MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fed tăng lãi suất lần thứ 2 trong 3 tháng: Vì sao có chuyện "ngược đời" là giá vàng tăng, USD giảm?

Rạng sáng ngày 16/3 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 0,75 – 1%. Thế nhưng, thay vì giá vàng giảm và USD tăng, thị trường đã diễn biến theo chiều ngược lại.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
290 bài viết

Trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp của Chủ tịch HĐQT BIDV, ông cho biết lần tăng lần này khá sớm, bởi thông thường, Fed thường điều chỉnh lãi suất vào tháng 6 hoặc tháng 12 của mỗi năm.

“Điều này thể hiện nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đã phục hồi ở mức ấn tượng. Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ”, ông Cấn Văn Lực nói.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng động thái của Fed có thể lường đón những chính sách mới của tân Tổng thống Donald Trump về việc nới lỏng tài khoá, giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp quay về Mỹ sản xuất.

“Điều này cũng tạo ra động lực tăng trưởng rất “nóng” tại thị trường Mỹ và Fed cần phải có những động thái chính sách sớm để kiểm soát, đặc biệt là lạm phát”, ông Lực nhận xét.

Do đó, ông cho rằng thời điểm tăng hôm nay (giờ Việt Nam) là khá phù hợp. Tuy nhiên, đối với kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, quyết định của Fed có 4 tác động.

Thứ nhất là tác động đến vấn đề lãi suất. “Khi Fed tăng lãi suất thì lãi suất đồng đô la Mỹ toàn cầu sẽ tăng theo, trong đó có Việt Nam”, ông nói.

Thứ hai, tỷ giá cũng sẽ chịu áp lực. Cụ thể, hành động của Fed lần này cộng với chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khiến cho đồng USD được dự báo tăng lên khá nhiều trong năm 2017. Đồng USD tăng sẽ tạo áp lực giảm giá đối với nhiều loại ngoại tệ khác nhau, trong đó có đồng Việt Nam.

Thứ ba, dòng vốn đầu tư cũng có áp lực chuyển dịch. Dòng vốn này từ các nước đang phát triển, trong đó có thể có Việt Nam, có khả năng sẽ bị rút khỏi để quay về Mỹ, EU đầu tư với lãi suất cao hơn.

Thứ tư là tác động đến nợ công và nợ nước ngoài của nhiều nước. Trên thực tế, nợ nước ngoài nhiều nước vẫn được tính bằng đồng USD với lãi suất của USD.

“Nợ nước ngoài của toàn cầu ở các nước đang phát triển tăng rất nhanh trong 7- 8 năm qua, gần như tăng gấp đôi. Do đó, việc nâng lãi suất lần này sẽ tạo ra gánh nặng trả nợ rất lớn”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định trong 4 rủi ro trên, Việt Nam cần chú ý đến lãi suất và tỷ giá. Bởi đối với nợ nước ngoài, theo ông là không đáng quan ngại do cơ cấu từng các loại ngoại tệ của chúng ta đang dung hoà lẫn nhau, “đồng này tăng lại được bù lại bởi đồng kia giảm”.

“Còn vấn đề dịch chuyển dòng vốn thì 2 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, chứng tỏ Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và dòng vốn chưa dịch chuyển đi. Nhưng chúng ta không thể chủ quan”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Đối với hiện tượng vàng tăng, USD giảm ngay trong sáng nay, TS. Cấn Văn Lực cho rằng đây là hiện tượng rất thú vị. Ông lý giải rằng thực tế các nhà đầu tư đã dự báo được hành động của Fed từ 1 tháng trước đó khiến cho giá USD cũng như các chỉ số chứng khoán tăng rất tốt trong 1 tháng qua.

“Tuy nhiên, đến khi Fed hiện thực hoá điều này, thì các nhà đầu tư lại rơi vào trạng thái băn khoăn liệu có thế xảy ra 4 rủi ro như tôi đã phân tích không, tạo rủi ro, trái chiều, tiêu cực với nhiều nước. Khi rủi ro được dự báo thì lập tức giá vàng sẽ tăng lên, về mặt logic có thể khó hiểu nhưng nó là thực tế”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên