Food Blogger Ninh TiTô: Nghề review nhiều thử thách, đam mê thôi chưa đủ, phải đam mê lớn hơn
Ninh Titô là cái tên không còn xa lạ với giới trẻ Việt, đặc biệt là những ai đam mê nội dung liên quan đến ẩm thực. Theo đuổi Food Review từ những ngày đầu, Ninh TiTô cho biết, công việc này không ‘nhàn hạ’ như những gì mọi người thường nghĩ.
- 01-07-2022Doanh nhân Đỗ Cao Bảo kể chuyện về người từ chối trở thành tỷ phú đô-la đầu tiên của Việt Nam
- 29-06-2022Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam
Food Reviewer hay Food Blogger là những người chủ yếu hoạt động trên các diễn đàn, trong các cộng đồng về F&B hay trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram… Bằng trải nghiệm cá nhân, họ sẽ đăng những tấm ảnh đẹp, những video sinh động nêu cảm nhận của mình về các món ăn.
Chia sẻ về những kinh nghiệm mình có được, Ninh TiTô cho biết: "Bạn càng nổi tiếng thì thử thách càng nhiều. Ngay cả khi bạn có chuẩn bị tinh thần trước sẽ có nhiều trái chiều, đến khi làm rồi nhiều lúc bạn cũng sẽ bỡ ngỡ và lúng túng. Những thử thách ấy có khi còn vượt qua sự tưởng tượng của bản thân (cười)".
Là một trong những Food Reviewer ‘đời đầu’, theo Ninh, lĩnh vực này đã thay đổi như thế nào từ khi xuất hiện đến nay?
Về Food Review, đúng là, Ninh may mắn là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên, có thể tạm gọi là ‘khai phá’ nghề này ở Việt Nam.
Thời điểm ban đầu, khi Food Review chưa được định hình là một nghề, mọi người vẫn tự hỏi: ‘Tại sao đi ăn lại phải phụ thuộc vào một người khác trải nghiệm trước và chia sẻ như vậy?’.
Chưa kể, thời điểm đấy, thu nhập từ công việc này cũng còn thấp lắm. Bởi trước người ta không coi đây là một cách để truyền thông. Mọi người vẫn nghĩ về những cách làm truyền thống, như báo chí, truyền hình phỏng vấn hay chụp ảnh phát tờ rơi. Cho đến khi nghề này xuất hiện, thì mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Sau khoảng 5 năm, hiện tại, Food Review đã trở thành nghề khá phổ biến.
Thật ra, bản thân Ninh không nghĩ mình là một "Reviewer". Bởi vì, Food Review là một công việc phổ biến ở quốc tế, đòi hỏi rất nhiều các yếu tố khác nhau và tính chuyên môn rất cao. Thậm chí, một Reviewer có thể tác động đến sự tồn tại của một nhà hàng. Mọi người có thể gọi Ninh là Food Blogger hay Blogger đều được vì mình có viết, có quay clip chia sẻ lại nhưng ở Việt Nam luôn mặc định người làm nghề này là Food Reviewer.
Nhìn lại quá trình làm nghề, theo Ninh, cần làm gì để nội dung luôn khiến người xem cảm thấy mới mẻ và thú vị?
Để khán giả luôn cảm thấy thú vị, Ninh nghĩ bạn luôn phải đổi mới trong chính nội dung của mình. Ví dụ, trước đây Ninh luôn nghĩ mình nấu ăn không hợp nhưng khi làm sang các nội dung về nấu ăn, mọi người lại thích.
Hay trước đây Ninh cũng sợ việc có khách mời vì nghĩ clip sẽ không chủ động theo ý mình được. Tuy nhiên, đến khi làm, Ninh mới thấy mình có thể xử lý các vấn đề phát sinh và khi có thêm người khác, nội dung sẽ hay hơn vì có thêm yếu tố cá tính mới từ khách mời.
Vì vậy, quan trọng bạn có chịu đào sâu, có dám thử những cái mới và có chịu khó để làm hay không? Nếu chỉ nghĩ và sợ thì hẳn bạn sẽ không trải nghiệm được những điều mới mẻ mà chỉ đi theo một lối mòn.
Đã có những thành công và có lượng người theo dõi nhất định, có cả giải thưởng nữa, theo Ninh, những yếu tố nào sẽ làm nên thành công trong lĩnh vực này?
Đến thời điểm này, bản thân Ninh cảm thấy mình chưa đủ để nói là thành công đâu (cười).
Nhưng nếu để chia sẻ quan điểm cá nhân, thì theo Ninh, trước hết các bạn cần có đam mê lớn. Nghề này đam mê thôi thì chưa đủ, phải là đam mê lớn. Nếu không có đam mê lớn, các bạn sẽ chán nhanh, vì lên cân, vì người ta xì xào về mình quá nhiều, vì các bạn cảm thấy không còn là chính mình.
Điều thứ hai sau đam mê lớn, là các bạn phải biết mình là ai, và mình muốn làm gì trong nghề này. Hay 5 năm, 10 năm nữa mình muốn trở thành ai, để định hướng bản thân theo kế hoạch đó. Nghề này nếu làm vì thích thì chỉ được vài tháng, bạn nào dài nhất thì được 1 năm.
Yếu tố thứ ba bạn cần là sự kiên trì. Ngay cả khi bạn đã vạch ra một kế hoạch tốt, thì cũng không có gì chu toàn cả. Bạn chẳng thể xác định được đến một thời điểm mình có ‘phốt’ gì không (cười), hay thời điểm nào đấy gia đình gặp vấn đề và mình có kiên trì được với công việc không. Sự kiên trì rất quan trọng, kiên trì để khán giả biết đến mình, thậm chí biết đến mình là một người rất chăm chỉ và sáng tạo.
Chưa cần biết bạn có nhiều tiền và có sáng tạo hay không, chỉ cần ba yếu tố này thôi Ninh tin bạn có thể làm được nghề.
Ngoài ra, Ninh nghĩ bạn cũng cần giữ được tinh thần vững. Bạn càng nổi tiếng thì thử thách càng nhiều. Ngay cả khi bạn có chuẩn bị tinh thần trước sẽ có nhiều trái chiều, đến khi làm rồi nhiều lúc bạn cũng sẽ bỡ ngỡ và lúng túng. Những thử thách ấy có khi còn vượt qua sự tưởng tượng của bản thân (cười). Bạn sẽ chẳng thể nào làm mọi việc hoàn hảo trong mắt mọi người, chỉ có thể cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Thế Ninh có đọc các bình luận về mình trên mạng hay không?
Thời gian 2 năm đầu, Ninh đọc hết mọi bình luận, cái gì cũng đọc. Tất cả các hội nhóm kể cả không có mình trong đấy nhưng mọi bình luận vẫn đến tai mình và Ninh để bản thân bị áp lực về điều đó. Cứ đọc xong rồi buồn, cảm thấy cuộc sống rất tồi tệ, bởi vì rõ ràng mình đã rất cố gắng. Họ không bình luận nhiều về đời tư mà chủ yếu về ngoại hình, body shaming, việc đó làm mình mất đi sự tin vào bản thân.
Về sau, Ninh có nói chuyện với các anh chị lớn hơn trong nghề, và tự bản thân nhận ra mình chỉ nên tiếp nhận những góp ý về công việc hay cách mình làm sáng tạo. Còn lại, những bình luận về ngoại hình, mình nên để ngoài tai, họ nói họ nghe, mình không nghe mình sẽ thoải mái.
Ngoài ra, cũng có nhiều bình luận xung quanh việc đi ăn theo Ninh TiTô có ngon hay không, Ninh TiTô có quảng cáo hay không? Thời gian đầu, các nhãn hàng không thích mình nói trong clip là mình đang quảng cáo. Về sau, Ninh buộc phải thuyết phục nhãn hàng mình sẽ nói bản thân đang sử dụng sản phẩm và đang quảng cáo thì khán giả bớt nói về điều đó hơn.
Ninh nghĩ ai cũng cần vượt qua giai đoạn đấy và vượt qua rồi mới có bản lĩnh được. Không ai mới vào đời, vấp vào một hố lớn thế mà có thể tự tin đứng dậy được, luôn luôn phải có bài học nhưng lâu hay nhanh là do bạn.
Có thể thấy, thị trường Food Review ngày càng cạnh tranh gay gắt, vậy làm thế nào để kênh Ninh TiTô duy trì sức hút đối với khán giả?
Hiện nay, ngày càng nhiều bạn trẻ làm YouTube và đặc biệt sau đợt dịch Covid-19. Rất nhiều nhà sáng tạo nội dung từ các mảng khác như du lịch, đời sống, làm đẹp cũng chuyển hướng sang nghề này.
Có vẻ, mọi người cảm thấy mảng đồ ăn là dễ nhất để bắt đầu làm YouTube, nên đúng là thị trường đang cạnh tranh hơn rất nhiều.
