Fed và ngân hàng trung ương các nước đã làm gì trong 24 giờ qua?
Đầu tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục đưa ra một loạt các biện pháp kích thích đối với nền kinh tế. Ngay sau đó, các Ngân hàng trung ương trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, đều có những động thái tương tự, bao gồm hạ lãi suất và thực hiện các biện pháp tăng thanh khoản cho thị trường.
- 17-03-2020Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, cao nhất chỉ còn 4,75%/năm
- 17-03-2020Hạ mạnh một loạt lãi suất điều hành lúc này sẽ tác động thế nào lên tỷ giá, lạm phát?
- 16-03-2020Ngân hàng Nhà nước hạ mạnh một loạt lãi suất điều hành, áp dụng từ 17/3
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất xuống gần mức 0
Cục Dự trữ Liên bang mới đây đã tiếp tục giảm lãi suất cơ bản xuống gần mức 0 sau khi cắt giảm lãi suất đột ngột 0,5 điểm phần trăm vào đầu tháng 3 vừa qua. Lãi suất 0-0,25% cũng là dải lãi suất mà nền kinh tế lớn nhất thế giới này duy trì suốt giai đoạn sau khủng hoảng tài chính 2008 đến năm 2015. Fed đồng thời cũng cam kết sẽ tăng nắm giữ trái phiếu ít nhất 700 tỷ USD.
Ngoài ra, Fed còn công bố một số biện pháp khác, bao gồm cho phép các ngân hàng vay chiết khấu trong 90 ngày và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0%. Cơ quan này còn hợp tác với các ngân hàng trung ương của Nhật Bản, Anh, khu vực đồng Euro, Canada và Thụy Sĩ để đảm bảo đồng đô la có sẵn trên toàn thế giới thông qua các đường trao đổi.
Ngân hàng trung ương nhiều nước đồng loạt hạ lãi suất, bao gồm cả Việt Nam
Chiều muộn ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hạ mạnh một loạt lãi suất điều hành. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%; lãi suất OMO giảm từ 4% xuống 3,5%; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 6% xuống 5,5%; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 1%...
Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) cũng đã cắt giảm lãi suất chính 50 điểm cơ bản, xuống 0,75% trong một cuộc họp khẩn cấp hôm 16/3. Cơ quan này sẽ có một cuộc họp định kỳ vào 9/4 tới và một số chuyên gia xem đây là một dịp nữa để nước này cắt giảm lãi suất.
Ngân hàng trung ương Sri Lanka đã cắt giảm lãi suất cho vay 25 điểm cơ bản, xuống còn 7,25% trong một quyết định đột xuất vào hôm qua (16/3). Cơ quan này cho biết rằng hỗ trợ nền kinh tế là một nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cho biết bắt đầu từ 20/3, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc sẽ được cắt giảm từ 10% xuống còn 8% đối với các ngân hàng có tăng trưởng cho vay thực tế tuân thủ các thay đổi được công bố vào tháng 8 năm ngoái. Lãi suất sẽ bằng 0 đối với những ngân hàng có tín dụng thực tế không phù hợp với các biện pháp được công bố trước đây về dự trữ bắt buộc.
Ngân hàng dự trữ New Zealand (RBNZ) đã tuyên bố cắt giảm khẩn cấp lãi suất 75 điểm cơ bản, xuống còn 0,25% và cam kết sẽ giữ mức tỷ lệ mới này trong ít nhất 1 năm. Nếu cần kích thích hơn nữa, RBNZ cho biết sẽ nới lỏng định lượng lần đầu tiên trong lịch sử nước này bằng cách thực hiện các giao dịch mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn.
Ngân hàng trung ương Kuwait đã giảm lãi suất 100 điểm cơ bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã hạ lãi suất xuống 75 điểm cơ bản hôm 16/3 ngay sau khi Fed hạ lãi suất khẩn cấp lần thứ 2 trong tháng này. Nhiều nước ở vùng vịnh có đồng nội tệ được neo giá theo đồng đô la và có xu hướng theo dõi chặt chẽ các động thái của Fed.
Như thường lệ, sau khi Fed hạ lãi suất, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông ngay lập tức giảm 64 điểm cơ bản xuống còn 0,86%. Đó là cũng là mức giảm lãi suất thứ hai trong tháng này của Hồng Kông.
Một số ngân hàng khác thực hiện các biện pháp tăng thanh khoản cho thị trường
Tập trung nhiều hơn vào thanh khoản, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã bơm 100 tỷ nhân dân tệ thông qua công cụ cho vay trung hạn một năm vào hôm 16/3, giữ lãi suất không đổi ở mức 3,15%. Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng có đủ điều kiện, cũng có hiệu lực từ 16/3, sẽ giải phóng khoảng 550 tỷ nhân dân tệ (tương đương 78,57 tỷ USD) thanh khoản trong hệ thống tài chính.
Ngân hàng Nhật Bản đã tăng gấp đôi mục tiêu mua ròng của các quỹ ETF lên 12 tỷ yên trong khi vẫn giữ lãi suất chủ chốt ổn định trong cuộc họp ngày 16/3. Ngân hàng trung ương nước này cũng giới thiệu một chương trình cho vay mới để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thất bởi dịch bệnh. Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết ngân hàng trung ương sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn khi cần thiết, với việc mua thêm trái phiếu cũng như cắt giảm lãi suất.
Ngân hàng dự trữ Úc sẽ cung cấp các hoạt động mua lại nhiều hơn và trong thời gian dài hơn để đảm bảo thị trường tín dụng hoạt động trơn tru sau khi nước này đạt được mức thanh khoản kỷ lục là 8,8 tỷ đô la Úc (5,4 tỷ USD) trong hoạt động thị trường mở thông thường. Đồng thời, Úc cũng cam kết nhiều hoạt động mua lại ngắn hạn hơn nữa để hỗ trợ thị trường tài chính và các doanh nghiệp nhỏ. Nước này cho biết họ đã sẵn sàng cho việc mua trái phiếu chính phủ và sẽ công bố kế hoạch vào ngày 19/3.
Thống đốc ngân hàng trung ương Philippines, ông Benjamin Diokno, người sẽ công bố quyết định lãi suất vào thứ Năm tuần này 19/3, báo hiệu ông có thể cắt giảm hơn 25 điểm cơ bản.
Trong ngày đầu tiên nhậm chức, Thống đốc Ngân hàng Anh - Andrew Bailey cam kết sẽ hành động nhanh chóng, bất cứ khi nào cần thiết để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế từ đại dịch coronavirus. BOE trong tuần trước cũng đã cắt giảm khẩn cấp lãi suất xuống 50 điểm cơ bản.
Ngân hàng Israel hôm 15/3 cho biết họ đã mua trái phiếu chính phủ lần đầu tiên kể từ năm 2009 để làm dịu đi tâm lý hoảng loạn và tăng tính thanh khoản cho thị trường - bước đi khẩn cấp mới nhất của ngân hàng này nhằm đối phó với sự bùng phát của coronavirus. Hôm qua 16/3, ngân hàng đã bắt đầu sử dụng các giao dịch hoán đổi đô la - shekel với kỳ hạn một tuần, một công cụ mới để cung cấp thanh khoản đô la cho các ngân hàng địa phương.
Hôm 16/3, ngân hàng trung ương Ấn Độ, đã thực hiện một số biện pháp tăng tính thanh khoản và không loại trừ việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Tư tới. Các biện pháp bao gồm các hợp đồng hoán đổi đồng đô la - rupee và tăng cường bơm 1 nghìn tỷ rupee tiền mặt (13,5 tỷ USD) thông qua các hoạt động repo dài hạn, Thống đốc Shaktikanta Das nói với các phóng viên ở Mumbai.
Tham khảo: Bloomberg