FPT bật mí bí kíp tiến vào thị trường Nhật Bản: Ông Trương Gia Bình cũng phải “hát rong”
Để tạo thiện cảm với các khách hàng người Nhật, trong những bữa tiệc chiêu đãi, đích thân ông Trương Gia Bình đã hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật.
- 19-09-2016CEO FPT lên tiếng sau khi bị nhân viên chế nhạc, đóng kịch mỉa mai, giục về hưu
- 18-09-2016Đóng kịch giục ông Trương Gia Bình về hưu, mỉa mai CEO, nhân viên FPT được thưởng "ngoài" 10 triệu đồng
- 18-09-2016“Hãy chuẩn bị cho FPT không có Trương Gia Bình”
- 16-08-2016Vì sao Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến quyết không để con tiếp tục học trường Amsterdam?
Đấy là một phần “bí kíp” tiến vào thị trường Nhật Bản của tập đoàn FPT được ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Software chia sẻ tại đại hội Sale & Marketing toàn quốc (VSMCamp 2016).
Quyền huynh thế phụ
Thời điểm FPT quyết định tiến ra nước ngoài là năm 1998, khi đó FPT đang là công ty IT số 1 Việt Nam, ông Hoàng Nam Tiến bắt đầu câu chuyện về tập đoàn mình.
“Lúc đấy chúng tôi thấy rất áp lực, vì khi đứng ở vị trí đầu tiên, rất khó để biết mình sẽ đi bước tiếp theo như thế nào. Cuối cùng chúng tôi quyết định đi ra nước ngoài!”, ông Tiến cho biết.
Hồi đấy, FPT đã thuê một công ty hàng đầu của Mỹ để tư vấn. Tuy nhiên, lời khuyên của các “ông cố vấn” này chỉ mang về cho FPT những thất bại cay đắng tại Silicon Valley hay Bangalore (Ấn Độ): công ty mở tại các địa điểm này chỉ tồn tại được 1 năm rồi phá sản vì “không ai thuê chúng tôi cả”.
2 triệu USD mà ông Trương Gia Bình lúc ấy xin được để ra nước ngoài đã tiêu sạch theo những lần thất bại. FPT đứng trước quyết định có nên tiếp tục nữa hay không.
Ông Tiến cho biết đa số mọi người đều quyết định “giải tán” ý tưởng này vì 2 lý do. Thứ nhất công ty đang làm ăn rất tốt tại Việt Nam. Còn lý do thứ hai đơn giản hơn, là vì “hết tiền”.
Nhưng đấy quyết định của “họp công ty”, còn khi “họp gia đình” ông Trương Gia Bình đã lấy “quyền huynh thế phụ” để quyết định làm tiếp.
“Nếu không có buổi họp hôm ấy thì chắc chắn FPT vẫn làm phần mềm nhưng không thể trở nên toàn cầu hoá”, ông Tiến kết luận.
Từ sự đồng cảm của “cơm – canh”…
Dù đã có quyết tâm lớn nhưng FPT lại đứng trước thách thức, khó khăn, bởi công ty đã liên tiếp thất bại tại các thị trường như Mỹ, Ấn Độ hay Singapore.
“Ngôn ngữ khi ấy là rào cản rất lớn, ở Singapore FPT chỉ có 2 người biết nói tiếng Anh”, ông Tiến tâm sự. Cuối cùng, công ty quyết định chọn Nhật Bản làm thị trường “tiến quân”.
Lúc này FPT biết rằng những điều mà Harvard hay các chuyên gia dạy họ đều không áp dụng được, họ cần có chiến lược riêng để chiếm trọn tình cảm của những người bạn Nhật Bản.
“Tôi đã chia sẻ với các bạn người Nhật chuyện trên thế giới có 5 nước ăn đũa nhưng chỉ mình Việt Nam còn nghèo. Chuyện ở Việt Nam chúng tôi gọi cái tivi là National, là Sony, cái xe máy là Honda… Hay như việc mời người Nhật ăn “cơm chan canh” ở cuối bữa”, ông Tiến kể.
Tất cả những điều này đã tạo ra sự đồng cảm của người Nhật bởi chúng khơi gợi lại trong họ nhớ về những năm 50, 60 ở Nhật Bản.
Sẵn có thiện cảm với Việt Nam từ trước, cộng với sự đồng cảm này, dần dần FPT chiếm trọn tình yêu của Nhật Bản, như là việc ông Ogawa, cựu CEO của Hitachi Software đã bất ngờ đồng ý làm CEO cho FPT Software tại đây.
“Các khách hàng Nhật Bản đã dành cho chúng tôi những tình yêu rất đặc biệt: Họ dạy chúng tôi, chờ chúng tôi trưởng thành”, ông Tiến tự hào nói.
Đến việc sếp lớn cũng đi “hát rong”
Trong mạch chia sẻ câu chuyện, đại diện FPT đã chia sẻ cách chạm hơn vào trái tim xứ sở Phù Tang: công ty đã chuyển lời bài hát Diễm xưa của Trịnh Công Sơn sang tiếng Nhật và “bắt” ông Trương Gia Bình phải học hát.
Ông Tiến kể: “Anh Bình mất 1 tuần để học. Sau đó, trong các tiệc chiêu đãi hay ăn tối, anh Bình đều hát để phục vụ khách hàng”.
Dù dư sức thuê những ca sỹ nổi tiếng song ca cùng với ông Bình, tuy nhiên, để tạo cảm giác gần gũi, công ty đã yêu cầu một nhân viên nữ người Việt đang làm tại đây hát Diễm xưa. Điều này đã khiến cho đối tác của FPT cảm thấy xúc động, đồng thời toát lên tinh thần ham học hỏi, mong muốn phát triển của đội ngũ công ty.
Yếu tố cuối cùng mà ông Tiến chi sẻ chính là tinh thần “sống chết có nhau”. Theo đó, khi thảm hoạ sóng thần 11/3/2011 xảy ra với nguy cơ nhà máy điện hạt nhân có thể bị vỡ, 3 ngày sau ông Trương Gia Bình đã đến nhà máy Hitachi nơi cách nhà máy điện hạt nhân 200 km. Ngoài ra ông đã yêu cầu nhân viên không được rời khỏi trừ trường hợp bất đắc dĩ.
“Điều này thể hiện tinh thần sống chết có nhau. Khi mình không rời bỏ họ vào lúc ngặt nghèo thì chắc chắn sẽ sống được với nhau cả đời!” đại diện FPT kết luận.