Còn với mình, Ninh nghĩ khác biệt lớn nhất của kênh Ninh TiTô là sự chỉn chu trong từng sản phẩm, mình đầu tư về chất lượng hình ảnh, âm thanh và cả kịch bản.
Đã từng có một khoảng thời gian, Ninh cảm thấy mình không còn là mình vì nhận quảng cáo quá nhiều rồi cứ phải chạy theo ý kiến của người xem. Ninh quên mất rằng mình có cá tính hay có chất riêng như thế nào từ đầu.
Nếu cứ chạy theo mọi người thì rất mệt cho mình khi sáng tạo và bản thân người xem cũng không cảm thấy thoải mái. Thời điểm đó, khán giả bắt đầu đi xem những kênh khác, nhưng may mắn đến khi mình nhận ra và chỉnh sửa, mọi người bắt đầu quay trở lại, kênh Ninh TiTô bắt đầu có lại lượt tương tác. Vì vậy, Ninh nghĩ vẫn phải là chính mình thôi (cười).
Nhiều người nghĩ công việc này rất nhàn hạ, vì đã được trả tiền rồi lại được đi chơi, đi ăn. Ninh nghĩ gì về điều đó?
Nhiều người khi bắt đầu cũng nghĩ vậy thật. Nhưng dần dần, tự bản thân bạn sẽ cảm nhận được, nghề này rất khắc nghiệt. Mỗi người một sở thích, mỗi người một khẩu vị, chưa kể khi có quá nhiều bạn làm thì yêu cầu của mọi người đối với nghề này sẽ cao hơn.
Nên, không dễ như mọi người nghĩ, cả với người ngoài nghề và người trong nghề. Đặc biệt, khi bạn bắt đầu thương mại hoá, đồng tiền chi phối rất nhiều. Các bạn có thể sẽ phải thay đổi câu chữ khi review, hoặc bạn sẽ không được chê, hay sẽ bị hạn chế, không được làm cái này cái kia. Và quan trọng là, khi nhận quảng cáo đại trà, uy tín của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Thậm chí, gần đây, khi lĩnh vực Food Review bùng nổ và đi theo chiều hướng thương mại hoá sâu, thì việc review cũng không còn được coi trọng như trước. Đối với Ninh, đây là khó khăn lớn nhất với các bạn muốn làm. Để khiến khán giả tin vào lời review của mình thì không dễ chút nào.
Người ta thường nghĩ những người làm Food Review sau một thời gian sẽ làm thêm mảng kinh doanh, trong tương lai Ninh có dự định mở một cửa hàng hay thương hiệu mang tên mình hay không?
Quan sát các nghệ sỹ, hay những người có tầm ảnh hưởng khác, Ninh cảm thấy, nếu tất cả mọi dựa vào thương hiệu cá nhân thì rất khó để có một sự phát triển lâu dài. Nên nếu có chuyển sang hướng kinh doanh, Ninh nghĩ mình sẽ kinh doanh trên một thương hiệu khác và chỉ đứng phía sau thôi.
Còn ở thời điểm hiện tại, vì luôn muốn có một sản phẩm mang lại giá trị lâu dài và sâu sắc, nên Ninh cũng đã cho ra mắt một ấn phẩm về ẩm thực và phong cách sống, xuất bản dưới dạng sách với tên gọi là "Nếm".
Ninh có hài lòng với Nếm không?
Mặc dù "Nếm" cũng được khá nhiều người đón nhận đấy. Nhưng ưng ý không thì Ninh vẫn cảm thấy chưa thực sự ưng ý.
Ninh thấy mình còn thiếu kinh nghiệm trong mảng xuất bản, và càng làm càng thấy thiếu kiến thức chuyên môn. Vì vậy, ngay trong quá trình đang sản xuất "Nếm" thứ 2, Ninh quyết định dừng lại và rẽ sang một hướng khác.
Ninh quyết định mở "Nếm Creative", công ty sản xuất nội dung số, đặc biệt cho lĩnh vực F&B, và tìm được nhiều bạn trẻ có cùng đam mê. Đến bây giờ công ty cũng hoạt động được gần 1 năm, cũng có những bước đi được coi là thành công.
Có ý kiến cho rằng tuổi nghề của YouTuber thường không cao, Ninh suy nghĩ như thế nào về ý kiến này? Ninh có ý định sẽ "nghỉ hưu" không làm YouTuber nữa không?
Thật ra, Ninh nghĩ tuổi nghề ở đây là sự phát triển lớn nhất trong một chặng đường. Đến bây giờ những người làm YouTube đời đầu, khoảng 10 năm trước, họ vẫn làm YouTube nhưng họ dừng lại ở mức duy trì và có các hoạt động kinh doanh riêng. Còn với riêng Ninh, nếu hỏi Ninh có nghỉ hẳn làm YouTube không thì chắc là không.
Đến bây giờ, Ninh không chạy theo vấn đề phải xuất hiện đều nữa. Mình muốn tập trung vào các dự án lớn với chất lượng tốt hơn, cũng như có nhiều dự án cho cộng đồng hơn, mà không phải lúc nào mình cũng xuất hiện trên đó.
Ninh cũng muốn các sản phẩm của mình sẽ bán được lên các nền tảng số. Vì thế, để tiếp cận được nhiều khán giả hơn thì đòi hỏi chất lượng cũng phải tốt hơn.
Ngoài ra, ở thời điểm này, cũng có một vài cơ hội đến với mình, Ninh bắt đầu lấn sân một chút sang mảng diễn xuất và giải trí. Mặc dù vậy, Ninh không muốn mọi người nghĩ mình là một nghệ sỹ đa năng. Ninh luôn tự nhủ dù mình phát triển đa nền tảng, đa nội dung nhưng khi nhắc đến mọi người phải biết Ninh TiTô gắn liền với F&B, là một influencer, một KOL trong ngành F&B. Cơ hội nào mình cũng nắm bắt, những việc nào cũng làm thì sẽ rất khó để định hình mình trong lòng khán giả.
Có thể thấy TP. HCM là mảnh đất rất nhiều cơ hội phát triển, rất nhiều YouTuber hay Food Reviewer đã ‘Nam tiến’, nhưng Ninh lại chọn ở Hà Nội. Vì sao vậy?
Theo bạn tại sao mọi người lại mặc định làm truyền thông, làm sáng tạo là phải vào TP. HCM? Rõ ràng là trong TP. HCM có rất nhiều người giỏi từ Hà Nội và những nơi khác chuyển vào, vậy tại sao mình không tự tạo một môi trường ở ngoài này và phát triển nó?
Có thể mình không thay đổi được cục diện, nhưng mình muốn sẽ là một trong những người đầu tiên góp phần để cộng đồng sáng tạo ở Hà Nội phát triển hơn, đặc biệt là mảng F&B.
Mặc dù có thể vào TP. HCM sẽ nhiều tiền, nhiều cơ hội, tên tuổi của mình sẽ phát triển nhanh hơn. Nhưng nếu ai cũng vậy, thì Hà Nội - với rất nhiều nét riêng, ai sẽ là người ở lại chăm sóc, phát triển thị trường này? Vì thế, Ninh quyết tâm phát triển sự nghiệp ở đây, mặc dù có lẽ mình chỉ là một trong số ít những người ở lại.
Ninh có thể tiết lộ gì về những dự án sắp tới, và trong số đó có dự án nào gắn liền với Hà Nội không?
Về một số dự định trong thời gian tới, Ninh sẽ có một dự án tạm đặt tên là "Gánh hàng rong". Ở đó, Ninh sẽ chia sẻ lại các câu chuyện mình bất chợt gặp của những người lao động, như người đẩy thùng, đẩy xe, buôn bán nhỏ lẻ ở vỉa hè. Mọi người sẽ được lắng nghe những khó khăn của họ trong nghề, những câu chuyện vượt lên nghịch cảnh.
Ngoài ra, Ninh muốn đẩy mạnh về du lịch, nhưng không phải chỉ là Ninh đi trải nghiệm nữa mà sẽ có thêm khách mời với nhiều câu chuyện khác nhau. Mọi người có thể tìm hiểu được văn hóa địa phương một cách rất địa phương chứ không phải theo tour du lịch cũng như tìm hiểu được câu chuyện nghề của các khách mời.
Thứ ba, mình cũng muốn đồng hành để giúp Nếm thực sự trở thành một agency sản xuất nội dung số, không chỉ cho mỗi Ninh mà cho cộng đồng F&B ở Hà Nội và có thể sau đó là ở Việt Nam. Như mình đã nói, mình rất muốn phát triển Nếm để định hình lại suy nghĩ của mọi người, để TP. HCM sẽ không còn là sân chơi lớn duy nhất nữa, mà các bạn ở Hà Nội cũng có nhiều cơ hội tốt như ở TP. HCM.
Cảm ơn chia sẻ của Ninh!