Foxconn – đối tác tiềm năng của VinFast có thực lực đến đâu trong ngành xe điện?
Foxconn thể hiện sự nghiêm túc trong việc đầu tư vào lĩnh vực xe điện. Họ đã bắt tay với hàng loạt đối tác lớn trong việc ra mắt nền tảng kết nối cũng như linh kiện xe.
- 11-03-2021VinFast bán hơn 1.700 xe trong tháng 2, Fadil vẫn là "ngôi sao"
- 10-03-2021Lộ diện mẫu xe máy điện sắp tới của VinFast?
Foxconn được xem là "công xưởng" của cả thế giới. Ngoài việc sản xuất iPhone, iPad và các thiết bị điện tử tiêu dùng cho Apple, hãng còn là đối tác của hàng loạt hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Tính đến năm 2020, hãng này có khoảng 1,29 triệu nhân viên trên toàn cầu, nhiều hơn quân đội của bất cứ quốc qia nào, trừ Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Thế mạnh lớn nhất của Foxconn từ trước đến nay vẫn là sản xuất. Do đó, khi xuất hiện thông tin Foxconn muốn tham gia vào lĩnh vực xe điện, người ta thực sự bất ngờ và tự hỏi, Foxconn có thực lực ra sao để tự tin gia nhập cuộc chơi của những "đại gia" khét tiếng nhất thế giới cho một thứ sản phẩm hoàn toàn mới mẻ cho tương lai.
Thực tế, tham vọng của Foxconn từ lâu đã là tìm kiếm các mảng kinh doanh mới, tránh phụ thuộc vào Apple. Và lần này, ván bài họ muốn đánh cược chính là xe điện (EV).
Tại sự kiện Hon Hai Tech Day 2020 (16/10/2020), công ty này công bố MIH, một "nền tảng mở các giải pháp phần cứng và phần mềm cho xe điện", với mục tiêu trở thành "hệ thống Android của ngành công nghiệp xe điện".
Foxconn nuôi tham vọng làm thay đổi thị trường xe điện bằng một giải pháp mang tính nền tảng chứ không chỉ sản xuất linh kiện.
Trước khi ngỏ ý mua lại dây chuyền sản xuất xe điện của VinFast, Foxconn đã có những động thái đầu tiên khi thiết lập quan hệ với Yulun Group và FCA Group để sản xuất xe điện, cung cấp linh kiện cho chuỗi cung ứng.
Muốn thành "Android" của thế giới xe điện
Xe điện và xe tự lái được xem là mục tiêu phù hợp nhất cho chiến lược phát triển của Foxconn bởi họ có thể tận dụng những kiến thức, đội ngũ chuyên gia hiện có trong lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô cũng như smartphone. Tuy nhiên, cần phải làm rõ là Foxconn không có ý định sản xuất xe điện mang thương hiệu của riêng mình. Thay vào đó, họ sẽ sản xuất ô tô cho đối tác, giống như lắp ráp iPhone cho Apple.
Hầu hết nhà sản xuất hiện nay đều sử dụng một hệ thống "đóng" khi phát triển những chiếc xe hơi. Tuy nhiên, tham vọng của Foxconn là xây dựng một nền tảng mở, nơi mọi nhà sản xuất ô tô có thể tham gia vào, thiết kế chiếc xe của họ theo một vài quy chuẩn nhất định.
Tesla sử dụng nền tảng riêng để phát triển xe điện, giống cách Apple làm với ngành công nghiệp smartphone. Tuy nhiên, Tesla còn phải đi một con đường rất dài nếu muốn tạo ra sự thống trị giống như cách Apple đã làm với điện thoại thông minh. Do đó, Foxconn muốn trở thành Android của ngành xe điện. Trở thành đối tác của các hãng xe lớn sẽ là thử thách bởi các hãng này có thể không hứng thú với việc chia sẻ "bí quyết" trên một nền tảng mở.
Xe điện là cuộc chơi mới, giàu tiềm năng những cũng đầy thách thức với các "tay chơi" công nghệ.
Trên xe điện và xe tự lái, phần mềm sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Foxconn biết và muốn nhảy vào khu vực này bằng cách cung cấp một hệ thống phần mềm mang tính nền tảng để nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ tự phát triển các tính năng riêng biệt.
Bắt tay hàng loạt đối tác, hiện thực hoá tham vọng
Không chỉ VinFast, Foxconn còn đang tìm kiếm đối tác ở khắp nơi cho mục tiêu của mình. Họ công bố hợp tác với startup xe điện Trung Quốc là Byton – vốn đang mất khả năng cân đối tài chính – để vực dậy thương hiệu xe điện. Foxconn nhắm đến mục tiêu sản xuất mẫu xe điện M-Byton từ năm 2022.
Họ cũng có một đối tác khác là Geely Holding Group, cung cấp giải pháp cho nhà sản xuất này.
Apple, đối tác truyền thống của Foxconn cũng có thể là một đối tác tiềm năng khác. Táo khuyết đã đàm phán với Hyundai Motor về việc phát triển một mẫu xe điện tự lái vào năm 2024 nhưng có vẻ như mọi thứ đã đổ bể. Tất nhiên, Foxconn phải thể hiện được điều gì đó nếu muốn trở thành đối tác cũ mà mới của Apple.
Để hiện thực hoá tham vọng, hãng gia công linh kiện điện tử số một thế giới đã đem về một đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, cho thấy sự nghiêm túc của Huawei. Jack Cheng – đồng sáng lập của hãng xe điện NIO (được coi là Tesla của Trung Quốc), cựu giám đốc quản lý của Fiat China được bổ nhiệm làm CEO của nền tảng MIH. William Wei trở thành Giám đốc công nghệ (CTO). Ông này có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Internet và điện toán, được kỳ vọng giúp Foxconn phát triển những chiếc xe chạy bằng phần mềm như Tesla.
MIH hiện đã có hơn 400 đối tác, gồm những cái tên sừng sỏ như Amazon Web Service, Mediaek, Qualcomm, ST Micro, Texas Instrument, Eaton hay Dana.
Ngoài phần mềm, yếu tố quan trọng không kém trên những chiếc xe điện là pin cũng được Foxconn quan tâm đặc biệt. Foxconn đã làm việc với CATL và SES để phát triển pin thể rắn vào năm 2024 với mục tiêu chiếm 10% thị phần linh kiện và dịch vụ xe điện vào năm 2027. Hãng cũng cố xây dựng một hệ thống quản lý pin thông minh (BMS), hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện hiệu suất pin trên xe điện.
Cũng phải kể đến việc các mẫu xe bus tự lái cấp độ 3 trang bị cho nhiều sân bay cũng được hỗ trợ bởi công nghệ của Foxconn.
Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, Foxconn sẽ không trở thành đối thủ của các hãng xe lớn do không có ý định xây dựng thương hiệu xe riêng. Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp linh kiện không thể không lo ngại. Sự tin cậy và giá bán sẽ là điểm mạnh của Foxconn so với nhiều đối thủ.
Trong khi đó, việc sử dụng một nền tảng mở nhiều khả năng cũng không hấp dẫn các hãng xe lớn do lo ngại về vấn đề bảo mật và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các hãng xe nhỏ và khởi nghiệp thì khác bởi họ sẽ có sẵn nền tảng để phát triển, tiết kiệm được cả thời gian lẫn chi phí.
Ngày 19/3, Reuters đưa tin Foxconn đang đàm phán giai đoạn đầu với VinFast về việc hợp tác trong lĩnh vực xe điện. Theo đó, Foxconn đề xuất mua lại dây chuyền sản xuất xe điện của VinFast. Tuy nhiên, VinFast mong muốn hợp tác thay vì để Foxconn mua lại dây chuyền.
"Hiện nay, chúng tôi cũng có nhận được một số thông tin từ Foxconn nhưng chưa có bàn thảo cụ thể. Việc hợp tác nếu có cũng chỉ tập trung vào việc phát triển pin và các linh kiện của xe điện. Chưa có thông tin nào về việc sẽ hợp tác sản xuất xe điện" - đại diện VinFast nói với Reuters.
Nguồn tham khảo: Reuters, Bloomberg, AP, Counterpoint