MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EY bị cấm phần lớn hoạt động tại Đức, kế hoạch tách làm đôi trì hoãn vô thời hạn: Vì đâu nên nỗi?

16-04-2023 - 01:52 AM | Tài chính quốc tế

EY bị cấm phần lớn hoạt động tại Đức, kế hoạch tách làm đôi trì hoãn vô thời hạn: Vì đâu nên nỗi?

Thời gian gần đây, EY, một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất, uy tín nhất trên thế giới, đang vướng phải nhiều rắc rối.

Các nhà quản trị của NMC, công ty vận hành bệnh viện có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán London, kiện đòi EY bồi thường 2,7 tỷ USD. Họ buộc tội EY dù đã kiểm toán NMC nhưng lại không đánh giá đúng về khoản nợ 4 tỷ USD.

EY còn đang bị điều tra bởi FRC, cơ quan chịu trách nhiệm tăng cường chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Anh.

Ngày 31/3, danh tiếng của EY bị tổn hại nghiêm trọng khi chi nhánh tại Đức nhận án phạt nặng nhất từ trước đến nay của cơ quan giám sát hoạt động kiểm toán APAS. EY không chỉ phải nộp phạt 548.000 USD mà còn bị cấm cung cấp dịch vụ kiểm toán mới tại Đức trong vòng 2 năm.

Và mới đây nhất, đại dự án “Everest” nhằm chia tách hoàn toàn 2 mảng tư vấn và kiểm toán đã chính thức đổ bể vì gặp phải sự phản đối của một nhóm partner tại Mỹ.

Quyết định của APAS được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài 3 năm về vai trò của EY trong vụ sụp đổ của Wirecard. Từ “ngôi sao sáng” của ngành fintech, Wirecard đã trở thành vụ bê bối doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử nước Đức từ sau thế chiến. Đáng nói là EY đã khẳng định Wirecard hoàn toàn khỏe mạnh trong suốt 1 thập kỷ, cho tới tận khi công ty này sụp đổ vào năm 2020 với cáo buộc gian lận tài chính nghiêm trọng.

Theo APAS, từ năm 2016 đến 2018, EY đã vi phạm chuẩn mực cẩn trọng khi thực hiện kiểm toán Wirecard và Wirecard Bank. 5 người gồm cả nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của EY cũng bị phạt từ 23.000 đến 300.000 euro. 7 người khác đang bị điều tra nhưng đã tránh được hình phạt bằng cách chấp nhận bị tước giấy phép hoạt động.

Sau một loạt bê bối trong những năm gần đây, thực chất thì EY vẫn đang cố gắng rút ra những bài học quan trọng và trở nên tốt hơn. Năm 2021, công ty tuyên bố sẽ đầu tư 2 tỷ USD trong 3 năm sắp tới để cải thiện khả năng kiểm toán, trong đó có nâng cấp công nghệ để phát hiện gian lận nhanh hơn và chính xác hơn.

Tuy nhiên, trong ngành kiểm toán vẫn chấp nhận 1 sự thực là không kiểm toán viên nào có thể đảm bảo bản thân sẽ không bao giờ mắc sai lầm. Những vụ bê bối như Wirecard và NMC là ví dụ điển hình cho cái gọi là “khoảng cách kỳ vọng” trong kiểm toán. Kiểm toán viên luôn khẳng định không nên coi dịch vụ của họ là sự đảm bảo chắc chắn, và cũng lưu ý thêm rằng về bản chất thì những vụ gian lận rất khó bị phát hiện.

Năm 2020, Deloitte bị FRC phạt 19 triệu USD vì “những thất bại nghiêm trọng và mang tính dây chuyền” khi kiểm toán công ty phần mềm Autonomy. HP, tập đoàn Mỹ đã mua Autonomy năm 2011, thừa nhận Autonomy đã gian lận kế toán.

Nhưng các nhà quản lý luôn nghĩ rằng ngành kiểm toán có thể tiến bộ hơn nữa, bằng cách tăng tính cạnh tranh. Ví dụ, các doanh nghiệp ở châu Âu bắt buộc phải thay đổi kiểm toán viên sau 10 năm. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, kiểm toán vẫn là 1 ngành có tính độc quyền cao.

Nhóm Big Four – gồm Deloitte, EY, KPMG và PWC – hiện đang kiểm toán gần như toàn bộ các công ty đại chúng lớn tại châu Âu và Mỹ. Điều này dẫn đến họ không có động lực để đầu tư vào chất lượng kiểm toán. EY hiện đang kiểm toán 12 trong số 40 công ty trong chỉ số DAX, trong đó có những ông lớn như Deutsche Bank và Volkswagen. 3 đối thủ còn lại là PWC, KPMG và Deloitte lần lượt cung cấp dịch vụ kiểm toán cho 12, 10 và 5 công ty trong DAX.

Sang năm, một số công ty trong chỉ số DAX sẽ phải quyết định liệu có thay đổi đơn vị kiểm toán hay không. 3 công ty Siemens, Siemens Energy và Siemens Healthineers mới đây đã thông báo sẽ kết thúc hợp đồng với EY. Các công ty muốn tìm công ty kiểm toán mới sẽ không thể tìm đến EY vì lệnh cấm.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên