FPT rót hàng nghìn tỷ đồng vào Bình Định
Được biết, FPT muốn đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu khu vực Đông Nam Á, trung tâm khoa học thử nghiệm các công nghệ mới nhất của thế giới. Là 1 trong 5 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định có những tiềm năng kinh tế nổi bật gì?
- 04-02-2023Làm thế nào để nhận tiền trượt giá BHXH sau khi rút BHXH 1 lần?
- 02-02-2023PMI tháng 1/2023 của Việt Nam được đánh giá ra sao so với các nước trong khu vực ASEAN?
- 01-02-2023PMI Việt Nam tháng 1 tăng lên mức 47,4, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên sau ba tháng
Ngày 5/2/2023, FPT Software chính thức nhận giấy phép xây dựng Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại Quy Nhơn, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị.
Theo đó, với tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, Tổ hợp công nghệ này sẽ là nơi làm việc, nghiên cứu phát triển, học tập của 20.000 nhân sự công nghệ góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương cũng như thu hút nhân lực quốc tế.
Được biết, FPT muốn đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu khu vực Đông Nam Á, trung tâm khoa học thử nghiệm các công nghệ mới nhất của thế giới. Năm 2021, Tập đoàn FPT đã ký thỏa thuận lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025, đây là những dấu mốc quan trọng để hiện thực hóa khát vọng này.
Trước đó, FPT cũng đã ký kết hợp tác với Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới - Mila trong vòng 3 năm (2020-2023). Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác này là dựa trên sự tư vấn và bề dày kinh nghiệm của Mila, hai bên sẽ xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu AI hàng đầu thế giới tại Quy Nhơn. Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo của FPT tại Quy Nhơn có quy mô khoảng 94 ha với tổng mức đầu tư hơn 4.362 tỷ đồng.
Kinh tế Bình Định có gì nổi bật?
Là 1 trong 5 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định có nhiều tiềm năng và lợi thế trong thu hút đầu tư và phát triển Kinh tế - Xã hội. Không chỉ thuận lợi trong giao lưu khu vực và quốc tế, có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, với tỷ lệ 56% dân số trong độ tuổi lao động, Bình Định còn có khả năng cung cấp nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao cho các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, Bình Định cũng là tỉnh có chính sách thông thoáng, cởi mở và trách nhiệm trong thu hút đầu tư.
Đáng chú ý, năm 2022 là một năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của kinh tế Bình Định, với tốc độ tăng GRDP 8,57%, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,26%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,55%; dịch vụ tăng 12,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,0%.
Nguồn: Cục Thống kê Bình Định
Bên cạnh đó, quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 106.349 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 70,7 triệu đồng/người, tăng 11,59% (+7,5 triệu đồng/người); tương đương 2.997 USD/người, tăng 248 USD/người so với năm 2021.
Năm 2022, tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định ước đạt 46.950,2 tỷ đồng, tăng 10,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 94.906 tỷ đồng, tăng 19,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.550,3 triệu USD, tăng 9,3%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 70,7 triệu đồng/người, tăng 11,59%; năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 128,8 triệu đồng/lao động, tăng 15,5 triệu đồng/người so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 16.551,8 tỷ đồng, vượt 35,6% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ.
Về tình hình thu hút đầu tư, báo cáo của Cục Thống kê Bình Định cho biết, trong năm 2022, tỉnh đã thu hút được 1 dự án FDI với vốn đăng ký 4 triệu USD. Đến nay, cả tỉnh có 87 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD .
Về đầu tư trong nước, Năm 2022, toàn tỉnh thu hút 71 dự án với tổng vốn đăng ký 16.457 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.143 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 9.781 tỷ đồng, tăng 30,9% về số lượng và giảm 18% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đặt mục trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 bình quân 8,5% trở lên, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 204-213 triệu đồng/người tương đương 7.500-7.900 USD (theo giá hiện hành). Chỉ số phát triển con người (HDI): 0,7-0,8 tiếp tục nằm trong nhóm cao của cả nước.
Để đạt được các mục tiêu trở thành địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, Bình Định xác định rõ các trụ cột và khâu đột phá tăng trưởng trong quy hoạch tỉnh, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, địa phương này xác định các trụ cột phát triển gồm: công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo được xác định là một trong những trụ cột để Bình Định phát triển bền vững hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI) của cả nước.
Cụ thể, Bình Định tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Đồng thời, thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Tổ Quốc