành phố tại Trung Quốc. Tính tới hết năm này, Evergrande sở hữu 45,8 triệu mét vuông đất và các dự án bất động sản tại 22 thành phố lớn nhất Trung Quốc, đứng thứ hai trong số các công ty phát triển bất động sản tại Đại lục. 

Công ty cũng được Forbes xếp hạng 154 trong danh sách Global 2000 theo số liệu tính tới tháng 5/ 2020, với điểm đáng chú ý là doanh số bán hàng đứng thứ 125 và tổng tài sản đứng thứ 118. Nhờ vào việc công ty liên tục phát triển, ông chủ của họ là Hui Ya Kan trở thành một trong những người giàu có nhất Trung Quốc. Tính đến tháng 6/ 2019, tổng tài sản của ông này được tính toán rơi vào khoảng 30,4 tỷ USD và là người giàu thứ 3 tại Đại Lục.

Evergrande: Gã khổng lồ trong ngành bất động sản Trung Quốc và quả bom nợ 130 tỷ USD - Ảnh 2.

Chủ tịch Evergrande, ông Hui Ya Kan từng là người giàu thứ 3 Trung Quốc (Ảnh: Twitter)

Mặc dù phát triển mạnh như vậy, song vấn đề của Evergrande nằm ở chỗ họ vay nợ quá nhiều. Năm 2020, rất nhiều nhà phân tích đã cảnh báo khoản nợ ước tính lên tới 130 tỷ USD vào thời điểm cuối năm của Evergrande là quá nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid- 19. May mắn thay, Evergrande đã có đủ tiền mặt để mua lại sớm 16,1 tỷ đô la Hồng Kông (khoảng 2,1 tỷ USD) trái phiếu vào tháng 2 năm 2021, sau khi tăng vốn chủ sở hữu và cắt bỏ bộ phận quản lý tài sản của mình.

Evergrande: Gã khổng lồ trong ngành bất động sản Trung Quốc và quả bom nợ 130 tỷ USD - Ảnh 3.

Số nợ vay của Evergrande luôn ở mức cao kể từ năm 2017 (Ảnh: Financial Times)

Việc cắt giảm các khoản nợ là vấn đề sống còn của Evergrande nhằm đáp ứng chính sách đòn bẩy mới cứng rắn của Bắc Kinh đối với các nhà phát triển bất động sản. Lo ngại căng thẳng đang gia tăng trong lĩnh vực bất động sản, các nhà chức trách Trung Hoa đã đặt ra các tiêu chí được gọi là "ba đường đỏ" (three red lines) phục vụ việc đo lường ba chỉ số về sức mạnh tài chính mà các chủ đầu tư phải đáp ứng để có thể sử dụng thêm dư nợ từ những tổ chức tài chính tại nước này. Các công ty được tính điểm trên hệ thống bốn màu từ xanh lá cây đến đỏ, trong đó đỏ là mức báo động nhất. Đáng buồn thay, Evergrande đang nằm trong mức này khi vi phạm cả ba chỉ số được đưa ra, và nếu không khắc phục sớm, công ty sẽ bị loại khỏi hoạt động vay vốn - ảnh hưởng đến khả năng mua đất phục vụ phát triển dự án và đầu tư vào các doanh nghiệp mới.

Evergrande: Gã khổng lồ trong ngành bất động sản Trung Quốc và quả bom nợ 130 tỷ USD - Ảnh 4.

Evergrande vi phạm cả ba chỉ số của chính sách "ba đường đỏ" (Ảnh: Financial Times)

Như vậy, mặc dù mức tăng trưởng và vị thế của Evergrande vẫn là tương đối tốt, kể cả sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuy nhiên vấn đề vay nợ đang cản trở họ rất nhiều trong việc tiếp tục trở lại với vị thế nhiều năm trước đây. Ngành bất động sản vẫn còn rất nhiều dư địa để trở lại sau dịch Covid – 19; với lượng đất sở hữu cùng lượng dự án khổng lồ của mình, rõ ràng Evergrande đang có lợi thế vô cùng lớn. Nhưng nếu không thể xử lý "gót chân Achilles" của mình, họ có thể sẽ không thực hiện được tham vọng lớn lao của mình dưới sự thắt chặt chính sách từ những nhà làm luật tại Trung Quốc.

Phạm Tiến Đạt

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên